Luật Phòng, chống HIV/AIDS: ‘Một trong những đạo luật tiên tiến nhất’

31/05/2017 17:42

Sau 10 năm thi hành, với tư cách là công cụ quản lý nhà nước thì Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) vẫn còn nguyên giá trị. Đây còn được coi là một trong những đạo luật tiên tiến nhất hiện nay.

Để tìm hiểu về hiệu quả và những hạn chế, bất cập sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về vấn đề này.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Xin ông cho đánh giá hiệu quả của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sau 10 năm thực thi?

TS. Nguyễn Huy Quang: Theo tôi đánh giá, đến thời điểm hiện tại thì Luật Phòng, chống HIV/AIDS không hề có giá trị lạc hậu, nên tính bền vững của Luật với tư cách là công cụ quản lý thì vẫn còn nguyên giá trị. Đây còn được coi là một trong những đạo luật tiên tiến nhất hiện nay và là đạo luật riêng biệt về phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện tính khoa học, pháp lý, thực tiễn và thể hiện được cả tính thời đại.

Sau 10 năm thi hành, Luật đã mang lại những kết quả tích cực. Cụ thể, Luật ra đời đã làm thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS từ bị động, thụ động trở thành chủ động. Công tác truyền thông được tổ chức, thực hiện liên tục dẫn đến thay đổi hành vi, tạo ra bước đột phá từ suy nghĩ đến hành động của cả cộng đồng.

Hiện nay, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đã có sự thay đổi về chất nên rất nhiều quốc gia muốn học hỏi chúng ta. Ví dụ, hồi xưa người ta sợ HIV, coi những nguời nhiễm HIV là mắc bệnh hủi và gọi là đại dịch hay căn bệnh thế kỷ, tuy nhiên bây giờ cộng đồng đã có cái nhìn khác với căn bệnh này. Nhận thức chung của cộng đồng đối với căn bệnh này đã thay đổi, mọi người thấy bệnh bình thường như những căn bệnh khác. Chính vì vậy, quyền lợi của người nhiễm HIV cũng được nâng lên.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS ra đời đã tạo bước đột phá quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm tuyên truyền, sử dụng bao cao su đúng cách, bơm kim tiêm, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại này đều được thực hiện cách đồng bộ. Chính vì vậy, nhận thức của người dân đối với các biện pháp này được nâng lên, ví dụ như nhận thức về bao cao su dùng một lần và điều trị Methadone cho người nghiện đã làm cho tỷ lệ lây nhiễm HIV giảm rõ rệt.

Chính các biện pháp can thiệp giảm tác hại thành công cũng khiến cho cách tiếp cận thành công. Trước đó, phát bơm kim tiêm cho người nghiện, hay phát bao cao su cho phụ nữ mại dâm bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đến nay đã có những bước chuyển biến quan trọng, có hơn 50 nghìn người nghiện ma túy đang được điều trị Methadone trên phạm vi 63 tỉnh/thành. Từ phương thức này lại ra một phương thức mới đó là phương pháp kết hợp giữa đấu tranh phòng chống mại dâm, ma túy và HIV/AIDS có sự nhuần nhuyễn, không bị đánh đồng là phòng, chống HIV/AIDS, đánh đồng với ma túy, mại dâm trong lực lượng công an nhân dân và trong lực lượng bảo vệ pháp luật. Làm cho việc bảo vệ pháp luật rõ ràng, minh bạch và tốt hơn.

Thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS 10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều thành công hơn trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV. Kết quả đã dự phòng được cho 400 nghìn trường hợp tránh bị lây nhiễm HIV, tránh tử vong cho 150 nghìn người nhiễm HIV. Giúp cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS không còn gắn với bản án tử hình. Phương thuốc này không chỉ chữa bệnh về thể chất, làm hạn chế sự nhân lên của tế bào HIV mà còn giúp cho người bệnh tự tin vào bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh thành công này, dẫn đến thành công nữa là điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, đã làm lan tỏa trong cộng đồng. Mặc dù đây cũng là thuốc gây nghiện, tuy nhiên làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV giảm tốt hơn, giảm các hành vi tệ nạn xã hội, hiệu quả hơn về kinh tế, sự nhìn nhận của xã hội đối với người nghiện ma túy tốt hơn.

