Nâng cao nhận thức trong phòng chống xâm hại trẻ em

24/06/2014 08:07

Giáo dục, nâng cao nhận thức là một biện pháp hiệu quả trong đấu tranh ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Cả trẻ em và người lớn cần được trang bị thông tin, kỹ năng để bảo vệ các em khỏi các dạng xâm hại khác nhau.

Tập huấn nâng cao kiến thức cho trẻ em tại Hải Phòng. Ảnh Nhật Thy

Cảnh báo những hình thức xâm hại trẻ em mới

“Trong bối cảnh xã hội mới với sự phát triển của công nghệ, đã nảy sinh nhiều hình thức xâm hại mới vượt ra ngoài những quan điểm cũ. Những dạng không đụng chạm (như đưa hình ảnh trẻ em trên các mạng khiêu dâm, chat sex với trẻ, ép trẻ phô bày các bộ phận cơ thể qua webcam…) lại thường không được coi là xâm hại tình dục”, Ông Nguyễn Khánh Hội, Điều phối viên Quốc gia Dự án Trẻ thơ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam cho biết.

Theo ông Hội, hiện nay nhiều bậc phụ huynh và ngay cả những người làm công tác bảo vệ trẻ em thường rất mông lung về định nghĩa thế nào là xâm hại trẻ em. Rất nhiều người cho rằng, xâm hại trẻ em nghĩa là hiếp dâm trẻ em hoặc có hành vi giao cấu với trẻ em. Điều này khiến bỏ lọt tội phạm hoặc bỏ qua những dấu hiệu khởi đầu của việc trẻ bị xâm hại.

Cách đây không lâu, phong trào “cứu nét” khá phổ biến ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đây là một hình thức mà kẻ xâm hại sử dụng internet như một công cụ tìm kiếm vào trao đổi thông tin với nạn nhân. Chat sex, là một hình thức xâm hại tình dục không đụng chạm, không giao cấu rất phổ biến hiện nay. Theo định nghĩa quốc tế về xâm hại tình dục trẻ em thì xâm hại tình dục trẻ em là mọi hành vi dụ dỗ lôi kéo ép buộc trẻ em tham gia vào những hoạt động liên quan đến tính dục.

Vì vậy, cho trẻ xem các ấn phẩm khiêu dâm, sử dụng hình ảnh trẻ để khiêu dâm, cũng như nói chuyện về tình dục không phải để giáo dục với trẻ cũng là xâm hại tình dục trẻ em. “Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các trang web khiêu dâm chuyên biệt của trẻ em Việt Nam mà những kẻ xâm hại lập. Trong số các nạn nhân xuất hiện trên các website đó, không ít người không biết mình bị lợi dụng”, ông Hội cho biết

Theo ông Hội, các hình thức xâm hại cũ hay mới đều để lại những hậu quả về tinh thần và thể xác lâu dài cho nạn nhân. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, trẻ bị xâm hại có tỷ lệ trở thành kẻ xâm hại khi trưởng thành khá cao. Về tâm lý, hầu hết nạn nhân đều bị những sang chấn về tâm lý trong suốt cuộc đời còn lại. Về mặt xã hội, nhất là tại Việt Nam, tương lai của nạn nhân luôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng: bị kỳ thị, xa lánh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc. Thậm chí, nhiều nạn nhân còn dấn thân vào con đường mại dâm.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

“Nhiều năm nay chúng ta coi việc giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Công tác bảo vệ trẻ em cũng cần phải thực hiện như vậy”, ông Nguyễn Khánh Hội cho biết.

Đấu tranh chống xâm hại trẻ em, cần tập trung vào biện pháp phòng ngừa. Công tác truyền thông cần được làm đồng bộ, có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan hữu quan.

Đối tượng đầu tiên cần phải tuyên truyền chính là trẻ em. Các em cần được trang bị đầy đủ để bảo vệ mình khỏi các hình thức lạm dụng. Gia đình, nhà trường phải có trách nhiệm cung cấp kiến thức cho các em. Để làm được điều này, chính các bậc cha mẹ, nhà trường và các cơ quan chức năng cũng cần cập nhật kiến thức về các thủ đoạn, hình thức xâm hại mới

Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là hệ thống giúp báo cáo sự việc. Đôi khi trẻ biết sự việc nhưng không biết báo cáo về đâu. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có đường dây nóng về báo cáo thông tin xâm hại trẻ em. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến đường dây này nhất là tại các vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy cần thông tin, tuyên truyền để có nhiều người hơn nữa biết đến đường dây này.

