Hàng trăm chất ma tuý mới xuất hiện, công tác giám định gặp ‘vướng’

27/08/2018 09:38

Trong những năm gần đây, tội phạm về ma túy triệt để lợi dụng những phương tiện khoa học-công nghệ vào hoạt động phạm tội, các chất ma túy xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy của các lực lượng chức năng nói chung, lực lượng kỹ thuật hình sự nói riêng.

Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an-Ảnh: Hoàng Anh

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình các chất ma tuý mới hiện nay và những khó khăn trong công tác giám định ma tuý, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an.

Đa dạng chủng loại, mẫu mã ma tuý

PV: Trong thời gian qua, Viện KHHS đã liên tiếp phát hiện ra một số loại ma tuý mới, đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau. Ông có thể cho biết về tình hình các chất ma tuý hiện nay tại nước ta?

Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn: Trong thời gian vừa qua, các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng và nhằm che dấu sự kiểm tra, giám sát và phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.

Qua công tác thống kê các vụ giám định ma túy cho thấy: Số lượng chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp (như thuốc phiện, heroin) giảm; tuy nhiên các chất ma túy tổng hợp (như thuốc lắc, hàng đá), những chất hướng thần mới (NPS) bị lạm dụng lại có xu hướng tăng cao hơn.

Nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, gây nghiện, che dấu hành vi phạm tội, đạt được lợi nhuận cao nhất, tội phạm đã pha trộn các loại ma túy với nhau, pha trộn ma túy với các chất khác như: Chế cần sa thành các loại bánh kẹo; trộn chất ma túy với các loại thuốc tân dược có bán trên thị trường cùng với chất tạo màu, mùi để sản xuất ra viên nén ma túy tổng hợp,...

Một số chất ma túy được trộn lẫn với nhau dùng để pha vào đồ uống như trà sữa, cà phê hay các loại nước giải khát có ga, thường được dùng trong các quán bar, karaoke, sàn nhảy, qua công tác giám định đã phát hiện thấy thành phần các chất ma túy như Ketamine, Methammphetamine, MDMA, Nimetazepam... trong các loại mẫu này.

Đặc biệt, xu hướng lạm dụng các chất hướng thần mới NPS trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Các đối tượng buôn bán quảng cáo chúng không chứa chất gây nghiện, không phải là ma túy, mua bán hợp pháp, không bị cấm mà lại có tác dụng mạnh gấp nhiều lần các chất ma túy thông thường như “Cỏ Mỹ” có thành phần chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp; một số loại chất gây ảo giác mạnh như LSD, GHB... được tẩm lên các con tem nhỏ (gọi lóng là “bùa lưỡi”) hay hòa thành dung dịch, hoặc các loại thực vật chứa chất ma túy như “Nấm thức thần” có chứa Psilocine và Psilocybine đã từng được giao bán trên mạng xã hội. Có những chất ma túy hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam.

PV: Như vậy, không chỉ du nhập từ nước ngoài, một số loại ma tuý mới còn được sản xuất tại Việt Nam. Ông có thể phân tích rõ hơn về thực trạng này?

Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn: Đúng như vậy. Đặc biệt trong những năm gần đây, qua công tác giám định và khám nghiệm hiện trường, lực lượng kỹ thuật hình sự đã phát hiện các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, mua bán các chất ma túy, chất hướng thần mới, trong đó có những chất chưa có trong danh mục chất ma túy, tiền chất của Chính phủ hoặc chưa từng xuất hiện tại nước ta. Đây là thủ đoạn lợi dụng việc các chất ma túy không có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam hoặc lần đầu tiên xuất hiện để thực hiện các hành vi phạm tội: Sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép,... gây khó khăn cho công tác xử lý, đấu tranh đối với loại tội phạm này, đặc biệt gây khó khăn cho công tác giám định.

Viện KHHS cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện thủ đoạn sản xuất ma túy tổng hợp Methamphetamine từ các loại tiền chất, hóa chất phổ biến trên thị trường như Ephedrine, Pseudoephedrine (có trong thuốc cảm cúm, hen suyễn), C2P... được đối tượng trong nước cấu kết với tội phạm nước ngoài sản xuất trái phép.

Gần đây, đã có một số vụ án sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, các loại chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp, tên lóng là “Cỏ Mỹ” đã bị triệt phá. Cỏ Mỹ được tạo ra bằng cách dùng các chất hóa học tổng hợp được mà các chất này có tính năng tác dụng tương tự như hoạt chất Delta 9 - THC có trong cần sa thực vật, sau đó pha thành dung dịch rồi phun, tẩm vào các loại cây cỏ, các mẫu thảo mộc khô (không phải là cây, thảo mộc chứa chất ma túy), sau đó sấy khô tạo thành sản phẩm gọi là “Cỏ Mỹ”.

Bên cạnh đó, tội phạm còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật như chưa có giải pháp quản lý triệt để các nguồn sản phẩm có chứa chất ma túy, tiền chất như: dược phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc thú y, các chất được sử dụng trong y tế, chăn nuôi... để từ đó thu mua, chiết xuất ra các chất ma túy như ketamine từ thuốc thú y, diazepam từ thuốc ngủ...