Nội dung Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định bảo đảm được các điều kiện cho thực hiện các hoạt động, bảo đảm được các nguồn lực kinh phí và con người. Thu hút nguồn lực quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS, tiết kiệm đáng kể nguồn lực trong nước. Bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương được hình thành, phát triển rất chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất về phòng, chống HIV/AIDS thay đổi căn bản. Trước đây, có rất ít phòng xét nghiệm, đến nay có trên 100 phòng xét nghiệm HIV trên 63 tỉnh, thành phố, có hàng chục phòng xét nghiệm tuyến huyện, tiến tới mở rộng phương pháp tự xét nghiệm tại nhà.

Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống HIV/AIDS, ông thấy tồn tại những hạn chế, bất cập nào trong suốt quá trình thực thi?

TS. Nguyễn Huy Quang: So với các luật khác, luật này mang tính chất xã hội, mặc dù chỉ là một bệnh, nhưng do cam kết chính trị của Nhà nước, Đảng, chúng ta đã thực sự vào cuộc và sử dụng công cụ pháp luật phòng, chống HIV/AIDS đã có những thành công đáng ghi nhận. Thành công đã ăn sâu, bám rễ vào mặt thực thi của pháp luật, đây cũng là một điển hình cho thành công thi hành pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là tại một số nơi, công tác phòng, chống HIV/AIDS không được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục nên tỷ lệ lây nhiễm mới HIV giảm không nhiều. Đây là nguy cơ tiềm ẩn cho bùng phát dịch HIV trở lại, tỷ lệ nhiễm HIV nâng lên.

Ở một số các bộ ngành, địa phương quen với việc thực hiện phòng chống HIV/AIDS thông qua viện trợ nước ngoài nên không có tính chủ động ngân sách của địa phương dành cho công tác này. Nên khi nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế giảm thì một số các tỉnh/thành lúng túng trong việc duy trì các hoạt động.

Do không chủ động về ngân sách nên tính bền vững duy trì điều trị thuốc ARV hạn chế, mặc dù Bộ Y tế đã chi trả một số thuốc, nhưng là một số phác đồ bậc 1, 2. Tuy nhiên, nếu duy trì ở mức độ cao hơn thì rất khó. Bảo hiểm y tế chi trả cho một số thuốc ARV chứ không chi trả cho mọi vấn đề điều trị liên quan đến HIV, vì rất tốn kém. Trong khi đó, bảo hiểm y tế còn hạn chế, người Việt Nam thì người khỏe ít mua bảo hiểm, chỉ khi già yếu thì mới mua nên Quỹ không thể chi trả hết được.

Liên quan đến nguồn viện trợ, nếu không có nguồn duy trì của các tổ chức quốc tế thì việc duy trì điều trị Methadone cũng gặp rất nhiều khó khăn. Người nhiễm HIV sẽ phải bỏ tiền ra mua Methadone, mặc dù giá thành rất rẻ hơn so với ma túy, tuy nhiên do đã quen được bao cấp nên nhiều người đã dựa dẫm, ỉ lại. Việc này không phải do luật quy định mà là do quá trình tổ chức, thực hiện pháp luật.

Về phòng chống HIV/AIDS tại trường học thì ít nhiều vẫn còn sự phân biệt đối xử, như tại một số nơi khi biết người nhiễm HIV thì không được nhận làm việc. Một số cháu nhỏ nhiễm HIV bị kỳ thị, phân biệt đối xử khiến các trẻ không được hòa nhập cùng trang lứa. Đây là vấn đề thách thức đối với ngành y tế hiện nay.