Để ngăn ngừa các hình thức xâm hại mới, trước khi trao cho con mình những công cụ tiếp xúc với vô vàn thông tin trên internet, cần giáo dục các em cách sử dụng nó như nào. Đây là hình thức xâm hại không đụng chạm nên chủ yếu phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa như đã nêu trên, từ đó giúp trẻ miễn nhiễm với các hình thức dụ dỗ, lôi kéo qua mạng. “Quan trọng nhất là luôn biết con mình ở đâu trong thế giới ảo”, ông Nguyễn Khánh Hội nhấn mạnh.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ trẻ em, theo ông Hội, phải tuyên truyền để những người làm công tác này tại địa phương biết được các nguy cơ trong môi trường của mình; việc xâm hại có thể xảy ra ở bất cứ đâu.

Ông Nguyễn Khánh Hội nhận định, trong thời gian qua công tác tuyên truyền đã nâng cao một cách đáng kể, tuy nhiên một số luật liên quan đến việc bảo vệ trẻ em tại Việt Nam như Luật Bảo vệ trẻ em, Luật hình sự đang không theo kịp với thực tế. Tại nhiều nước, các chế tài liên quan đến xâm phạm trẻ em phải có tác dụng phòng ngừa. Ở Việt Nam luật mới chỉ có tác dụng xử lý.

Bên cạnh đó, ở một số quốc gia tất cả những người làm công tác có liên quan đến bảo vệ trẻ em thường phải kiểm tra nhân thân. Nếu trước đó, họ có các hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em thì sẽ không được làm công tác này. Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định này.

Năm 2013, đối tượng Larroque Olivier (SN 1962), quốc tịch Pháp bị lực lượng Interpol quốc tế truy nã vì bị tình nghi liên quan đến một số vụ xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em ở nhiều quốc gia khi hắn đang lẩn trốn và làm việc cho một bệnh viện ở Hà Nội.

Về vấn đề này, ông Hội cho biết, Tầm nhìn Thế giới đã trao đổi với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bộ đã giao Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa điều này vào dự thảo sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em.Theo đó, nhân viên thuộc các cơ quan, đoàn thể có liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em phải trải qua kiểm tra tiền sử vi phạm các hành vi xâm hại trẻ em.

Cuối cùng, theo ông Hội, để làm tốt công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Theo Unicef, trên toàn thế giới, 1/5 nữ giới và 1/7 nam giới đã từng bị xâm hại tình dục. 9% đến 25% trẻ em trong khu vực đã phải chịu đựng nhiều mức độ xâm hại thể chất khác nhau. Có đến 30% cả trẻ trai và gái đã từng phải chịu đựng cưỡng bức tình dục. Tỷ lệ tự tử cũng như mong muốn tự tử ở những người trưởng thành và vị thành niên đã từng bị xâm hại tình dục hoặc xâm hại thể chất cao hơn 4 lần so với những người khác.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng các ca xâm hại tình dục trẻ em được các cơ quan chức năng xử lý gia tăng đều trong 5 năm trở lại đây.

Tầm nhìn Thế giới được thành lập từ năm 1950. Tổ chức đã phát triển để trở thành một trong những tổ chức từ thiện và phát triển lớn nhất thế giới.

Tầm nhìn Thế giới bắt đầu thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp ở Việt Nam từ năm 1988 và mở văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1990. Kể từ năm 1990, Tầm nhìn Thế giới triển khai nhiều hoạt động cứu trợ và hỗ trợ phát triển, hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ khác và cộng đồng.

Là tổ chức hoạt động vì trẻ em, Tầm nhìn Thế giới Việt Nam thực hiện hoạt động vì an sinh của trẻ em, trọng tâm vào các hoạt động y tế, giáo dục, sự tham gia của trẻ và bảo vệ trẻ em. Hàng năm, hơn 2,5 triệu trẻ em và người lớn được hưởng lợi từ các chương trình của Tầm nhìn thế giới.

 

Top