Hưng Yên: Hướng tới kết quả bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS

30/06/2015 11:19

Thời gian qua, tình hình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng ca nhiễm giảm dần. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông, BS. Trần Xuân Khánh - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên cho rằng, để kết quả này thực sự bền vững, tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết.

BS. Trần Xuân Khánh - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên - Ảnh: Thùy Chi

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua?

BS. Trần Xuân Khánh: Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên được phát hiện tháng 1/1997. Tính đến tháng 6/2015, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên toàn tỉnh là 1.841. Trong đó, trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống là 1.135, số bệnh nhân AIDS là 375, số người nhiễm HIV đã tử vong là 706.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh phát hiện mới 42 trường hợp nhiễm HIV, 27 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 5 người chết do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV mới trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần.

Hiện trên toàn tỉnh đã phát hiện người nhiễm HIV trên 100% các huyện/thành phố. Tỷ lệ lây nhiễm 6 tháng đầu năm cho thấy: 44% lây truyền qua đường máu; 16,6% lây truyền qua đường tình dục; 2,3% lây truyền từ mẹ sang con; 36,9% không rõ nguyên nhân.

Hưng Yên là tỉnh có nhiều người đi làm ăn xa, địa bàn nằm trên trục giao thông thuận tiện nối liền với các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nên tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể làm gia tăng tình trạng nhiễm HIV. Chính vì vậy, cần phải tăng cường các hoạt động trong công tác phòng chống HIV/AIDS, giải quyết những tồn tại hạn chế để bảo đảm kết quả bền vững trong thời gian tới.

PV: Tỉnh đã có những biện pháp gì để duy trì kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS và đạt trên 80% chỉ tiêu điều trị Methadone do Chính phủ yêu cầu?

BS. Trần Xuân Khánh: Thời gian qua, để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều hoạt động bao gồm: truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm và tiếp cận điều trị AIDS; giám sát HIV và theo dõi đánh giá chương trình; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chủ động thực hiện đề án bảo đảm tài chính hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đặc biệt đẩy mạnh công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nhiễm HIV...

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tuyên truyền, phổ biến phòng chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức đa dạng; phát trên các hệ thống loa đài, truyền hình về các nội dung, hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các cơ sở, ban ngành tổ chức 14 lớp tập huấn và các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS tại các cụm dân cư, tổ chức tuyên truyền cho hơn 2.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và tuyên truyền cho nhiều công nhân lao động tại khu công nghiệp, các doanh nghiệp...

Về chương trình can thiệp giảm hại, theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, năm 2015 tỉnh Hưng Yên phải đạt chỉ tiêu 750 người nghiện được điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Hiện nay, tỉnh đang duy trì 2 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại cơ sở thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và cơ sở tại Khoái Châu.

Tính đến tháng 6, lũy tích số người nghiện chích ma túy tham gia điều trị Methadone là 702 người, trong đó 604 người đang được tham gia điều trị Methadone. Như vậy, đã đạt được 80,5% chỉ tiêu do chính phủ giao. Hầu hết, các bệnh nhân đang điều trị đều có tình trạng sức khỏe tốt, tuy nhiên, tại 2 cơ sở hiện nay số bệnh nhân đã quá tải so với quy định của Bộ Y tế (250 bệnh nhân/cơ sở điều trị). Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, cũng như mở rộng chương trình điều trị Methadone, dự kiến trong quý III sẽ triển khai thêm cơ sở điều trị Methadone tại các huyện Yên Mỹ, Văn Lâm và Mỹ Hào và 2 cơ sở cấp phát thuốc tại Phù Cừ, Ân Thi.

Đặc biệt, từ tháng 11/2014, trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai được mô hình xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, thu 10.000 đồng/ngày đối với bệnh nhân điều trị. Việc này không gặp khó khăn mà được sự đồng thuận cao. Số tiền thu được trung tâm thực hiện theo quy định chi tiêu của liên ngành y tế để bảo đảm cho công tác điều trị đạt kết quả tốt nhất.

PV: Hiện tỉnh đang gặp những khó khăn gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

BS. Trần Xuân Khánh: Kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia năm 2015 đang tiếp tục bị cắt giảm nên việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dự án Quỹ Toàn cầu tại Hưng Yên đã kết thúc nên việc triển khai các hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nghiện chích ma túy và gái mại dâm gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn chương trình cấp bơm kim tiêm sạch và phát bao cao su miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao giảm do nhân sách địa phương chưa đáp ứng được vì nhu cầu lên tới 1,5 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ bố trí được 500 triệu đồng.

Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng và người nhiễm HIV tự kỳ thị bản thân khiến cho việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của nhiễm HIV/AIDS còn hạn chế.

Đồng thời, nguồn nhân lực còn hạn chế cũng làm ảnh hưởng tới kết quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS do hầu hết các cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện/thành phố là kiêm nhiệm, chưa có chế độ phụ cấp cho các cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AISD tuyến huyện/thành phố.

Về công tác điều trị nghiện, do đối tượng nghiện luôn luôn di, biến động cả về số lượng và địa điểm, đại đa số các đối tượng đã mắc nghiện lâu năm nên việc vận động, động viên đối tượng tham gia cai nghiện rất khó khăn, có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng. Do vậy, số đối tượng tham cai nghiện chưa cao, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn.

PV: Xin ông cho biết những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này?

BS. Trần Xuân Khánh: Do nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh nên tỉnh tập trung thực hiện đề án bảo đảm tài chính hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về việc bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020 với tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ngân sách địa phương chiếm phần lớn với gần 47% tương đương với hơn 78 tỷ đồng.

Trong đó, đề ra mục tiêu bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch/chương trình hành động của tỉnh trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, giảm các ảnh hưởng của HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Những mục tiêu cụ thể bao gồm: Huy động nguồn ngân sách trung ương đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh tăng dần qua các năm đến năm 2020; Tăng cường nguồn lực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách địa phương hàng năm; Vận động thu hút nguồn viện trợ quốc tế cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo quy định hiện hành; bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại nơi làm việc; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế; ngân sách địa phương hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.

Các nguồn kinh phí được sử dụng trực tiếp phục vụ các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm như: Tuyên truyền, tư vấn, can thiệp giảm tác hại, phục hồi sức khỏe, cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng...

Trong thời gian tới, để công tác điều trị Methadone đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần tập trung tăng cường công tác truyền thông để người nghiện, gia đình người nghiện giúp đỡ người nghiện tuân thủ điều trị và duy trì điều trị Methadone. Đồng thời, bổ sung nhân sự cho công tác điều trị Methadone và bổ sung chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế huyện tham gia thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, đầu tư kinh phí, phương tiện, kỹ thuật, phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng, chống để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top