Nam Định: Một trong 10 tỉnh đạt chỉ tiêu cao nhất về điều trị Methadone

30/04/2017 15:27

Với 8 cơ sở điều trị Methadone, hiện tỉnh Nam Định đang điều trị Methadone cho 1.903 bệnh nhân, đạt hơn 100% so với chỉ tiêu Chính phủ giao về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và là một trong 10 tỉnh đạt chỉ tiêu cao nhất cả nước.

TS. Trần Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định. Ảnh: Thùy Chi

TS. Trần Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định đã có buổi trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông – Trang tin của UBQG phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn và những kinh nghiệm triển khai.  

Được biết Nam Định là 1 trong 10 tỉnh đạt được chỉ tiêu yêu cầu với mức cao trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, xin ông cho chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này?

TS. Trần Văn Quang: Để đạt được những kết quả như hiện nay, chương trình điều trị Methadone đã được sự chỉ đạo, lãnh đạo từ chính quyền các cấp cũng như sự hỗ trợ về kinh phí và chuyên môn kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Bên cạnh đó để tăng số lượng bệnh nhân tại các cơ sở, chúng tôi đã tiến hành truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiệu quả chương trình điều trị Methadone; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tham gia điều trị; cấp phát thuốc cho bệnh nhân 365 ngày trong năm và cấp phát thuốc ngoài giờ hành chính để không ảnh hưởng đến giờ làm việc của bệnh nhân.

Đồng thời, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác điều trị Methadone như: Phụ cấp làm thêm giờ, phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, thu nhập tăng thêm... Bảo đảm công tác an ninh tại cơ sở điều trị: Bố trí đủ bảo vệ 24/24, hợp đồng với công an phường sở tại phối hợp duy trì an ninh trật tự tại khu vực uống thuốc.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ điều trị Methadone cũng phải được nâng cao thông qua việc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo tập huấn của tuyến trên cũng như Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở điều trị trong tỉnh.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những kết quả mà Nam Định đã đạt được trong công tác điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và công tác phòng, chống HIV/AIDS?

TS. Trần Văn Quang: Đến ngày 31/12/2016 lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS  trên địa bàn tỉnh Nam Định là 5.464 người trong đó có 1.400 người đã tử vong do AIDS và 2.449 người nhiễm HIV hiện còn sống quản lý được tại địa phương. Dịch HIV/AIDS xuất hiện tại 10/10 huyện/thành phố, 224/229 xã/phường. Hơn 58% các trường hợp lây nhiễm HIV tại Nam Định là qua đường máu. Trong số người nhiễm HIV được phát hiện 60,2% là người nghiện chích ma túy, 83% là nam giới, độ tuổi nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi 20-39.

Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Nam Định được triển khai khá đồng bộ và tập trung tại các địa bàn điểm nóng của dịch HIV/AIDS. Năm 2016, chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã phân phát 328.590 bao cao su và 878.600 bơm kim tiêm cho nhóm nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ mại dâm (PNMD) và nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Hiện tỉnh đang điều trị Methadone cho 1.903 bệnh nhân. Điều trị Methadone đã giúp người NCMT giảm tần suất tiến tới ngừng sử dụng các chất dạng thuốc phiện. Số người sử dụng heroin giảm từ 100% xuống còn 5% sau 6 tháng điều trị và sau 12 tháng hầu hết bệnh nhân không còn sử dụng heroin. Từ đó giúp cải thiện về sức khỏe, giảm tình trạng lây nhiễm HIV và góp phần cải thiện tình hình trật tự an ninh tại địa phương.

Bên cạnh đó, 10 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại 9 huyện/thành phố  năm 2016 đã thực hiện tư vấn và xét nghiệm miễn phí cho khoảng 9.000 lượt khách hàng và phát hiện hơn 150 trường hợp nhiễm HIV. Toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị HIV/AIDS và 34 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã/phường đang điều trị cho 1.263 bệnh nhân. chương trình dự phòng lây truyền mẹ con đã có 26.092 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện và điều trị dự phòng cho 18/18 trường hợp nhiễm HIV và con của họ.

Nhìn lại những chỉ số mà ông vừa cho biết nhận thấy tình hình dịch HIV trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy, chiếm đến hơn 60% các trường hợp nhiễm HIV. Xin ông cho biết, địa phương sẽ làm gì để giảm thiểu lây nhiễm trong nhóm này?

TS. Trần Văn Quang: Người NCMT chiếm hơn 60% các trường hợp nhiễm HIV do đó giảm thiểu lây nhiễm HIV cho nhóm này tỉnh Nam Định tập trung vào 2 nhóm giải pháp chủ yếu: Đó là tăng cường truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm NCMT thông qua các hình thức như tư vấn, truyền thông...; duy trì và mở rộng địa bàn triển khai chương trình cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm NCMT thông qua mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng tại 10 huyện/TP và triển khai tập trung tại các xã/phường trọng điểm về HIV/AIDS và NCMT.

Bên cạnh đó, duy trì 8 cơ sở điều trị Methadone và 1 cơ sở cấp phát thuốc, thành lập thêm 2 cơ sở điều trị mới tại huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên để nâng số lượng bệnh nhân điều trị Methadone trên toàn tỉnh khoảng 2.100 người vào năm 2017. Tăng số người NCMT được xét nghiệm HIV thông qua các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Hoạt động này mới bắt đầu được triển khai từ năm 2017.

Để bảo đảm bền vững kết quả phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, xin ông cho biết tỉnh sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì?

TS. Trần Văn Quang: Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là, sự thiếu hụt kinh phí sẽ dẫn tới các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS không được duy trì bền vững và dịch HIV/AIDS có thể sẽ bùng phát trở lại. Bên cạnh đó công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng còn gặp khó khăn do người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn sợ kỳ thị nên xét nghiệm bí mật, giấu tên, khai sai tên, địa chỉ. Mặt khác đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở còn thiếu về số lượng và chất lượng, lại thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn khi triển khai chương trình.

Theo tôi để giải quyết những khó khăn hạn chế trên cần có một số giải pháp như sau: Một là tăng cường kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách chương trình mục tiêu y tế dân số và ngân sách địa phương để bù đắp một phần sự thiếu hụt kinh phí khi các dự án viện trợ cắt giảm, bảo đảm duy trì những thành quả đã đạt được và phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc tiến tới loại trừ HIV/AIDS vào năm 2030.

Hai là đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS để nâng cao kiến thức về HIV/AIDS cho cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Ba là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện/thành phố, tuyến xã/phường thông qua các hoạt động đào tạo và tập huấn...

Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung một số hoạt động ưu tiên cho chương trình Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và Chương trình Chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, duy trì, mở rộng chương trình bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm NCMT, PNMD, MSM tập trung tại xã/phường trọng điểm về HIV/AIDS. Mở thêm và nâng cao chất lượng các cơ sở điều trị Methadone hướng tới mục tiêu 80% số người NCMT có hồ sơ quản lý tham gia điều trị.

Mở thêm 2 cơ sở điều trị ARV mới tại huyện Nam Trực và Trực Ninh tiến tới triển khai các điểm điều trị và cấp phát thuốc ARV trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế tại tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đối với người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT, chúng tôi sẽ tuyên truyền, tư vấn để họ tham gia BHYT đồng thời đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiên mua thẻ, để phấn đấu đạt 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT vào năm 2018.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Chi

Top