Nâng cao kiến thức phòng, chống lao và đồng nhiễm lao/HIV

04/04/2014 09:00

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở nước ta, tình trạng lao kháng thuốc có xu hướng gia tăng. Việt Nam đứng thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng lao kháng thuốc với tỷ lệ cứ 3 người mắc bệnh lao thì 1 người bị kháng thuốc. Trong đó, người đồng nhiễm lao/HIV có nguy cơ kháng thuốc cao hơn nhiều hơn so với người không nhiễm HIV.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam cho hay, bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV có nguy cơ kháng thuốc cao một phần là do bản chất của bệnh lý HIV/AIDS là làm suy giảm khả năng miễn dịch, khiến sự hỗ trợ miễn dịch khi sử dụng thuốc kém đi, làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ. Ảnh Nhật Thy

Sự “tự kỳ thị” của chính người bệnh cũng là một nguyên nhân tiến đến lao kháng thuốc. Nhiều người nhiễm HIV khi biết mình bị lao thường từ chối điều trị. Điều này gây khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý và phòng, chống lây lan bệnh lao ra cộng đồng.

Bên cạnh đó việc điều trị cùng một lúc hai loại bệnh thường gây tương tác, làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị lao và  điều trị HIV.

Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ nhiễm mới HIV đã giảm dần. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, tỷ lệ nhiễm mới HIV giảm không có nghĩa là đồng nhiễm lao/HIV cũng giảm vì những người nhiễm HIV có thể nhiễm lao bất cứ lúc nào do sức đề kháng yếu.

Theo Chủ tịch Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam, hiện nay, tất cả các bệnh nhân lao đều được sàng lọc HIV. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân HIV/AIDS nào cũng được sàng lọc lao. Bản thân những người đồng nhiễm nếu họ không được tư vấn đầy đủ cộng với sự mặc cảm họ có thể bỏ cả điều trị lao lẫn điều trị HIV/AIDS. Trong khi bệnh lao có thể điều trị khỏi nếu người bệnh được điều trị kịp thời theo quy trình điều trị của bác sĩ.

Chính vì vậy, theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, cần có nhiều hoạt động tích cực, trong đó tập trung truyền thông, huy động xã hội nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao, đồng nhiễm lao/HIV, lao đa kháng thuốc.

Về vấn đề kinh phí điều trị lao đang giảm giảm dần, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho rằng, nếu các cấp, các ban ngành thực hiện đúng Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mà Chính phủ vừa ban hành, thì nguồn lực cho công tác phòng, chống lao sẽ được đảm bảo.

Chiến lược quốc gia đã nêu rõ, công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị. Vì tầm quan trọng của việc thanh toán bệnh lao, Nhà nước sẽ đảm bảo nguồn lực cho hoạt động này thông qua sự đầu tư đa nguồn: Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và nguồn viện trợ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Trong đó, UBND các cấp có trách nhiệm bố trí đủ ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống lao tại địa phương, cùng với nguồn ngân sách trung ương được hỗ trợ hàng năm.

Bên cạnh sự đầu tư về nguồn lực của các địa phương như Chiến lược đề ra, việc đảm bảo hoạt động cung ứng thuốc nói riêng và công tác phòng, chống lao nói chung từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cũng giữ vai trò rất quan trọng. Theo PGS Đinh Ngọc Sỹ, Chương trình phòng, chống Lao quốc gia cần phối hợp Bảo hiểm y tế để hướng tới việc xây dựng chính sách mở rộng quyền lợi cho bệnh nhân lao, đồng thời bảo đảm kinh phí hoạt động và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Đồng thời, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao, sử dụng những loại thuốc phổ cập nhất hiện nay và rút ngắn thời gian điều trị, ngăn chặn kịp thời lao đa kháng thuốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao nặng nề nhất trên thế giới, trung bình 1 giờ có 2 người chết vì bệnh lao. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và chúng ta mới chỉ phát hiện được 100.000 người. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6000 người mắc lao đa kháng thuốc.

"Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" đặt ra mục tiêu hết năm 2015 phải giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người trên 100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người trên 100.000 người dân.

Mục tiêu hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người trên 100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người trên 100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Top