Nâng cao kỹ năng phòng chống ma túy - việc làm bức thiết

27/10/2014 11:43

Nạn buôn bán ma túy có xu hướng gia tăng. Các loại ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều. Thủ đoạn buôn bán ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Khắp nơi dân tình kêu trời vì nạn tiêm chích tràn lan. Trong khi đó nhận thức của các bậc phụ huynh, học sinh - sinh viên về những hệ lụy chết người của ma túy còn mơ hồ, thiếu hụt những kỹ năng cơ bản…

Con bị bắt vì “đập đá”, mẹ tá hỏa giật mình

Thiếu thông tin, thiếu những kỹ năng nhận biết ma túy để rồi sống trong hối hận là câu chuyện của chị Phạm Thị Hiền ở Lục Bình, Hà Nam. Chồng mất sớm, nhà chỉ có mỗi mụn con trai nên mọi tình thương chị đều dồn cho cu Hải (tên gọi ở nhà của Hoàng Trung Hải- SN 1994). Chị Hiền kể, suốt đời chị quanh quẩn với ruộng đồng, lam lũ lắm, nhưng vẫn cố lo cho thằng Hải được ăn học trên Hà Nội cho bằng bạn bằng bè.  Một ngày, chị  bắt xe lên thăm con, thấy mấy đứa bạn xúm xít trong phòng quanh một chai Lavie có đục hai lỗ trên nắp, bầu lọc, vòi… Bà mẹ tò mò hỏi: chúng mày làm gì mà xúm nhau quanh cái chai này, mặt đờ đẫn thế kia? Cả bọn cười ầm: chúng con đập đá. Nghĩ chắc mấy đứa trẻ lại bày trò chơi bời nghịch ngợm, chị Hiền bỏ đi làm việc khác. Tháng 5/2014, chị  rụng rời nghe tin Hải bị công an bắt khi đang “đập đá” trong quán karaoke.

Đến giờ tôi vẫn không hiểu “đập đá” là gì? (Ảnh: Hồng Lam)

Đến tận giờ, kể lại chuyện cũ nhưng chị Hiền vẫn chưa hết vẻ ngạc nhiên: Tôi nghe nói nó bị bắt vì “đập đá” nhưng tôi có hiểu “đập đá” là gì đâu. Mãi sau này mới nghe chị công an nói loáng thoáng cái chai Lavie kia là dụng cụ để nó cùng mấy thằng bạn “đập đá”, tôi mới giật mình. Giá như tôi biết sớm để ngăn nó lại thì đâu đến nỗi!

Sau khi nghe giải thích về ma túy đá, chị Hiền đau khổ, chị có bao giờ đi xa đâu, báo chí ở quê chả bao giờ đọc, cái thứ ma túy xa lạ nay đã bao giờ nghe bà con chòm xóm kháo nhau đâu mà biết.

Sơ sểnh một chút là mất con!

Mới 22 tuổi, nhưng cậu ấm Nguyễn Tuấn Minh, SN 1992 (Thanh Xuân- Hà Nội) đã “kinh qua” nhiều loại ma túy, ban đầu là thuốc lắc, bạn bè cắn nửa viên, cậu chơi hẳn một. Chán thuốc lắc, nghe theo cánh đàn anh đàn chị cậu chuyển sang dùng ngựa, thuốc phiện, Ketamin. Được một năm, nghe dân chơi kháo nhau về cảm giác phê pha của đá, cậu và mấy thằng bạn hùn tiền mua ngay 1 “chấm” giá 1 triệu về thử.

Nhà Minh kinh tế dư dả, bố có một xưởng sửa xe, mẹ là quản lý một chuỗi nhà hàng- khách sạn ở Hồ Tây nên cậu ấm tha hồ tung hoành. Riêng nửa năm cuối 12, cậu đốt của gia đình 700 triệu đồng, mỗi lần hết tiền về xin, bố mẹ cũng chẳng hỏi con xin tiền làm gì. Từ khi phát hiện Minh nghiện, bố mẹ cắt viện trợ, cậu xoay sang ký nợ, giả vờ bị giang hồ bắt cóc rồi gọi điện về để bố mẹ mang tiền đi chuộc… Sợ con có mệnh hề gì, bố mẹ mang tiền đi chuộc, cầm cục tiền trong tay, cả nhóm Minh lại thuê nhà nghỉ “đập đá”.

