Hải Phòng: Can thiệp kịp thời ở các địa bàn trọng điểm

14/02/2018 14:00

Hải Phòng là 1 trong những tỉnh, thành phố thành phát hiện đầu tiên người nhiễm HIV, sau Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, nhờ thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thành phố đã giảm thiểu được số người lây nhiễm HIV trên địa bàn.

Ông Đào Việt Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng. Ảnh: Thùy Chi

Để hiểu rõ thêm về những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hải Phòng, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi trao đổi với ông Đào Việt Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng.

Một trong những giải pháp hữu hiệu, nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà Hải Phòng đã thực hiện mới đây, đó là chương trình xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên tiếp cận tại cộng đồng thực hiện. Xin ông cho biết rõ hơn về chương trình này?

Ông Đào Việt Tuấn: Kể từ khi triển khai thí điểm, mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, số người chủ động xét nghiệm HIV tăng đáng kể, tạo cơ hội cho người nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ điều trị, dự phòng phù hợp, giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Các nhóm tự lực tại Hải Phòng đã góp phần không nhỏ vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, 10 nhóm đã được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới. Phát huy lợi thế là những người đã từng sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm, nhiễm HIV, đang uống Methadone, thành viên trong các nhóm này hiểu và thông cảm với cảnh ngộ của khách hàng, dễ tiếp cận với nhóm có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy) để tư vấn và phát dụng cụ bảo vệ. Như vậy, các nhóm tự lực đang phát huy hiệu quả trong tiếp cận cộng đồng giúp giảm lây nhiễm HIV/AIDS…

Tại Hải Phòng, chương trình này được thực hiện từ tháng 7/2017. Chỉ trong 4 tháng thực hiện, tính theo mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất) thì chỉ số thứ nhất Hải Phòng đạt được là 90,9%; chỉ số thứ 2 là trên 60%; chỉ số thứ 3 là 91%.

Có thể thấy, tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng đã góp phần thực hiện mục tiêu phát hiện 90% người nhiễm HIV vào năm 2020. Đồng thời, tăng lựa chọn làm xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ lây nhiễm.

Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay và kết quả phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2017?

Ông Đào Việt Tuấn: Số lũy tích hiện nhiễm HIV trên địa bàn Thành phố là 12.041 người, 6.242 chuyển AIDS và 4.501 người tử vong do HIV/AIDS; số hiện còn sống 7.540 người, so với toàn quốc đứng thứ 4 về số người nhiễm HIV còn sống (sau TPHCM, Hà Nội và Sơn La); đứng thứ 8 về tỷ lệ hiện nhiễm (0,37%).

Đường lây truyền HIV vẫn duy trì cao qua đường máu chiếm tỷ lệ (60%); lây truyền qua đường tình dục (37%), lây truyền HIV từ mẹ sang con (3%). Đối tượng nhiễm HIV cao nhất ở nhóm nghiện chích ma túy (59%), phụ nữ bán dâm và nhóm vợ bạn tình của người nhiễm (30%), người nhiễm HIV mới phát hiện tập trung ở các quận, huyện trọng điểm về ma túy, mại dâm: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Thủy Nguyên. Lứa tuổi nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất  ở nhóm tuổi từ 20 đến 49 tuổi (83%).

Trong năm 2017, địa phương đã chú trọng công tác thông tin truyền thông, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm, giám sát dịch, điều trị ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Cụ thể, 9 tháng năm 2017, Hải Phòn tổ chức 6.603 lượt truyền thông, 1.307.629 lượt người được tiếp cận thông tin phòng, chống HIV/AIDS; 5.989 người nghiện chích ma túy, 1.648  phụ nữ mại dâm, 1.081 quan hệ đồng tính được tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn, tư vấn, xét nghiệm HIV. Cấp phát 468.946 bao cao su, 789.260 bơm kim tiêm sạch, 55.039 gói chất bôi trơn từ nguồn hỗ trợ của dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp tổ chức hội thảo hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận điều trị thông qua BHYT; truyền thông nhóm tại cộng đồng 15 cuộc cho 297 người, tư vấn nhóm nhỏ 60 cuộc cho 750 người tham dự…

Công tác xét nghiệm, giám sát dịch bảo đảm kết quả trung thực, chính xác. Đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho các đối tượng, ưu tiên đối tượng có nguy cơ cao, đa dạng các hình thức xét nghiệm: Cố định, lưu động, điểm nóng về HIV...

Tính đến hết tháng 9/2017 đã xét nghiệm sàng lọc: 6.904 mẫu (trong đó gồm 300 mẫu Giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi trên đối tượng nghiện ma túy; 2.920 mẫu giám sát phát hiện và các xét nghiệm sàng lọc của dự án.

Đến tháng 9/2017, Thành phố có 14 phòng khám ngoại trú (PKNT) và trại giam Xuân Nguyên, điều trị ARV cho 4.669 người (trẻ em:148). Số liệu điều trị ARV từ tháng 1-9/2017, bao gômg: Điều trị mới 416 bệnh nhân, chuyển nội tỉnh 112 bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị ARV bị tử vong là 40; số bệnh nhân điều trị ARV bỏ điều trị là 138; số bệnh nhân điều trị ARV chuyển nơi khác là 162

Về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tất cả các cơ sở sản khoa tuyến thành phố và quận/huyện. Từ tháng 1-9/2017 có 28.100 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở sản khoa trong đó số phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính là 17.