Ngoài ra, do nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh nên truyền thông đang gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực thi có rất nhiều các trường hợp nhiễm HIV ở doanh nghiệp bị buộc thôi việc khi phát hiện nhiễm HIV, hay một số học sinh bị đuổi học do bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Xin ông cho biết, trong trường hợp này doanh nghiệp hay trường học có vi phạm và bị xử phạt hay không? Có thể làm gì để thay đổi không thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Nghị định xử phạt hành chính của Bộ Y tế đã có quy định đối với những trường hợp vi phạm này. Tuy nhiên, để có thể xử phạt được, thì phải có người khởi kiện, tức là người bị đuổi việc, học sinh hoặc giáo viên phải khởi kiện và quan trọng họ có đủ kiên trì, kiến thức để khởi kiện hay không. Thứ 2 nữa là các tổ chức công đoàn cần phải đủ mạnh để giúp đỡ, hỗ trợ những nạn nhân. Khi dư luận xã hội lan truyền, ép thì buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi.

Đối với hành vi bị kỳ thị thì khó có thể xử lý được, vì đây là trong suy nghĩ của con người. Còn phân biệt đối xử là hành vi cụ thể. Tuy nhiên, khó có thể xử lý đối với những vấn đề này, vì nó thuộc giai tầng văn hóa, ý thức và sự lệch chuẩn xã hội. Ví dụ, ngay cả ở các quốc gia phát triển như tại Vương quốc Anh vẫn có sự phân biệt chủng tộc về màu da. Tuy nhiên, về tầm chung thì thời gian gần đây ở nước ta tình trạng này đã giảm rất nhiều. Nên khi xã hội phát triển lên tầng nữa thì văn hóa, xã hội, nhận thức sẽ tự định hình, chuyển hóa. Việc này đòi hỏi cả quá trình để thay đổi nhận thức, hành vi của con người.

Có ý kiến đánh giá cho rằng, các cơ quan nhà nước coi nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là của ngành y tế nên thời gian qua công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều hạn chế. Xin ông cho ý kiến về đánh giá này?

TS. Nguyễn Huy Quang: Trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định rõ, phòng, chống HIV là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của toàn xã hội, các bộ ngành, các cấp ngành, đoàn thể và các cá nhân phải có trách nhiệm với công tác phòng, chống HIV. Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngoài tổ chức thực hiện, ngành y tế còn đóng vai trò tham mưu. Để tham mưu được thì đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, chung tay của cộng đồng. Việc này, khi chưa xây dựng luật thì đã hình thành chức năng, nhiệm vụ và tiến hành các hoạt động.

Ngoài ra, công tác phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi phải có sự lồng ghép trong phòng, chống HIV/AIDS với các chỉ tiêu khác về dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh về y tế công cộng, coi các chỉ tiêu đấy là một trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội, các địa phương, chứ không chỉ chú trọng thực hiện riêng công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, muốn hiệu quả cao trong công tác này, cần phải bảo đảm cả về nguồn lực và ngân sách, do đó chúng ta phải huy động cả cộng đồng xã hội cùng chung tay để thực hiện phòng, chống HIV/AIDS.

Theo ông, trong thời gian tới có cần bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

TS. Nguyễn Huy Quang: Khi xây dựng luật này, chúng ta đã tập trung rất nhiều nguồn lực, các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ rất nhiều trong việc hoàn thiện Luật. Theo tôi, Luật này vẫn rất sáng ngời từng điều luật với chất nhân văn nên không cần phải sửa đổi, bổ sung gì cho Luật này. Mấu chốt quan trọng nhất hiện nay là thực thi chính sách pháp luật chứ không phải là sửa đổi chính sách pháp luật. Còn nếu muốn sửa thì chỉ cần sửa về câu chữ và về mặt kỹ thuật chứ không có vấn đề gì lớn đối với Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top