Minh chia sẻ, 5 năm nay em chỉ xem nhà như cái phòng trọ, có tiền thì Minh lang thang khắp nơi. Khi hết tiền hoặc Tết, cậu mới về mò về nhà. Bố mẹ cũng nhờ người đôn đáo đi tìm, nhưng Minh thay đổi chỗ ở liên tục. Hội “đập đá” của Minh chỉ gia nhập những cậu ấm, cô chiêu nhà có điều kiện đất Hà Thành.

Trò chuyện với chúng tôi, giọng cậu trai 22 tuổi đầu ngây thơ hết sức: Nhà em lúc nào cũng sẵn tiền, bố mẹ đi làm cả ngày nên mỗi khi lên cơn, em mò về ngồi dò mật khẩu, mở khóa két cả ngày. Học hành bê tha, nhưng riêng khoản mở khóa thì Minh rất rành, cậu bỏ hàng tiếng đồng hồ ngồi nghiên cứu mật khẩu, cứ ghép hết ngày sinh của tất cả người thân trong gia đình, lộn đi lộn lại, cuối cùng cũng ra mật khẩu. Suốt buổi nói chuyện, thi thoảng cậu lại rung đùi lẩm bẩm: một viên thuốc lắc tàn phai nhan sắc, một làn khói đá phá dung nhan. Lắc lắc quay quay anh bay trong Nonstop, đắng đắng cay cay anh bay giữa dòng đời!

Minh kể, không cần biết tiền mẹ hay của cơ quan, cậu cứ vơ đại một cọc mang đi chơi cho đã, có lần Minh vơ đúng một cọc trị giá 100 triệu mang đi bao bạn bè. Sẵn tiền nhà, Minh “nuôi”  một lúc mấy thằng đệ để… sai vặt khi cần. Sợ bị công an sờ gáy như mấy chiến hữu khác, cậu chỉ việc ngồi nhà nghỉ chơi đá, chi tiền cho đàn em từ mua cơm, đến đi nhận hàng. Minh cười hỉ hả : mình là người có tiền nên phải biết sử dụng đồng tiền hợp lý chị à. Mà em cũng phải sống phải có trước có sau để khi thiếu thuốc có người còn giúp.Có đợt hết tiền, gọi điện phát, thằng bạn về nhà vơ của mẹ nó 5 củ (5 triệu đồng), thế là có tiền chơi. Hội đập đá giờ đi tù hết, còn mỗi em với một thằng ở phố cổ.

Em N.T.Minh: bố mẹ không hỏi em dùng tiền làm gì. Ảnh: Hồng Lam

Cuối cùng tôi cũng gặp được chị Mai- mẹ Minh khi thăm con ở một trung tâm cai nghiện ở Hà Nội, chị nghẹn ngào: nhà có hai thằng con sinh đôi, thằng anh Tiến Minh thì bài bạc, mấy lần vào tù ra tội vì chống người thi hành công vụ, thằng Tuấn Minh thì nghiện ngập… Hoàn cảnh thế này, tôi đành nghỉ việc ở nhà lo cho con. Bây giờ chỉ cần sơ sểnh một chút là mất con…

Trong thực tế, có những ông bố bà mẹ dễ dàng đáp ứng những đòi hỏi về mặt kinh tế cho con nhưng có phần chủ quan  nghĩ ma túy sẽ không  gõ cửa gia đình nhà mình. Đến khi con nghiện nặng, lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy, ngáo đá, cầm dao vung vẩy khắp nơi, đi ngáo ngơ ngoài đường, ngồi chăm chăm bấm điện thoại điên loạn cả buổi tối…  họ mới giật mình tỉnh ngộ.

