Hãy tự bảo vệ mình trước căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

30/11/2017 16:46

“HIV/AIDS vẫn còn ở đây, mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, nhưng dịch chỉ suy giảm, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nên chúng ta hãy luôn nhớ rằng, chúng ta cần tự bảo vệ mình”.

Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi trao đổi với bà Marie-Odile Emond, tân Giám đốc Quốc gia của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam.

Bà Marie-Odile Emond, tân Giám đốc Quốc gia của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam-Ảnh: Thùy Chi

Xin bà cho biết đánh giá về công tác phòng, chống HIV/AIDS và việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 tại Việt Nam?

Bà Marie-Odile Emond: Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất là ngoạn mục. Điển hình là 2 chỉ số lớn là ca nhiễm mới và tử vong do nhiễm HIV/AIDS đã giảm rất nhiều.

Năm 2014, Việt Nam đã làm một nghiên cứu, phân tích chiến lược đầu tư trong phòng, chống HIV/AIDS, lựa chọn phương án tốt nhất là tập trung nguồn lực vào những việc cần làm. Việt Nam đã đi đúng hướng, nên các ca nhiễm mới đã giảm rất ngoạn mục, vì vậy tôi nhận định rằng Việt Nam đang trên con đường để có thể đạt được những mục tiêu mong muốn.

Trong 2 năm gần đây, một loạt các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã được mở rộng. Việt Nam đã thích ứng với tình hình hiện nay, áp dụng nhiều giải pháp, công cụ mới tiếp cận với người dân, tăng cường dịch vụ dự phòng, giúp những người nhiễm HIV được điều trị.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam rất chú trọng tránh phân biệt đối xử, kỳ thị. Những việc này khiến tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn toàn đạt được những mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra.

Tuy nhiên, vẫn còn những người nhiễm HIV chưa biết được tình trạng bệnh của mình, chính vì vậy chủ đề của phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “hãy đi xét nghiệm”. Vì đi xét nghiệm thì chúng ta mới biết được tình trạng bệnh của mình và tiếp cận với điều trị.

Tôi thấy Việt Nam đang đi đúng chiến lược dồn tổng lực để đi đến đích chấm dứt AIDS vào năm 2030. Mặc dù vậy, cần phải tăng cường hơn nữa, đầu tư nhân lực và vật lực. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể cam kết chính trị ở tất cả các cấp, các ngành, cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức ở xung quanh. Chúng tôi rất tin tưởng và lạc quan với những gì mà Việt Nam sẽ đạt được trong thời gian tới.

Bà nhận thấy Việt Nam gặp khó khăn gì trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90? Theo bà, Việt Nam cần làm gì để có thể đạt được mục tiêu đã cam kết?

Bà Marie-Odile Emond: Tôi nhận thấy khoảng cách thiếu hụt giữa mục tiêu số 1 và mục tiêu số 2. Đó là việc làm thế nào để người nhiễm tiếp cận xét nghiệm, sau đó đưa họ vào điều trị. Chúng ta vẫn có những trường hợp mất dấu, nên việc cần thiết phải làm để thực hiện được mục tiêu là làm thế nào để có thể giảm dần số người bị mất dấu.

Đối với mục tiêu 90 số 3, đó là làm thế nào để 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất. Tôi thấy Việt Nam đang làm tốt, nhưng e rằng vẫn đang bị hẹp, nên tới đây Việt Nam cần làm rộng hơn. Nhưng trước mắt chúng ta nên tập trung giải quyết sự thiếu hụt của mục tiêu 90 số 1 và số 2. Đồng thời, tăng cường chất lượng để điều trị có hiệu quả. Việc này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90 số 3.

Trong những năm gần đây, Việt Nam có quyết định rất sáng tạo, Chính phủ đã đưa vấn đề HIV vào bảo hiểm y tế. Người nhiễm HIV thường phải điều trị, sử dụng thuốc đến hết đời. Nhìn xa trông rộng, việc Việt Nam đưa bảo hiểm y tế bao phủ cả điều trị HIV là việc làm rất sáng suốt nên rất nhiều nước trên thế giới đang nhìn theo cách làm của Việt Nam.

