Làm rõ những điểm mới trong dự luật phòng, chống ma túy sửa đổi

08/10/2020 16:38

Bộ Công an đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy (gọi tắt là Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi). Trong đó có nhiều quy định mới nhằm ngăn ngừa và hạn chế người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

 

Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an). Ảnh: HG

Dự án luật đã được Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ban ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các ý kiến đều đồng tình về tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy.

Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật này vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 20/10). Phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Xin ông cho biết rõ hơn những điểm mới của Dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) lần này?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng Dự án Luật.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều, tăng 13 điều so với Luật hiện hành; trong đó có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều. Trong đó có một số điểm mới nổi bật như:

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Dự thảo Luật bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia hiệu quả hơn. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vị địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Đồng thời bổ sung các quy định về thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; các hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

Bổ sung Chương mới quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nhằm quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi cơ bản và toàn diện Chương Cai nghiện ma túy, khắc phục những bất cập trong công tác cai nghiện, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới bảo đảm công tác cai nghiện có hiệu quả.

Có nhiều ý kiến xoay quanh vai trò “chủ trì” hay “chủ trì, phối hợp” của Bộ Công an trong công tác phòng, chống ma túy. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Luật hiện hành quy định: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chăn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Tuy nhiên, tại Điều 12, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có quy định: Công an nhân dân có trách nhiệm chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Về tính pháp lý, Ban Soạn thảo căn cứ vào những cơ sở sau: Điều 67 Hiến pháp (năm 2013) nêu rõ: Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Điều 3 Luật Công an nhân dân xác định: Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị ngày 16/ 08/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy nêu rõ: Lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Nghị quyết số 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cũng nêu rõ: Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Bộ Công an hiện đang thực hiện Đề án tăng cường công an xã do đó cũng bảo đảm đủ lực lượng để chủ trì những công việc phòng chống ma túy ở địa bàn.

Từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn, qua ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia cho thấy nếu quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành sẽ tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi quy trách nhiệm thì không ai nhận.

Có ý kiến đề xuất rằng việc sửa đổi Luật phòng, chống ma túy lần này phải ở mức độ chặt chẽ, cứng rắn, cương quyết hơn; nhân đạo phải có tầng nấc. Trường hợp đi cai nghiện rồi lại tái nghiện nhiều lần thì phải coi như là một loại tội phạm, cần tính đến cách ly ra khỏi xã hội. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Đây cũng là ý kiến được bàn luận sôi nổi. Ban soạn thảo cũng rất băn khoăn về chế tài chưa thể cứng rắn hơn.

Với người nghiện, chính sách ưu việt của lần sửa đổi này là tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện, thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân…

Tuy nhiên có một vấn đề là sau khi cai nghiện, người nghiện lại tái nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng cũng chỉ đưa họ đi cai nghiện chứ không thể có chế tài nghiêm khắc hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, các quy định pháp luật đã tạo điều kiện cho người nghiện được cai nghiện, quay trở lại cuộc sống bình thường nhưng họ lại vẫn tiếp tục tái nghiện thì phải đưa đi cai nghiện bắt buộc ngay chứ không phải làm quy trình lại từ đầu như hiện nay (tức là đưa đi cai nghiện tự nguyện rồi mới cai nghiện bắt buộc).

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là quy định đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc. Lý do của đề xuất này là gì, thưa ông?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Việc đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện để cai nghiện bắt buộc không phải là quy định mới, Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định: "Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ".

Tuy nhiên quy định này trong thực tiễn chưa khả thi, hiện nay trên cả nước chưa xây dựng cơ sở cai nghiện bắt buộc giành riêng cho người từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi. Việc xây dựng một cơ sở phải chi phí rất nhiều về vật chất, nhân lực. Hơn nữa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi lại có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số lượng cũng không nhiều, lứa tuổi này phần lớn sống với gia đình, đang nhận được sự quản lý, giáo dục chặt chẽ của gia đình. Do không có cơ sở cai nghiện bắt buộc giành riêng cho họ nên không đưa được người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được, do vậy có nơi, có thời điểm đã tác động đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, luật quy định nhưng không thực hiện được.

Bên cạnh đó trong Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc đối tượng giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Để khắc phục tình trạng trên thì dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện công lập để cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định do Tòa án nhân dân cấp huyện trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm bảo đảm quyền được học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Có chế độ cai nghiện riêng, phù hợp và bảo đảm quyền trẻ em cho độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Dự án Luật có riêng một chương về "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy". Đây là hướng đi rất mới, hướng này giúp ngăn ngừa và hạn chế người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, có quy định người sử dụng trái phép chất ma túy cũng phải tự khai báo. Điều này có vẻ khó khả thi, thưa ông?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Việc sửa đổi luật cần dựa trên quan điểm phòng và chống nhằm ngăn chặn tận gốc hậu quả có thể phát sinh do tệ nạn ma túy gây nên. Khi đưa ra quy định như vậy, Ban Soạn thảo muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân.

Chúng tôi tính đến những trường hợp có người bị thụ động, không biết trong đồ ăn thức uống có ma túy hay bị ép sử dụng ma túy thì có thể đến khai báo với cơ quan công an.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ có trường hợp cứ dùng ma túy xong ngày hôm sau đến cơ quan công an khai báo. Như vậy liệu có lách luật không? Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu và trao đổi thêm.

Nếu dự thảo luật này được thông qua sẽ tác động như thế nào đến xã hội, thưa ông?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Một số quy định, những điểm mới trong dự thảo Luật sẽ tiếp tục được thảo luận và làm rõ hơn trong Kỳ họp Quốc hội sắp tới và sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.

Hy vọng, dự thảo Luật được thông qua sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy nhất là quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Dự thảo được xây dựng trên mục tiêu hạn chế tăng ngân sách nhà nước cho việc giải quyết tội phạm và tệ nạn ma túy, huy động mọi nguồn lực xã hội sẵn có tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Giúp người nghiện có nhiều lựa chọn trong việc cai nghiện tự nguyện, góp phần giảm tải cho cơ sở cai nghiện công lập….

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top