Khuyến khích người chuyển giới tích cực đóng góp cho xã hội

26/01/2015 17:14

“Có những nhóm người mà những tiếng nói hay khó khăn trong cuộc sống của họ ít khi chúng ta nghe được. Trong khi những hình ảnh phổ biến về họ trên truyền thông thì lại hay bị thể hiện với nhiều định kiến tiêu cực. Người chuyển giới cũng là những công dân mong muốn được tuân thủ pháp luật, được pháp luật thừa nhận và sống hạnh phúc, có ích, không ảnh hưởng tới người khác. Thừa nhận chuyển giới là một trong những điều kiện cần để họ làm được điều đó, khuyến khích họ tích cực đóng góp cho xã hội hơn nữa”.

Đó là ý kiến góp ý của ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) về Dự thảo Bộ Luật Dân sự đang được đưa ra lấy ý kiến.

Ông Lương Thế Huy, Cán bộ tư pháp của iSee

Theo ông Huy, Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự, trong đó khía cạnh quyền nhân thân gắn liền mật thiết với mỗi cá nhân. Mọi sự vướng mắc, bỏ sót hay ngăn cản việc thực hiện quyền nhân thân nào cũng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới việc thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự có liên quan khác của cá nhân.

Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, BLDS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, dẫn đến hệ quả là một bộ phận người dân là người chuyển giới không thực hiện được các quyền chính đáng của mình, không có khả năng tham gia vào đời sống dân sự thông thường.

Việc Dự thảo BLDS đưa ra hai phương án liên quan đến người chuyển là cần thiết, thậm chí cấp bách, phản ánh sát hơn thực trạng cuộc sống. Hai phương án được đưa ra gồm: Phương án 1 - Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; Phương án 2 - Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

Theo ông Huy, với bản dự thảo lần này, lần đầu tiên BLDS đề cập đến khái niệm "chuyển giới", bên cạnh khái niệm "xác định lại giới tính".

Hiện tại, do được xem là "người đã hoàn chỉnh về bộ phận sinh dục" mà việc chuyển giới bị cấm với những ai có mong muốn thực hiện phẫu thuật chuyển giới, mà chỉ cho phép trường hợp có khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Thực tế cho thấy một cơ thể hoàn chỉnh với người này có thể không phải là hoàn chỉnh với người khác, nếu họ có giới tính nhận dạng khác với giới tính bẩm sinh. Việc cấm hay không thừa nhận việc chuyển giới không thể làm họ ngừng khao khát được sống đúng với giới tính mong muốn của mình, mà từ đó gây ra nhiều rào cản với người chuyển giới trong việc tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính và đối mặt với nhiều kỳ thị trong cuộc sống.

Không ai nên nằm ngoài sự thừa nhận của pháp luật

Trước đó, vào tháng 2/2005, Quốc hội khóa X đã bàn về việc thừa nhận hay không quyền xác định lại giới tính. Một số nhà làm luật cho rằng chỉ nên cho phép xác định lại giới tính đối với những trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Còn những trường hợp phẫu thuật chuyển đổi giới tính do mong muốn thì chưa thừa nhận, vì lo sợ sẽ không thể quản lý được.

Tâm sự của một số người chuyển giới

Theo ông Lương Thế Huy, trên thực tế, việc không thừa nhận quyền xác định lại giới tính của người chuyển giới gây ra nhiều rối loạn xã hội hơn là việc hợp pháp hóa nó. Nhiều người chuyển giới không có giấy tờ tùy thân, hoặc không khớp với thể hiện bên ngoài, đây chắc chắn là điều mà về mặt quản lý, nhà nước cũng không mong muốn.

Những lo ngại về việc người chuyển giới sẽ “tự tiện” chuyển đi chuyển lại cũng là không có cơ sở. Mặc dù trường hợp này là có xảy ra, không có nghĩa là nó ngăn cản việc người chuyển giới có quyền tự quyết về cơ thể của mình (giống như lập luận “không nên kết hôn vì sợ sẽ ly hôn”). Thêm nữa, việc phẫu thuật chuyển giới cũng không phải là một quyết định đơn giản, vì người chịu trách nhiệm đầu tiên và sau cùng vẫn là bản thân người đó.