Đây cũng là bước chuyển đổi vô cùng lớn, do đó Việt Nam gặp một số khó khăn trong chuyển đổi như việc thực hiện thủ tục…, tuy nhiên tôi nghĩ trong 2, 3 năm tới, khi chuyển đổi ổn định, tôi tin rằng Việt Nam sẽ đạt được những kết quả ngoạn mục hơn nhiều trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Việt Nam đang thay đổi cơ cấu, xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ sắp xếp bố trí hợp lý để không mất đi những nguồn lực quý giá, giúp họ có thể tiếp tục làm việc trong những năm tới.

Về việc dồn tổng lực, Việt Nam nên phân cấp để có thể đưa các dịch vụ về HIV/AIDS đến với cộng đồng tại các thôn bản, khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp Việt Nam tăng cường, mở rộng hơn nữa độ bao phủ.

Một việc làm khôn ngoan nữa là Việt Nam đang đưa HIV/AIDS vào hệ thống y tế đang có của mình. Nhờ việc này, các chi phí về HIV/AIDS giảm, giúp Việt Nam tập trung nguồn lực cho những việc làm cần thiết.

Nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang cắt giảm nhanh và tiến tới kết thúc trong tương lai. Trong khi đó, UNAIDS lại là cơ quan đưa ra các mục tiêu Dồn tổng lực trong phòng, chống HIV/AIDS, vậy bà có kỳ vọng gì đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu này?

Bà Marie-Odile Emond: Trong bối cảnh này, tôi nghĩ Việt Nam cần phải tăng cường độ bao phủ điều trị, chăm sóc và dự phòng. Hiện Việt Nam đang nỗ lực thực hiện những công việc này, chúng ta phải làm thế nào để áp dụng những phương pháp mới, giúp mở rộng độ bao phủ.

Theo tôi, công tác phối hợp rất quan trọng, cả trong nước và ngoài nước, Việt Nam cần đặt công việc của mình trọng tâm, cụ thể, đúng người, đúng thời gian. Hiệu suất của đồng tiền chi ra rất quan trọng, do đó khi nguồn lực bị suy giảm, chúng ta cần khôn ngoan để có thể thực hiện vào những hoạt động trọng tâm, giúp tiêu diệt được loại virus này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường dự phòng trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV như nhóm chuyển giới và tăng cường điều trị trong những nhóm khác nhau. Nên xem xét ở nhiều khía cạnh, để việc dồn tổng lực của mình có thể thành công.

Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu 90 thứ 2, theo bà Việt Nam nên học tập kinh nghiệm từ quốc gia nào trên thế giới để có thể giải quyết được khó khăn này?

Bà Marie-Odile Emond: Có nhiều quốc gia đang thực hiện việc xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng. Mỗi quốc gia có một điểm yếu và điểm mạnh khác nhau, tuy nhiên tất cả các quốc gia đều đang nỗ lực để có thể hoàn thành được mục tiêu 90-90-90.

Ở Việt Nam, việc đưa xét nghiệm nhanh HIV đến với cộng đồng là rất quan trọng. Khi phát hiện những người nhiễm mới HIV, cần lập tức làm thế nào để họ có thể tiếp cận điều trị mà không cần nghĩ đến việc những gì cản trở họ. Tôi hy vọng, trong hướng dẫn mới của Quốc gia, Việt Nam sẽ đưa ra những sáng tạo để cộng đồng được xét nghiệm và tiếp cận điều trị sớm HIV.

