Mở rộng tiếp cận cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

27/03/2014 10:00

Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội đã tích cực tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức, đóng góp những kết quả tích cực trong công cuộc phòng, chống đại dịch.

Với mục đích tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống AIDS thông qua các hoạt động củng cố và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội để thực hiện công việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc, dự phòng HIV/AIDS cho cộng đồng và các nhóm dân cư liên quan, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã lấy con người làm trung tâm chiến lược của dự án để vươn tới cộng đồng nhiều hơn.

Một buổi tập huấn khởi nghiệp, kết nối cộng đồng của nhóm G-link Việt. Ảnh do nhóm cung cấp

Một trong những đặc điểm nổi bật của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS là không tạo ra mạng lưới dự án riêng biệt mà lồng ghép chặt chẽ vào hệ thống quản lý, cung cấp dịch vụ, theo dõi và giám sát của Chương trình Phòng, Chống HIV/AIDS quốc gia từ tuyến Trung ương xuống cơ sở, vì vậy có thể tận dụng tối đa cơ sở vật chất và nhân sự của hệ thống y tế, qua đó vừa góp phần nâng cao năng lực hệ thống y tế và bảo đảm tính bền vững sau này khi dự án kết thúc.

Dự án luôn tuân thủ định hướng của Chiến lược quốc gia, lấy tuyến huyện là trọng tâm trong việc quản lý và con người là trung tâm phục vụ, cung cấp các dịch vụ toàn diện từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV. Trung tâm y tế tuyến huyện là đầu mối phối hợp chặt chẽ với bệnh viện huyện và y tế xã, phường, y tế thôn bản và hệ thống đồng đẳng viên để triển khai các hoạt động dự phòng, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng.

Trong thời gian qua, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dự án đang đi đúng hướng và dần đi vào ổn định. Tổ chức bộ máy hợp lý, lồng ghép các dịch vụ để tăng hiệu quả cũng đang được các địa phương cân nhắc để có lộ trình phù hợp trong giai đoạn có nhiều định hướng mới trong cả quản lý lẫn chuyên môn. Các hoạt động như tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc điều trị HIV/AIDS, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp can thiệp giảm hại như trao đổi bơm kim tiêm, phát bao cao su, điều trị methadone đã được mở rộng trên các địa bàn tỉnh, thành phố được triển khai dự án.

Mở rộng tiếp cận cộng đồng

Trong khó khăn chung, khi nguồn kinh phí toàn cầu suy giảm, năm 2014 Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực chủ yếu cho các can thiệp có tác động lớn cho đối tượng đích ở những khu vực nguy cơ cao; tiếp tục duy trì phân loại mức độ nguy cơ của tỉnh, huyện theo tình hình dịch HIV để làm căn cứ phân bổ đầu tư.

Một trong những ưu tiên chính của Dự án là mở rộng tiếp cận cộng đồng cho tất cả các can thiệp từ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV, tăng cường lồng ghép các dịch vụ với nhau vào hệ thống y tế hiện hành để tăng cường độ bao phủ, dễ tiếp cận với đối tượng đích và duy trì tính bền vững của các can thiệp. Chính vì vậy, để thực hiện được tốt công tác này, nên phát triển các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) để vươn tới cộng đồng.

Theo BS Hàng Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm Life), CBO có vai trò rất quan trọng, là chiếc cầu nối quan trọng giữa các cơ quan, tổ chức phát triển và người dân địa phương. Đồng thời, là đơn vị trung gian giúp đỡ người dân trong việc tiếp cận với những sự hỗ trợ, can thiệp từ phía các chương trình, dự án, đặc biệt là các nguồn lực, dịch vụ, phúc lợi xã hội, góp phần huy động nội lực của cộng đồng địa phương.

Chiến lược của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là phát triển các CBO để vươn tới cộng đồng. Kết quả thu được từ dự án là mỗi CBO cung cấp dịch vụ cho từ vài chục đến hàng ngàn khách hàng, đồng thời tổ chức các buổi truyền thông nhóm và cộng đồng, thu hút đến hàng trăm người tham gia. Từ đó, lồng ghép phát triển mô hình sinh kế cá nhân và sinh kế nhóm.

Trong khuôn khổ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Dự án Thành phần VUSTA đã tạo điều kiện để các VNGO được cùng sát cánh với các CBO tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm như nam quan hệ tình dục với nam (MSM), trẻ em nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, đối tượng tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm…

Kể từ năm 2011 đến nay, dự án hỗ trợ cho 76 tổ chức dựa vào cộng đồng ở 10 tỉnh/thành Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, TP. HCM, Bình Dương, Nghệ An, Bắc Kạn và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện tại đang cung cấp dich vụ dự phòng HIV và chăm sóc liên tục cho 1.514 người lớn và trẻ em nhiễm HIV, 5.618 người là vợ hoặc bạn tình âm tính của người nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy, 7.374 người trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và một số nhóm đối tượng khác…

Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động này, Phó giám đốc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) Hàng Thị Xuân Lan cho rằng trước hết “cần ổn định và củng cố nhóm trước” vì chỉ có như vậy họ mới cung cấp dịch vụ dự phòng và chăm sóc tốt được. LIFE phải dùng phương pháp “hòn tuyết lăn để tìm kiếm và tập hợp họ lại thành các nhóm tự lực, rồi thành các CBO chính thức để tham gia dự án. Nếu như năm 2011, giai đoạn đầu của dự án chỉ có 12 CBO thì đến nay đã có 24 CBO tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tham gia dự án.

Với mục đích nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong chương trình phòng chống HIV/AIDS quốc gia, các nhóm CBOs hiện hoạt động rất có hiệu quả. Họ được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng quản lý, tư vấn, tiếp cận khách hàng, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và nâng cao chất lượng sống của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV tại các địa bàn thực hiện dự án.

Theo Bác sĩ Hàng Thị Xuân Lan, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế là hoạt động phải có mục tiêu rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc đề ra. Đây cũng là những cán cứ để việc hình thành và hoạt động của các nhóm tương trợ, giúp đỡ nhau sẽ thành công, góp phần ngăn chặn đại dịch.

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực, hỗ trợ trong công tác tài chính, kỹ thuật và kiến thức từ phía dự án, các CBO phải chủ động và chỉ bản thân họ mới có thể làm tốt nhất các hoạt động của chính họ, vấn đề quan trọng là cần tạo điều kiện để họ được tham gia và đóng góp vai trò tích cực hơn nữa đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Top