Đừng để mọi thứ đi quá xa

Trong thời gian tham gia một buổi tập huấn kỹ năng phòng chống ma túy học đường,  tôi có dịp phỏng vấn sâu nhận thức các bậc phụ huynh về tác hại của ma túy. Anh Nguyễn Vĩnh Tâm, một phụ huynh có con theo học tại trường THCS Khương Đình chia sẻ thẳng thắn: mặc dù là công tác trong cơ quan nhà nước nhưng tôi không biết nhiều về ma túy. Tôi chỉ biết được heroin và cần sa là ma túy, còn những dạng khác tôi không biết được…

Đi tìm câu trả lời làm sao để nâng cao kỹ năng phòng chống ma túy trong học đường, ông Trịnh Xuân Trường, Hiệu trưởng trường THPT Nam Sách- Hải Dương cho biết: Thú thật, không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên chúng tôi cũng không hiểu sâu về ma túy…

Để làm rõ câu chuyện nhận thức học sinh về ma túy, chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu  một số học sinh lớp 9 trường THCS  Khương Đình. Khi được hỏi một số câu về ma túy thì em này nấp sau lưng em kia, đùn đẩy nhau, bạn nào cũng kêu thôi em không biết gì về ma túy đâu, chị phỏng vấn đứa khác đi. Đùn đẩy mãi, cuối cùng cả nhóm tiến cử một em tên Quân, Quân nói: em không hiểu nhiều về các loại ma túy, nhiều chương trình trên TV cũng hay phát nhưng em không hiểu lắm. Nhiều lúc rảnh rỗi, lên mạng nhưng không biết thông tin trên đó có tin cậy được không nữa.

Tranh về phòng chống ma túy của học sinh THCS Khương Đình

Trong thực tế, những buổi ngoại khóa về đề tài ma túy hiện nay vẫn chưa thật sự hấp dẫn, thu hút. Thế mới có câu chuyện một sinh viên Cao đẳng Nghề Công Nghệ cao Hà Nội chia sẻ sau khi tham gia mít tinh Ngày toàn dân phòng, chống ma túy: ma túy thì ghê gớm và đáng sợ rồi, nhưng đáng sợ và ghê gớm cụ thể như thế nào thì em chịu! Nghe bạn em nói người nghiện ma túy có tiền hút thì sống khỏe, không thì cũng không sao(!). Các buổi mít tinh vẫn được tổ chức rầm rộ hằng năm, sinh viên các trường tham gia đông đảo. Tuy nhiên, trong  khi ở trên đại biểu phát biểu, ở dưới sinh viên ngồi dưới toàn buôn chuyện riêng, hết giờ đi về.

Ma túy dường như là đề tài quá quen thuộc trong các buổi ngoại khóa, đến quán trà đá trước cổng trường, trên các băng rôn, áp phích đầy trên phố… nhưng  trong thực tế học sinh còn mơ hồ về kỹ năng nhận biết, phòng tránh…

Vậy làm thế nào để hấp dẫn học sinh- sinh viên quan tâm đến chủ đề này? Tại nội dung nhàm chán hay cách truyền thông còn xa vời, không “bám” vào tâm sinh lý độ tuổi? Khi được hỏi giữa việc tìm hiểu thông tin về các tệ nạn xã hội quanh mình với việc cập nhật thông tin giới showbiz, bạn ưu tiên cái nào? Bạn H.N, Nhà C1, KTX Mễ Trì trả lời: tất nhiên là giới showbiz, cứ có thời gian em vào mấy kênh giải trí, lướt Facebook xem hôm nay ca sĩ này mặc gì, diễn viên kia đi đâu… Mà mấy tờ báo dành cho sinh viên em cũng có đọc, nhưng hiếm có bài viết nào cảnh báo về các loại ma túy mới thu hút người đọc.

Gõ cụm từ “sinh viên buôn ma túy” vào trang tìm kiếm Google, không ít người sẽ thấy bất ngờ trước hàng  nghìn kết quả về những vụ án liên quan đến ma túy mà đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên…

Những đứa con là tài sản lớn nhất của mỗi bậc làm cha, làm mẹ. Trong bối cảnh ma túy luôn rình rập, nhăm nhe, bủa vây xung quanh như hiện nay, nếu các bậc phụ huynh không tự trang bị cho mình và con những kỹ năng cần thiết, một ngày, chúng ta phải sống trong hối hận, tiếc nuối.

Top