Lai Châu: Khó kiểm soát người nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện ma túy

01/06/2017 09:47

Do địa bàn rộng, dân cư ở thưa thớt không tập trung và có đến 265.095 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, nên Lai Châu bị ảnh hưởng mạnh bởi tệ nạn ma túy, và dịch HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV tập trung ở hình thái lây nhiễm chính do tiêm chích ma túy và tập trung ở địa bàn có tỷ lệ người tiêm chích ma túy cao chiếm đến hơn 60%.

Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có buổi trao đổi với bà Lê Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu để trao đổi về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Bà Lê Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thùy Chi

Là tỉnh trọng điểm về ma túy, tệ nạn nghiện chích gia tăng khiến cho chỉ số người nhiễm HIV chiếm đến hơn 60%, xin bà cho biết những giải pháp để có thể giảm chỉ số này trong thời gian tới?

Bà Lê Thị Mai: Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay là tỉnh có đến 22 xã biên giới. Do đó người dân làm ăn qua biên giới khó kiểm soát. Trong khi đó, thành phần dân tộc có 20 dân tộc với 85,6% là dân tộc thiểu số, một số dân tộc có quy mô dân số thấp trên toàn quốc như: Mảng, La Hủ, Cống, Si La, Lự.

Bên cạnh đó, do địa hình phức tạp dẫn tới khó khăn kép trong công tác truyền thông. Việc huy động người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone gặp nhiều hạn chế khi sức khỏe ổn định không có công ăn việc làm và thường xuyên phải đi làm ăn xa.

Ngoài ra, nguồn viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ các tổ chức quốc tế và kinh phí cũng đang bị cắt giảm mạnh làm ảnh hưởng đến kết quả bền vững trong công tác này.

Theo tôi, để giải quyết các khó khăn, bất cập trên, trước mắt cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, xã tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh phối hợp các Ban, ngành đoàn thể, lực lượng quân đội tăng cường làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS nơi biên giới. Bên cạnh đó, bồi dưỡng đội ngũ y tế thôn bản tham gia truyền thông cho dân tộc tại địa phương đó.

Xác định tình hình nhiễm HIV tại tỉnh do đường máu, tiêm chích ma túy, qua đường tình dục, lây truyền HIV từ mẹ sang con, nên Ttrung tâm đã tập trung can thiệp nhóm đích này, tăng cường truyền thông, can thiệp giảm hại, cấp phát bơm kim tiêm miễn phí, bao cao su. Đặc biệt mở rộng cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại xã phường. Đồng thời, tạo công ăn, việc làm cho người tham gia điều trị khi sức khỏe ổn định.

Hiện nay, do nguồn kinh phí bị cắt giảm nên công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ ưu tiên lựa chọn hoạt động trọng tâm như can thiệp giảm hại, điều trị… đạt hiệu quả, không chồng chéo. Tăng cường đầu tư các nguồn ngân sách của tỉnh cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm tính bền vững của chương trình.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đề xuất Sở Y tế tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh sáp nhập CDC lộ trình để bảo đảm duy trì hoạt động, tránh tình trạng mất nhân lực làm việc và số bệnh nhân quản lý không duy trì được tốt như hiện nay.

Mặc dù chịu tác động mạnh mẽ do tệ nạn ma túy gia tăng, nhưng số người nhiễm HIV phát hiện trong năm 2016 đã giảm 27% so với cùng kỳ. Xin bà chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch HIV/AIDS trên địa bàn?

Bà Lê Thị Mai: Đạt được kết quả trên là do cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới hiện nay.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường triển khai các hoạt động như hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi định kỳ ở 100% số xã và triển khai thường xuyên ở 50% số xã nguy cơ cao.

Năm 2016 đã tổ chức truyền thông trực tiếp được 1.854 buổi/ 67.553 lượt người nghe, chủ yếu tuyên truyền trong nhóm người nghiện chích ma túy, thành viên gia đình người nhiễm, nhóm dân di biến động, nhóm thanh niên và vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống HIV của tỉnh chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của HIV, cách phòng tránh cho người dân, người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV…

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại 8/8 huyện, thành phố như cấp phát 307.711 bơm kim tiêm sạch thông qua mạng lưới đồng đẳng viên, nhân viên y tế thôn bản và thông qua hộp bơm kim tiêm cố định đặt tại cộng đồng; cấp phát 32.321 bao cao su… Số đối tượng được tham gia chương trình được tiếp cận hàng tháng là 902 người.

