“Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu” để tránh xa ma túy

24/06/2019 16:08

Chủ đề Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay là “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, nhằm nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi cá nhân, nhất là các bạn trẻ hãy luôn làm chủ bản thân, hãy suy nghĩ thật kỹ về hậu quả, sự nguy hiểm của ma tuý đối với bản thân, gia đình và xã hội để có sự lựa chọn đúng đắn, tránh xa tệ nạn này.

Hãy tránh xa ma túy. Ảnh minh hoạ

Ma túy là hiểm họa, vấn đề của cả thế giới

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), từ năm 2010-2018, số người sử dụng ma túy trong độ tuổi 15-64 đã tăng từ 226 triệu người lên 275 triệu người, chiếm khoảng 5% số người trong độ tuổi này trên toàn cầu.

Do có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khu vực "Tam giác vàng" - một trong những trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn trên thế giới nên tình hình tệ nạn ma túy ở khu vực Đông Nam Á những năm qua diễn biến phức tạp trên nhiều mặt.

Số người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 1/2 số người sử dụng loại ma túy này trên thế giới; riêng năm 2016, có khoảng 760 tấn thuốc phiện (tương đương 76 tấn heroin) và khoảng 20 tấn ma túy tổng hợp dạng đá và 500 triệu viên ma túy tổng hợp các loại. Tuy nhiên, chỉ dưới 50% lượng ma túy các loại được phát hiện thu giữ, phần lớn còn lại đã được vận chuyển trót lọt đến khắp các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Do tác động của tình hình tội phạm về ma túy và tình hình lạm dụng ma túy thế giới và khu vực nên tệ nạn ma túy ở nước ta những năm qua diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã điều tra, bóc gỡ 12.285 vụ, bắt giữ hơn 19.454 đối tượng; thu 675 kg heroin, 507 kg ketamine, 4.625 kg MTTH và 131 kg cocaine, 156,4 kg thuốc phiện và nhiều phương tiện, tài sản, vật chứng liên quan khác. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 9,6% về số vụ nhưng tăng về số lượng ma túy bị thu giữ, đặc biệt là khối lượng ma túy tổng hợp tăng gấp 8,3 lần (tăng trên 4.128 kg).

Tình trạng sử dụng ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 30/4/2019 tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên toàn quốc là 230.767 người, tăng 5.668 người so với năm 2018, trong đó, 14,5% người nghiện đang được quản lý trong các cơ sở cai nghiện, 20,5% người đang trong trại giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và 65% người đang sinh sống ngoài xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tế, nếu thống kê số người sử dụng ma túy có thể cao hơn nhiều so với số người nghiện có hồ sơ quản lý. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện (ở các tỉnh khu vực miền Trung và phía Nam tỷ lệ này lên đến 70-85%). Đáng chú ý, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến.

Ma tuý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sử dụng, gây rối loạn thần kinh, làm mất khả năng lao động, học tập, làm tiêu hao tiền bạc của bản thân người nghiện và gia đình có người mắc nghiện. Nếu tính bình quân một người nghiện tiêu tốn 100.000 đồng trong một ngày cho việc sử dụng ma tuý thì mỗi năm số tiền tiêu tốn cho việc sử dụng ma tuý khoảng 8.400 tỷ đồng, tương đương với tổng thu ngân sách của tỉnh Tiền Giang hay Lào Cai là những tỉnh đứng thứ 25 và 26, cao gấp 14 lần tổng thu ngân sách của tỉnh Cao Bằng là tỉnh đứng thứ 63 trên toàn quốc về xếp hạng thu ngân sách (610 tỷ đồng).

Hơn thế nữa, hàng trăm nghìn người không có khả năng làm ra của cải vật chất đóng góp cho xã hội, chưa kể Nhà nước phải đầu tư một khoản kinh phí rất lớn dành cho công tác cai nghiện, phục hồi… Để có tiền sử dụng ma tuý, người nghiện đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm mất trật tự an toàn xã hội.

Trên thế giới và ngay cả trong nước đã xuất hiện ngày càng nhiều loại ma tuý tổng hợp, chất hướng thần mới chưa được quy định trong Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc và danh mục các chất ma tuý và tiền chất của Chính phủ. Việc buôn bán, sử dụng các chất hướng thần mới với tên gọi mới lạ, gây kích thích tính tò mò cho giới trẻ như: “Cỏ Mỹ”, “Nấm thần”, “Lá khát”, “bóng cười”... đang có dấu hiệu lan rộng, gây lo lắng cho nhiều gia đình và xã hội.

Ngày càng nhiều các vụ sử dụng ma túy tập thể trong các quán karaoke, vũ trường, nhà nghỉ; người sử dụng ma túy bị hoang tưởng, ảo giác đã gây rối trật tự xã hội, tự gây thương tích, giết người, thậm chí giết nhiều người. Một bộ phận giới trẻ coi nhẹ các cảnh báo về tác hại của ma tuý trên các phương tiện truyền thông, nhiều thanh niên vẫn cho rằng sử dụng các loại chất kích thích này chỉ như hút thuốc lá, để gây hưng phấn, thể hiện sự sành điệu, hợp thời, không gây nghiện như các loại ma túy gốc thuốc phiện khác.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng ma túy tổng hợp gây tác hại khôn lường, làm thay đổi tâm lý, rối loạn nhận thức, thị giác, thính giác làm cho thấy, nghe những gì không có thật. Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp bị ngộ độc nặng với biểu hiện chính là hôn mê, co giật, suy tim cấp, tụt huyết áp… có thể dẫn đến tử vong.

Tạo “sức đề kháng” chống lại sự tấn công của ma tuý

Chủ đề Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay là “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, nhằm nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi cá nhân, nhất là các bạn trẻ hãy luôn làm chủ bản thân, hãy suy nghĩ thật kỹ về hậu quả, sự nguy hiểm của ma tuý đối với bản thân, gia đình và xã hội để có sự lựa chọn đúng đắn, tránh xa tệ nạn này.

Mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng sống để tạo ra “sức đề kháng” chống lại sự tấn công của ma tuý và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó cần xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và của cả xã hội trong việc tuyên truyền, định hướng, giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma tuý.

Phòng, chống ma túy không phải là công việc chỉ trong Tháng hành động phòng, chống ma túy mà là việc làm thường xuyên, liên tục, với sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để đẩy mạnh công tác phòng ngừa ma túy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma tuý; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.

Tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội; kịp thời cung cấp và định hướng thông tin cho các cơ quan truyền thông…

Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú; kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại chất hướng thần, tiền chất chất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng, các quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, chất hướng thần trên địa bàn; vận động, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện ký cam kết không mua bán, cất giữ, bảo quản, sử dụng các loại ma túy, chất hướng thần...

Vì tương lai của mỗi cá nhân, hạnh phúc gia đình và sự phát triển xã hội “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”.

Top