Một năm đổi mới công tác cai nghiện

03/02/2015 10:56

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và đổi mới công tác cai nghiện ma tuý.

      Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH. Ảnh Nhật Thy

Ông Lê Đức Hiền cho hay, đầu năm 2014, việc thi hành công tác cai nghiện ma tuý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục lập hồ sơ phải qua nhiều cơ quan hành chính; khó khăn trong việc xác minh tình trạng nghiện, xác minh nơi cư trú của người nghiện; thời gian tối đa lập hồ sơ là 37 ngày dẫn đến việc khó khăn trong việc quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ.

Những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính khiến một số địa phương, điển hình là TP.HCM, không đưa được người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Toà án, dẫn đến tình trạng người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây mất an ninh trật tự và bất ổn trong nhân dân.

Trước tình hình đó, Quốc hội và Chính phủ đã có những quyết định kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác này.

Ngày 10/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 77 về phát triển kinh tế - xã hội năm, trong đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ, để Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương có số lượng lớn người nghiện không có nơi cư trú ổn định, có điều kiện cũng được phép lập các trung tâm tương tự, trên cơ sở tận dụng cơ sở và nguồn nhân lực hiện có.

Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan, rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 77, các địa phương đã khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị để giúp đỡ người nghiện.

Ông Lê Đức Hiền cho biết, tính đến cuối tháng 1/2015, các tỉnh, thành trên cả nước đã đưa được hơn 900 người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. Các địa phương đẩy mạnh công tác này là TP.HCM, Đà Nẵng.

Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng đã ban hành quyết định về việc bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, theo dõi chuẩn đoán, cắt cơn giải đọc, phục hồi sức khoẻ và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho các Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội số I, II, III và số V. Thành phố Hải Phòng và một số tỉnh thành phố khác đang xây dựng kế hoạch thành lập cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội.

Trước đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014 nhấn mạnh việc thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy và mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Đồng thời, tăng cường công tác cai nghiện tại cộng đồng; khẩn trương thực hiện việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 26/12/2014, Chính phủ ra Nghị quyết chuyên đề số 98 về tăng cường phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma tuý trong tình hình mới, trong đó có một loạt các vấn đề đổi mới công tác cai nghiện, đổi mới các hoạt động của Trung tâm.

Ông Lê Đức Hiền cho hay, Chính phủ cũng đã đồng ý giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng Luật Dự phòng và Điều trị nghiện ma tuý. Luật này được xây dựng theo hướng chú trọng phân loại người mới sử dụng, người lạm dụng, người nghiện ma tuý để có biện pháp tư vấn, quản lý phù hợp (không nhất thiết phải đưa vào các chương trình cai nghiện), đồng thời, đa dạng hoá biện pháp, hình thức cai nghiện cho từng người nghiện khác nhau…

Luật Dự phòng và Điều trị nghiện ma tuý ra đời sẽ là khung pháp lý quan trọng góp phần đổi mới công tác cai nghiện.

Trước mắt, trong năm 2015, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục rà soát và trình Chính phủ các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình đổi mới cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc, tăng cường công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình.

Cụ thể, năn 2015, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không thể thay thế của công tác cai nghiện ma tuý. Vấn đề này càng có ý nghĩa khi tỷ lệ nghiện ma tuý tổng hợp đang gia tăng nhất là đang thâm nhập vào thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, với việc cai nghiện tự nguyện, phải làm rõ: mô hình cụ thể là gì, cơ chế chính sách đối với học viên và cán bộ trong các cơ sở này, mối quan hệ chính sách giữa cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, việc chuyển đổi từ cơ sở bắt buộc sang tự nguyện, điều trị thay thế bằng methadone trong cơ sở tự nguyện, hiệu quả của biện pháp này so với các biện pháp khác…

Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp tại cộng đồng để phòng ngừa và giảm tỷ lệ tái nghiện. Thực  tế cho thấy, thời gian qua, chúng ta còn thiếu các biện pháp thiết thực, khoa học tại cộng đồng để chăm sóc, tư vấn, quản lý, hỗ trợ sau cai nghiện.

Năm 2014, các Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục Lao động Xã hội đã tiếp nhận vào cai nghiện cho 6.337 người (cai tự nguyện là 3.232, cai bắt buộc là 3.105), chủ yếu là những người đã có quyết định trước khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (2.769 người bắt buộc theo Quyết định ký trước ngày 01/01/2014 và 336 người bắt buộc theo quyết định của Tòa án). Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 4.714 người, tương đương với 2,3% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó, số cai tại gia đình 2.968 người (63%) và số cai tại cộng đồng là 1.746 người (37%). Có 20.404 người đang được quản lý sau cai nghiện, trong đó, số được quản lý tại Trung tâm là 5.605 người (27,4%) và số được quản lý tại nơi cư trú là 14.799 người (72,6%).

Gần 25.000 người nghiện chất dạng thuốc phiện đang được điều trị Methadone tại 134 cơ sở thuộc 41 địa phương, phần lớn các cơ sở này đang được tài trợ bởi các Dự án quốc tế, có 05 cơ sở hoạt động theo phương thức xã hội hóa tại Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, TP.HCM.

Top