Dịch ở Việt Nam bắt đầu từ những người tiêm chích ma túy, Việt Nam đã kịp thời thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone. Tuy nhiên, chương trình này chưa đạt được kết quả như Việt Nam mong đợi. Mục tiêu đạt 80.000 người được đưa vào điều trị Methadone vẫn chưa thực hiện được, do đó chúng ta cần tìm ra cách tháo gỡ để đạt được mục tiêu trên. Việt Nam sẽ hạn chế được lây nhiễm HIV do ma túy nếu đạt được mục tiêu này.

Xin bà cho biết, thời gian tới, UNAIDS sẽ có những hoạt động gì đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Bà Marie-Odile Emond: Có rất nhiều việc UNAIDS đã và đang làm với Việt Nam. Điển hình là thu thập số liệu, phân tích để có thể đưa ra những chiến lược, chính sách đúng đắn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã giúp Việt Nam giá những mẫu, quần thể nguy cơ cao để Việt Nam có những phương pháp mới can thiệp hiệu quả.

Chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện những thí điểm, cùng Tổ chức Y tế Thế giới giúp Việt Nam đưa những sáng kiến mới vào điều trị. Ví dụ như tại TPHCM đang thực hiện mô hình xét nghiệm HIV cho những người quan hệ tình dục đồng giới uống thuốc dự phòng trước khi quan hệ có nguy cơ cao.

Hiện chúng tôi phối hợp thực hiện điều tra để có những chiến lược nhằm tránh phân biệt đối xử, kỳ thị tại các cơ sở y tế. Vì nếu vẫn còn tình trạng này thì người dân sẽ khó tiếp cận được với các dịch vụ về HIV/AIDS.

Trong phòng, chống HIV, chúng ta cần biết nhu cầu của cộng đồng, nên chúng tôi tổ chức trao đổi thường xuyên với những người nguy cơ cao, để hiểu biết nhu cầu, ý kiến của họ. UNAIDS cũng thường xuyên làm việc với cơ quan Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tham vấn sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS; nâng Nghị định phòng, chống mại dâm lên thành Luật Phòng, chống mại dâm…hỗ trợ Việt Nam quyết định những đường lối trong tương lai.

10 năm trước UNAIDS đã tham gia hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, chúng tôi chờ đợi Việt Nam sẽ đưa những vấn đề mới, đưa những tiến bộ nghiên cứu khoa học mới cho bộ luật để bảo đảm nhiều hơn quyền lợi của người nhiễm HIV/AIDS trong tình hình mới.

Bà muốn nhắn nhủ và chia sẻ gì nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS?

Bà Marie-Odile Emond: Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS đối với chúng tôi vô cùng thiêng liêng. Đây là thời gian chúng tôi xem lại 5, 10 năm trước chúng ta đã làm gì cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những gì chúng ta đã có trong quá khứ giúp chúng ta vươn tới trong tương lại. Nhìn thấy những người dân nhiễm HIV của chúng ta khỏe mạnh, đó là động lực để chúng ta bước tiếp, giúp chúng ta tìm ra những giải pháp, sáng kiến để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV tiếp cận được với phương pháp điều trị.

Để có kết quả như ngày hôm nay là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ từ cấp Trung ương xuống địa phương. Chúng ta đã cùng hòa nhịp, những người cấp dưới đã nỗ lực thực hiện sự chỉ đạo từ cấp trên với sự chân thành và nhiệt huyết.

HIV/AIDS vẫn còn ở đây, mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, nhưng dịch chỉ suy giảm, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nên chúng ta hãy luôn nhớ rằng, chúng ta cần tự bảo vệ mình. Nếu chúng ta có những hành vi, nguy cơ cao lây nhiễm HIV thì chúng ta cần lập tức đi xét nghiệm. Hiện nay, xét nghiệm có ở khắp mọi nơi, chỉ trong vài phút. Khi biết bản thân nhiễm HIV, cần điều trị sớm, tham gia sử dụng bảo hiểm y tế và tuân thủ trị điều trị, việc này sẽ giúp những người nhiễm HIV khỏe mạnh, sống có ích cho cộng đồng và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
Top