Một băn khoăn sẽ xảy ra “chuyển giới ồ ạt”nếu hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính cũng là không căn cứ. Vì ai có nhu cầu thì người đó sẽ thực hiện, chuyển giới không phải là một “bệnh” lây lan nên không thể vì thấy người khác chuyển giới mà mình cũng chuyển giới.

“Tất nhiên khi pháp luật vừa cho phép có thể sẽ có một bộ phận người chuyển giới đang chờ đợi lâu nay sẽ thực hiện ngay quyền của mình, dẫn tới số lượng có thể nhiều vào thời gian đầu, nhưng sẽ đi vào ổn định khi pháp luật và thực tiễn hòa hợp với nhau”, ông Huy nói.

Cảnh cửa cho người chuyển giới mới đang “hé”

Về các phương án đưa ra trong Dự thảo Bộ Luật Dân sự lần này, theo ông Huy, phương án 1 "Không thừa nhận việc chuyển giới" hoàn toàn không phải là một giải pháp, mà chỉ nhấn mạnh lại những thực trạng chưa được giải quyết của pháp luật hiện hành. Không thừa nhận chuyển giới có nghĩa là họ vẫn phải gồng mình để chịu những ca phẫu thuật tốn kém gấp nhiều lần và nguy hiểm ở nước ngoài. Không thừa nhận có nghĩa là tên gọi, giới tính của họ sẽ vẫn không phù hợp với tình trạng cơ thể thực tế. Đồng thời còn ngăn cản họ tiếp cận với các quyền khác như kết hôn, đi lại bằng máy bay, mua bán, việc làm... Có nhiều quan điểm cho rằng, việc chuyển giới làm tăng áp lực với hệ thống hành chính, gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, việc thừa nhận quyền chuyển giới không chỉ giúp cuộc sống một bộ phận người chuyển giới thuận lợi, hạnh phúc hơn, mà còn giảm tải những chi phí xã hội không đáng có do chính việc không thừa nhận gây ra như giải quyết việc làm, tệ nạn, hệ thống hỗ trợ...

Đối với phương án 2, thì có thể so sánh với hình ảnh một cánh cửa đang mở "he hé," giới hạn bởi "trường hợp đặc biệt". Nguyên tắc giải quyết từng trường hợp như vậy khó có thể là giải pháp hiệu quả và triệt để của một vấn đề như chuyển giới. Việc thực hiện các quyền của người chuyển giới (đổi tên, đổi giới tính) liên quan nhiều đến các thủ tục. Mà đã là thủ tục thì nên có quy định mang tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng. Còn nếu giải quyết theo "trường hợp đặc biệt" sẽ dễ phát sinh "thủ tục đặc biệt" tương ứng, chậm chạp, khó thực thi cho cả cơ quan nhà nước và công dân; chưa kể là nếu chúng ta xem đó là một quyền chính đáng thì nên thừa nhận đầy đủ, không nên quá dè dặt để phải quy định tự làm khó mình về sau như vậy.

Vì thế, ông Huy đề xuất, việc sửa đổi BLDS nên đi theo phương án 2, có chỉnh sửa lại là "Việc chuyển giới được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật".

Bên cạnh đó, nếu thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, hay xác định lại giới tính (theo nghĩa rộng), cũng cần thiết ghi nhận những quyền phát sinh khác như quyền được thừa nhận giới tính mới sau khi xác định lại giới tính (đổi tên, đăng ký hộ tịch), cũng như giải quyết các quan hệ dân sự khác (hôn nhân, lao động, thừa kế...) theo nhân thân mới.

Việc xác định lại giới tính không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo giới tính cũ (ví dụ: nghĩa vụ hợp đồng, quyền thừa kế...). Trong trường hợp có xung đột sẽ áp dụng theo hướng có lợi cho công dân nếu nó không trái pháp luật, hoặc giải quyết bằng các quy định pháp luật dân sự khác.

Top