Lồng ghép giới vào chính sách, chương trình phòng, chống HIV/AIDS

18/11/2011 10:45

Kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua cho thấy, lồng ghép giới sẽ giúp cho việc thực hiện, xây dựng chính sách, chương trình về HIV/AIDS có hiệu quả hơn.

Thực tế, pháp luật, chương trình hay chính sách về HIV/AIDS bị chi phối rất nhiều từ các chuẩn mực, giá trị và mong đợi xã hội về giới trong các nền văn hóa và bối cảnh xã hội khác nhau. Các phân tích giới về HIV/AIDS đã cho thấy những thiếu hụt trong các chương trình dự phòng, chăm sóc, điều trị và giảm thiểu tác động của HIV/AIDS đối với cả phụ nữ và nam giới.

Trước đây, các can thiệp về HIV/AIDS chủ yếu giới hạn ở nhóm nguy cơ cao như ma túy, mại dâm. Do những khuôn mẫu về giới mà sự can thiệp này đã bỏ qua những đối tượng và các mối liên quan khác. Thực chất, tính dễ bị tổn thương với HIV/AIDS không chỉ giới hạn trong mối quan hệ với người hành nghề mại dâm mà còn cả trong các mối quan hệ khác như với chồng, bạn tình hay trong quan hệ đồng giới.

Rất nhiều phụ nữ không có liên quan đến mại dâm hay ma túy đã bị lây nhiễm HIV nhưng lại không phải là đối tượng của các chính sách, chương trình can thiệp dự phòng và chăm sóc, điều trị. Việc tuyên truyền sử dụng bao cao su chủ yếu hướng đến phụ nữ trong khi đó lại bỏ quên đối tượng sử dụng là nam giới.

Nhận thức và giải quyết những tác động bất bình đẳng giới được cộng đồng các đối tác liên quan ở Việt Nam coi làm một trong mười hành động cốt yếu mà Việt Nam phải đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS. Bất bình đẳng về kinh tế, xã hội cũng như bất bình đẳng về quyền lực giới hiện nay làm cho phụ nữ Việt Nam gặp khó khăn trong việc bảo vệ mình khỏi tác động của đại dịch thế kỷ.

Cho đến nay, môi trường chính sách về HIV/AIDS cũng như vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã khá thuận lợi cho việc lồng ghép giới vào các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Xác định phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và mọi người dân nên hệ thống các quy định pháp lý ở Việt Nam hiện nay bao gồm cả Hiến pháp và nhiều bộ Luật cơ bản đều thừa nhận nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020 coi hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi cho thanh niên và một số vấn đề liên quan đến giới là một trong những giải pháp xã hội quan trọng.Chiến lược yêu cầu phải “nâng cao nhận thức về giới và cải thiện kỹ năng phân tích giới cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và triển khai chương trình chăm sóc và phòng, chống AIDS”.

Top