Số phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị ARV từ tháng 1-9/2017 là 44. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến sinh con là 42, trong đó số: Sản phụ được điều trị ARV là 38 (chiếm 90%), trong đó điều trị trước khước khi mang thai là 23, điều trị lúc mang thai là 11, điều trị lúc chuyển dạ là 4. Sản phụ không được điều trị ARV là 4, trong đó, Bệnh viện Phụ Sản có 2 sản phụ đến muộn không kịp điều trị và 1 sản phụ không đồng ý điều trị khi chưa có kết quả khẳng định. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là 42, trong đó 42 trẻ đều được điều trị dự phòng, chiếm tỷ lệ 100%.

Hoạt động phối hợp Lao/HIV, trong 9 tháng năm 2017: Bệnh nhân Lao được tư vấn xét nghiệm HIV: 1.279, phát hiện 12 ca HIV ( ). Tỷ lệ bệnh nhân Lao được tư vấn xét nghiệm HIV là 95,45% (1.279/1.340 bệnh nhân Lao phát hiện); bệnh nhân HIV có dấu hiệu nghi ngờ mắc Lao được khám chẩn đoán: 65, trong đó phát hiện 17 trường hợp đồng nhiễm Lao/HIV; 29 bệnh nhân Lao/HIV; 100% được điều trị đồng thời ARV và Lao.

Đối với hoạt động kiện toàn PKNT, tính đến hết tháng 9/2017 có 13/14 PKNT thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT là 83%.

Công tác điều trị Methadone đã góp phần không nhỏ trong kết quả giảm số người nhiễm mới HIV trên địa bàn. Xin ông cho biết địa phương đã thực hiện chương trình này như thế nào?

Ông Đào Việt Tuấn: Toàn thành phố có 16 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone (trong đó 15 cơ sở điều trị, 1 cơ sở cấp phát thuốc) đang điều trị cho 3.914 bệnh nhân, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3 cơ sở điều trị, tăng 25 bệnh nhân, đạt 85% so với chỉ tiêu Quyết định 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc  Methadone.

Năm 2017 số bệnh nhân mới điều trị là 678 người, số ra khỏi chương trình là 648 người (80 bệnh nhân điều trị lâu năm xin ngừng điều trị tự nguyện, 33 trường hợp bị bắt thi hành án, 60 trường hợp đưa vào trung tâm cai nghiện tập trung, 41 trường hợp tử do mắc các bệnh mãn tính Lao, HIV/AIDS..., chuyển nơi khác 65 trường hợp, số còn lại là bệnh nhân ngừng điều trị không rõ lý do).

Số bệnh nhân đạt liều duy trì ổn định 90%; 10% bệnh nhân đang điều chỉnh và dò liều Methdone. Bệnh nhân dùng liều cao nhất: 440 mg/ngày, thấp nhất 5 mg/ngày, liều trung bình cho tất cả các phòng khám 90 mg/ngày. Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị Methadone (là 22%), viêm gan C chiếm 51%, viêm gan B 10%. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị trên 6 tháng có kết quả dương tính ( ) với heroin chung cho toàn thành phố 11,5%.

Hiện địa phương có 8/15 cơ sở điều trị triển khai hoạt động điều trị phục hồi sau cai.

Hải Phòng đã đầu tư nhân lực cho chương trình điều trị Methadone là 145 người. Trong đó, 28 bác sĩ, 35 y sĩ và y tá, 36 dược sĩ, 30 tư vấn viên, 16 hành chính.

Tổ chức USAID /FHI hỗ trợ thuốc cho các cơ sở điều trị quận Ngô Quyền, Lê Chân, Vĩnh Niệm, Thủy Nguyên, Hải An, Dương Kinh, Hồng bàng, An Hưng, XHH Kiến An.

Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ thuốc cho 3 cơ sở điều trị huyện An Dương, An Lão và Trường GDLĐXH Thanh Xuân; nguồn thuốc chương trình Quốc gia hỗ trợ 2 cơ sở điều trị Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn, xã Thủy Triều huyện Thủy Nguyên. Hiện nay nguồn thu xã hội hóa Methadone hỗ trợ chi phí chi thường xuyên và nhân sự.

Thời gian tới, Hải Phòng sẽ làm gì để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thưa ông?

Ông Đào Việt Tuấn: Cụ thể, trong năm 2018, Hải Phòng tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, kết hợp chặt chẽ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đào tạo tập huấn thường xuyên, liên tục, tập huấn điều trị nghiện ma túy tổng hợp cho đội ngũ nhân viên làm việc tại cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Duy trì và mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại có hiệu quả, phân phát và tiếp thị xã hội bơm kim tiêm, bao cao su, tăng cường đưa người nghiện vào điều trị Methadone, phấn đấu đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tập trung can thiệp toàn diện vào các địa bàn trọng điểm và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và can thiệp kịp thời các địa bàn trọng điểm khi dịch có dấu hiệu gia tăng.

Ổn định, củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các cấp, lồng ghép các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV, Methadone nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh và tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí.

Hải Phòng sẽ mở mới Cơ sở điều trị Methadone Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2; Cơ sở cấp phát thuốc Methadone Trung tâm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực, thu hút đầu tư cho lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top