“Hãy yêu thương, mở lòng với những người nhiễm HIV/AIDS!”

01/03/2016 17:59

Mỗi người trong chúng ta hãy cam kết đi đầu trong việc tạo ra thay đổi, và hãy khích lệ những người xung quanh mình cùng hành động để loại trừ phân biệt đối xử.

Nhân ngày Quốc tế chống phân biệt đối xử (ngày 1/3), Trang tin điện tử Tiếng Chuông (Trang tin của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) có bài phỏng vấn TS. Kristan Schoultz, Giám đốc Chương trình phối hợp về phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS).

TS. Kristan Schoultz chia sẻ, động viên trẻ mồ côi nhiễm HIV - Ảnh: Thùy Chi

PV: Xin bà đánh giá về tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV tại Việt Nam?

TS. Kristan Schoultz: Từ những bằng chứng trong một số những nghiên cứu gần đây, và những câu chuyện vi phạm quyền thì chúng ta thấy những người nhiễm HIV ở Việt Nam và những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV là những người tiêm chích ma túy, người mại dâm và nam có quan hệ tình dục đồng giới phải chịu sự phân biệt đối xử rất nặng nề.

Chúng ta đều cần ghi nhớ rằng, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam có nêu rõ không phân biệt đối xử được xem là một quyền con người của người dân Việt Nam. Việt Nam cũng có khung pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích pháp lý của người nhiễm HIV, bao gồm luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 và một số luật, nghị định quy định về đền bù thiệt hại gây ra do việc vi phạm quyền của người nhiễm HIV.

Mặc dù vậy, kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và hệ quả là việc vi phạm quyền vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi, như trong các cơ sở y tế, nơi làm việc và trong cộng đồng. Tình trạng này ngăn cản người nhiễm HIV không được tiếp cận bình đẳng đến các dịch vụ thiết yếu về y tế, bảo trợ xã hội và pháp lý. Nhiều người nhiễm HIV bị phân biệt đối xử và vi phạm quyền, thậm chí còn không tìm kiếm hỗ trợ, vì họ sợ và cảm thấy mình không có nơi nào để bấu víu và được bảo vệ.

PV: Theo bà Việt Nam cần có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV?

TS. Kristan Schoultz: Để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị, chúng ta cần phát triển dịch vụ trợ giúp pháp lý. Khi chúng ta có khung trợ giúp pháp lý thì người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ được bảo đảm quyền lợi nếu họ bị phân biệt đối xử.

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và sẽ ngày càng phải tự lực hơn trong các nguồn lực dành cho phát triển và bảo trợ xã hội. Do đó, việc cân nhắc, điều chỉnh giảm nguồn ngân sách dành cho trợ giúp pháp lý miễn phí và thu hẹp các loại hình dịch vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền cho các nhóm đặc biệt, dễ bị tổn thương cần được dựa trên việc đánh giá kỹ các tác động tiềm tàng về cả pháp luật và xã hội. Người nhiễm HIV cần được thụ hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý toàn diện, bao gồm thông tin và giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp và đại diện pháp lý trong các vụ việc dân sự, hình sự và hành chính, cũng như tham gia tố tụng tại tòa…

Bên cạnh đó, giải pháp nữa để giảm sự phân biệt đối xử, kỳ thị đó chính là thay đổi định kiến, suy nghĩ. Tình yêu thương rất quan trọng, chúng ta cần phải học để chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng trong xã hội. Sự khác biệt có thể là do việc làm, ví dụ như những người lao động tình dục, sự khác biệt trong hành vi như quan hệ tình dục đồng giới, hay tiêm chích ma túy... Mặc dù họ có sự khác biệt đó, nhưng họ đều là công dân của Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta cần có sự cảm thông và yêu thương họ, bằng cách bao dung hơn và chấp nhận sự khác biệt.

PV: UNAIDS sẽ có những hỗ trợ gì cho công tác chống phân biệt đối xử, kỳ thị tại Việt Nam?

TS. Kristan Schoultz: UNAIDS sẽ hỗ trợ về việc thu thập những bằng chứng, về tình trạng phân biệt đối xử ở Việt Nam. Định kỳ 2,3 năm/lần UNAIDS nghiên cứu chỉ số kỳ thị phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV. Mục đích của nghiên cứu này là xem xét sự thay đổi tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị qua các năm.

Ngoài ra, có một số đánh giá khác cũng liên quan đến các chỉ số về kỳ thị, phân biệt đối xử. Chẳng hạn như đánh giá tiếp cận về bảo hiểm y tế trong các cơ sở y tế… Dựa trên những bằng chứng và đánh giá, UNAIDS sẽ hoàn thiện các văn bản, chính sách pháp lý có liên quan để giúp bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho những người nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, hỗ trợ những nỗ lực giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng, cũng như trong các cơ sở y tế đối với người nhiễm HIV. Cụ thể, sắp tới UNAIDS sẽ hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng kế hoạch nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV trong các cơ sở y tế. UNAIDS cũng sẽ tổ chức các hoạt động như: chiến dịch về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Nhân ngày Quốc tế chống phân biệt đối xử, tuần qua UNAIDS đã vận động những người trong cộng đồng lên tiếng, cũng như là kêu gọi xã hội mở lòng và yêu thương thông qua những câu chuyện, những bằng chứng có thật của những người nhiễm HIV/AIDS…

UNAIDS với khẩu hiệu "Không phân biệt đối xử", kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng hành động, yêu thương mở lòng với những người nhiễm HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi

 PV: Bà muốn chia sẻ thông điệp gì đến moi người nhân ngày Quốc tế phòng, chống phân biệt đối xử?

TS. Kristan Schoultz: Nhân ngày Quốc tế chống phân biệt đối xử, tôi muốn kêu gọi mọi người hãy yêu thương, mở lòng với những người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Chúng ta hãy trân trọng, coi họ như những người bình thường và chúng ta hãy cùng nhau cam kết, đóng góp một phần nhỏ bé của mỗi cá nhân vào việc xây dựng một xã hội. Trong đó, mọi người đều được đối xử bình đẳng và không phải lo sợ, kỳ thị và phân biệt đối xử.

Không phân biệt đối xử vừa là một điều kiện, đồng thời cũng là một mục tiêu cho Việt Nam, nếu chúng ta muốn xây dựng một quốc gia, nơi mọi người dân đều được sống khỏe mạnh, hạnh phúc và phồn vinh.

Mỗi người trong chúng ta hãy cam kết đi đầu trong việc tạo ra thay đổi và hãy khích lệ những người xung quanh mình cùng hành động để loại trừ phân biệt đối xử.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
Top