Hà Nội muốn đưa người nghiện vào Trung tâm theo quy định cũ

29/10/2014 10:28

Những khó khăn trong việc đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc (Trung tâm) theo Luật Xử lý vi phạm hành chính khiến người nghiện ngoài cộng đồng gia tăng gây mất trật tự an ninh xã hội, bức xúc cho người dân là một trong những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm gần đây.

Người nghiện ma tuý học nghề trong một cơ sở cai nghiện

Trước tình hình đó, thậm chí, có địa phương còn đề xuất với Quốc hội cơ chế riêng quản lý người nghiện trên địa bàn.

Trang tin điện tử Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội về vấn đề này.

Ông Nguyễn Kim Hùng cho hay, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tuy nhiên cho đến nay, Hà Nội, cũng giống như TP.HCM chưa đưa được người nghiện nào vào Trung tâm theo quyết định của Toà án

Ông Nguyễn Kim Hùng cho biết, tính đến tháng 9/2014, số người nghiện có trong danh sách quản lý của Hà Nội là hơn 16.000 người. Trong đó, khoảng 6.800 người ở các trung tâm; 2.500 người ở các trường, trại; 6.500 người ở tại cộng đồng và trên 1.000 người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

9 tháng đầu năm, các trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của Hà Nội đã tiếp nhận và cai nghiện cho 405 người. Trong đó cai nghiện bắt buộc cho 163 người,  chủ yếu là những người đã có quyết định trước khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực.

Theo ông Hùng, nguyên nhân của việc không đưa được người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc là do việc lập hồ sơ đi cai nghiện vô cùng khó khăn.

Đầu tiên là khó khăn trong việc xác định người nghiện ma tuý. Theo Nghị định 211/2013/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng xử lý vi phạm hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sỹ, y sĩ thuộc trạm Y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, để theo dõi được hội chứng cai, xem người đó có nghiện hay không thì sau xét nghiệm phải giữ lại để theo dõi ít nhất từ 24-72 giờ. Trong khi đó, các bác sĩ rất khó giữ lại được người nghiện nếu họ không tự giác.

Tiếp đó, nếu đã chứng minh được người nghiện, phường xã sẽ lập hồ sơ. Khi hồ sơ ra tới tòa, tòa tổ chức họp thì người nghiện, gia đình người nghiện và luật sư (nếu gia đình người nghiện mời) phải có mặt...

Thêm nữa, Nghị định 221 quy định thời gian cai nghiện bắt buộc do tòa xử là từ 12 đến 24 tháng. Nhưng chưa có văn bản nào quy định khung 12 tháng dành cho đối tượng nào và khung 24 tháng dành cho ai.

“Chính vì vậy, cho đến này tòa Hà Nội chưa ra được quyết định cai nghiện bắt buộc nào theo đúng quy định”, ông Hùng nói.

Về việc TP.HCM đề xuất Quốc hội một cơ chế riêng để quản lý người nghiện, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội cho hay, giống như TP.HCM, Hà Nội cũng đã đề xuất với Quốc hội, trước khi tháo gỡ được những vướng mắc, có thể cho Hà Nội tiếp tục thực hiện việc đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quy định cũ.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị về việc giảm bớt thủ tục xác minh người nghiện ma tuý. Theo đó, việc xác minh có nghiện ma tuý hay không chỉ nên áp dụng với những người nghiện mới. Nên bỏ việc xác định nghiện với những đã từng có tiền sử nghiện ma tuý, đã cai nghiện nhiều lần tại các Trung tâm.

 “Quan điểm mới xem người nghiện là bệnh thì phải đưa đi chữa trị càng nhanh, càng tốt. Hà Nội là một địa bàn đông dân cư nên dù làm rất quyết liệt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện thì cai nghiện tại cộng đồng không mang lại nhiều kết quả. Chỉ có tập trung cai nghiện tại trung tâm mới hy vọng đem lại hiệu quả tốt hơn cho người nghiện ma túy.”, ông Nguyễn Kim Hùng cho hay.

Top