Nhiều trẻ bị hành hạ, lạm dụng không được phát hiện

27/09/2014 08:16

Những vụ việc trẻ em bị bạo hành, lạm dụng tình dục bị phát hiện trong thời gian gần đây chỉ là mảng nổi của “tảng băng chìm”, còn rất nhiều em bé bị hành hạ, lạm dụng nhưng không được phát hiện.

Ông Nguyễn Trọng An. Ảnh Nhật Thy

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót trước vụ việc bé Kim Ngân, 4 tuổi (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị bạo hành đến mức mặt mũi thâm tím, bị xuất huyết dưới màng não. Ai cũng xót xa khi nhìn những hình ảnh mặt bé sưng húp, máu đọng quanh hai mắt... Đáng buồn hơn, kẻ bạo hành lại chính là mẹ ruột của bé.

Rồi gần đây nhất, bé trai 14 tuổi bị câm điếc được bác sĩ xác định nhập viện trong tình trạng nhiều vết thương, bộ phận sinh môn bầm tím, lở loét. Phía cảnh sát nghi nạn nhân bị lạm dụng tình dục.  Trước đó, mặc dù con trai bị người hàng xóm đưa đưa đi nhiều ngày nhưng bố mẹ em lại nghĩ sự việc đơn giản, không ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nên không trình báo với cơ quan chức năng.

Lỗ hổng lớn trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), ý thức về quyền và trách nhiệm chăm con cái của nhiều gia đình còn kém là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc trẻ bị bạo hành, lạm dụng. Với quan niệm "thương cho roi cho vọt", nhiều cha mẹ đã tự cho mình quyền dạy dỗ con cái bằng bạo lực. Họ biện minh "con hư thì phải dạy", hay "con tôi sinh ra tôi có quyền đánh". Rồi việc cha mẹ bất cẩn, thiếu quan tâm khiến bé trai khuyết tật bị gã hàng xóm dẫn đi khỏi nhà cả tháng…

Nguyên nhân thứ hai là do hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở nước ta còn mỏng và yếu. Đội ngũ cán bộ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa được kiện toàn do đó công tác dự phòng, tuyên truyền giáo dục, phát hiện và can thiệp sớm của địa phương chưa được triển khai đầy đủ, vì vậy có nhiều vụ việc đều do báo chí phát hiện, phanh phui. Sự việc xảy ra rồi, các em bị bạo hành, lạm dụng rồi thì các cơ quan mới biết mà vào cuộc.

“Hiện chúng ta đang thiếu một đội ngũ cán bộ xã hội và cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em hoạt động tại cộng đồng. Trước năm 2007, chúng ta có mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, khoảng hơn 162 nghìn cộng tác viên, nhưng từ  khi giải thể hệ thống Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đến nay, chúng ta đã bị hổng về số lượng, yếu về chất lượng”, ông Nguyễn Trọng An nói.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trọng An, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em của chúng ta còn thiếu và chưa phù hợp. Luật mới chỉ quy định khung, chưa có quy định rõ ràng xử lý cụ thể đối với từng hành vi bạo lực, hành hạ, xâm hại trẻ em. Các quy định về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương xảy vụ việc cũng vậy. Chính quyền địa phương coi việc dạy con là việc riêng của mỗi gia đình, khi có vụ việc xảy ra thì rất lúng túng giải quyết. Đây là lỗ hổng rất lớn trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng An cho rằng, phim ảnh đồi trụy, game đen, rượu bia, chất kích thích cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em.

Đừng để "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Về những hệ quả sau này đối với trẻ bị bạo hành, lạm dụng tình dục, ông Nguyễn Trọng An cảnh báo, những vết thương về mặt thể xác có thể lành nhưng những vết hằn trong tâm lý của các em rất nặng nề khó có thể xoá bỏ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ từng bị bạo lực, lạm dụng khi lớn lên có nguy cơ tiếp diễn bạo lực đối với người khác. Chính vì vậy để trẻ được phục hồi bền vững cần có sự phối hợp của chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần, người thân hoặc gia đình thay thế (trong trường hợp trẻ mồ côi hoặc  cha mẹ bị tước quyền nuôi con) chăm sóc và yêu thương trẻ.

Việc giúp đỡ trẻ bị bạo hành hòa nhập với cộng đồng và kế hoạch hỗ trợ dài hạn. Chăm sóc các em như thế nào, các em học tập ra sao, hướng nghiệp cho các em….Các em bé nhận được số tiền từ thiện của cộng đồng, nhà hảo tâm thì sẽ được ngân hàng giữ số tiền này. Sau đó, chính quyền và cơ quan bảo vệ trẻ em sẽ tư vấn cho gia đình và bản thân trẻ cách sử dụng. Điều này cần được đưa vào luật để tránh xảy ra câu chuyện như chuyện của bé  Hào Anh không biết sử dụng tiền từ thiện của xã hội như thế nào.

Để hạn chế những vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, theo ông Nguyễn Trọng An, cần tuyên truyền để nâng cao năng lực, ý thức và kỹ năng chăm sóc trẻ của các gia đình. Để làm được điều này cần phải kiện toàn một một mạng lưới cộng tác viên có đủ năng lực, trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường quản lý về văn hoá, internet chất kích thích và mở thêm nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh.

Theo ông Nguyễn Trọng An, sau những vụ việc bạo hành và xâm hại trẻ em xảy ra, giai đoạn này đang trong quá trình chỉnh sửa Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em để trình Quốc hội cần thiết phải bổ sung một số chương, điều và quy định rất rõ, cụ thể về bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế .

Những hành vi nào gây bạo hành bạo lực trẻ em phải có chế tài cụ thể; quy định và ghi rõ trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn bảo vệ trẻ em. Đặc biệt phải có những quy định bảo vệ nhân chứng, tách em bé ra khỏi môi trường nguy hiểm, có thể tước quyền nuôi con của cha mẹ tạm thời và vĩnh viễn. Từ đó mới có hành lang pháp lý vững chắc để trẻ em được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Ông Nguyễn Trọng An đưa ra khuyến nghị trong sửa đổi Luật lần này cần bổ sung “cơ chế giám sát độc lập việc thực hiện quyền trẻ em”. Điều này nhằm đảm bảo sự giải trình minh bạch, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như đã xảy ra trong nhiều vụ việc có liên quan đến vi phạm quyền trẻ em.
Top