Công tác chăm sóc, điều trị và tiếp cận thuốc ARV cũng được triển khai tích cực tại 8 phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh và 27 điểm tại xã. Chất lượng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ngày càng được nâng cao. Đến nay đã có 913 người được điều trị thuốc ARV. 100% trường hợp bị phơi nhiễm đã được điều trị kịp thời. Các bệnh nhân điều trị ARV đã được theo dõi làm các xét nghiệm CD4 và một số trường hợp nghi thất bại điều trị đã xây dựng kế hoạch lấy mẫu đo tải lượng virus vào thời gian tới.

Đối với công tác điều trị Methadone, Lai Châu đã mạnh dạn triển khai tận xã, phường. Triển khai 8 Cơ sở điều trị và 29 Cơ sở cấp phát thuốc. Thực hiện Quyết định 1008/QĐ-CP, năm 2014, tỉnh đạt 274%; năm 2015 đạt 117%; năm 2016 đạt 118%.

HĐND và UBND đã phê duyệt 2 đề án: “Triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadon giai đoạn 2016 -2020”; “Bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020”.

Điều trị Methadone được coi là giải pháp trọng tâm để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV/AIDS trong nhóm nghiện heroin. Xin bà cho biết, địa phương đang triển khai công tác này như thế nào?

Bà Lê Thị Mai: Hiện toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone/8 huyện, thành phố và 29 điểm cấp phát thuốc tại tuyến xã trong đó có 28 cơ sở cấp phát thuốc trạm y tế xã, 3 trung tâm giáo dục lao động xã hội đã đi vào hoạt động. Đến nay có 2.000/2.200 bệnh nhân tham gia điều trị cai nghiện bằng Methadone. Thực hiện Quyết định 1008/QĐ-CP, năm 2014 tỉnh đạt 274%; năm 2015 đạt 117%; năm 2016 đạt 118%.

Đặc biệt, việc triển khai các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc nằm trong hệ thống ngành Y tế quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiếp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hiện tỉnh gặp một số những khó khăn trong công tác này. Đó là nguồn nhân lực. Việc bảo đảm tính bền vững khó khăn, do cán bộ làm tiếp xúc nhóm đối tượng có nguy cơ, lương chế độ thù lao thấp, thời gian làm việc cả ngày lễ, thứ 7, chủ nhật.

Đối với bệnh nhân điều trị Methadone, những người tham gia điều trị có sức khỏe tốt, tuy nhiên do không được tạo công ăn việc làm, nên có những trường hợp đi làm ăn xa dẫn đến tuân thủ điều trị kém.

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, cần phải lồng ghép các dịch vụ chương trình nằm hoàn toàn hệ thống y tế, bảo đảm số lượng, chất lượng chuyên môn để hỗ trợ công tác điều trị hiệu quả; đưa các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng như điều trị Methadone mở rộng các điểm cấp phát thuốc Methadone các tại trạm y tế xã và cụm bản...

Xin bà cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ chú trọng những hoạt động nào trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Bà Lê Thị Mai: Các hoạt động Lai Châu sẽ triển khai chủ yếu hướng tới mục tiêu chiến lược 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt nam.

Trung tâm hiện đang củng cố phòng Tư vấn xét nghiệm HIV (VCT), Phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC), Methadone triển khai mô hình 3 trong 1 nằm hoàn toàn trong hệ thống y tế để đảm bảo tính bền vững.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường truyền thông, can thiệp giảm hại đồng bộ, cấp phát bơm kim tiêm miễn phí, bao cao su. Đặc biệt tập trung mở rộng cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại xã phường và cụm bản.

Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền lợi ích tham gia bảo hiểm y tế, những đối tượng không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế có kế hoạch trình Dự án hỗ trợ và tham mưu cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn kết dư bảo hiểm y tế hàng năm tại địa phương để mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng này.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
Top