PV: Thưa ông, trước xu thế ngày càng nhiều loại ma tuý mới xuất hiện, công tác giám định gặp khó khăn như thế nào?

Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn: Sau khi danh mục các chất ma túy, tiền chất mới theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ ban hành có hiệu lực, số lượng chất ma túy được quản lý tăng lên gấp 2 lần so với trước (hiện có trên 500 chất). Việc cung cấp mẫu chuẩn phục vụ công tác giám định còn thiếu hoặc chưa có, chưa kịp thời. Đây là khó khăn lớn nhất trong công tác giám định.

Đối với những chất ma túy mới, các phương pháp giám định thông thường như: Phản ứng màu chưa được nghiên cứu, phương pháp sắc ký lớp mỏng và sắc ký khí không tiến hành giám định được do không có mẫu chuẩn so sánh, để có thể kết luận khẳng định về các chất ma túy này hay như các chất ma túy mới khác đều phải dùng các phương pháp phân tích cấu trúc hóa học hiện đại như quang phổ hồng ngoại (FTIR), sắc ký khí ghép nối khối phổ kép(GC/MS/MS), sắc ký lỏng ghép nối khối phổ kép (HPLC/MS/MS), hệ thống phức hợp sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao khối phổ đo thời gian bay GC-HPLC-MS(ToF),.... mà chỉ có Viện KHHS, Bộ Công an mới đáp ứng được, còn hầu hết những chất ma túy nghi là ma túy mới, phức tạp đều vượt quá năng lực giám định của các Phòng Kỹ thuật hình sự Công an địa phương và phải chuyển về Viện KHHS để giám định.

Hơn nữa, do chưa có nhận thức, hiểu biết đầy đủ về các loại ma túy mới, công tác khám nghiệm hiện trường, thu mẫu giám định của các cơ quan phòng chống tội phạm ma túy còn có những hạn chế như: Lấy mẫu không đủ lượng, không đại diện,... dẫn đến gây khó khăn cho công tác giám định.

Bên cạnh đó, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp. Khi có một chất ma túy mới bị phát hiện được đưa vào kiểm soát thì liên tục xuất hiện những chất mới có tính năng tác dụng tương tự thay thế, điển hình là cần sa tổng hợp có trên 250 chất đã được kiểm soát nhưng vẫn liên tục xuất hiện những chất có tác dụng tương tự thậm chí còn mạnh hơn. Đơn cử như vừa qua Viện KHHS, Bộ Công an đã phát hiện ra chất 5F-MDMB-PICA là chất có tác dụng kích thích và gây ảo giác thuộc nhóm cần sa tổng hợp chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam, nhưng nó đã được Nhật Bản đưa vào danh mục quản lý về ma túy vào tháng 12/2014, Singapore vào tháng 5/2018. Tại Hoa Kỳ, 5F-MDMB-PICA được đưa vào danh mục chất ma túy cần được kiểm soát thường xuyên. Ngoài ra, còn có chất FUB-144 cũng là chất ma túy mới lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam có tác dụng gây ảo giác, đã có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam.

Một yếu tố nữa đó là nước ta lại có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, tiệm cận với khu vực “Tam giác vàng”- thủ phủ của ma túy Châu Á; có đường biển trải dài tiếp cận với các luồng hàng hải quốc tế. Do đó dễ bị lợi dụng làm địa bàn trung chuyển ma túy, đặc biệt khi có chất ma túy mới tại khu vực này thì tại Việt Nam cũng thường sớm xuất hiện.

PV: Như vậy cần giải pháp gì để ngăn chặn sự lan rộng của các chất ma tuý cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám định ma tuý trong tình hình hiện nay, thưa ông?

Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn: Theo tôi, đầu tiên đó là phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất có liên quan. Điều này rất cần sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Công thương, Nông nghiệp, Y tế... để kiểm soát các nguồn chất có chứa ma túy, tiền chất.

Đối với công tác giám định, cần có phương án nhập khẩu, điều chế các mẫu chuẩn ma túy, phục vụ công tác giám định so sánh định tính, định lượng. Đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Với các loại ma túy đang bị lạm dụng, đang lưu hành trên thị trường bất hợp pháp, hoặc dự báo có thể thâm nhập vào nước ta mà chưa có mẫu chuẩn thì cần có kinh phí để nhập khẩu các loại mẫu chuẩn này. Đồng thời, tiếp tục đầu tư kinh phí triển khai nghiên cứu tinh chế sản xuất các loại mẫu chuẩn ma túy khác trong điều kiện có thể để dần thay thế các mẫu chuẩn ngoại nhập, giúp chủ động nguồn mẫu chuẩn và tiết kiệm kinh phí cho nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu, tập huấn, đào tạo cho lực lượng giám định viên trên cả nước về các phương pháp giám định các chất ma túy mới. Kịp thời cập nhập các thông tin liên quan đến tình hình ma túy trên thế giới, đặc biệt là các chất ma túy mới để chủ động trong việc giám định với các loại ma túy này. Nâng cao năng lực giám định cũng như tăng cường các phương tiện thiết bị máy móc hiện đại trong công tác giám định ma túy…

Các lực lượng phòng chống ma túy, lực lượng tuyên truyền thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm ma túy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top