HIV/AIDS có thể bùng phát lại vì lý do kinh phí

15/09/2014 16:37

(Chinhphu.vn) – Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nếu chúng ta không huy động đủ kinh phí, có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại. Và càng đầu tư muộn cho phòng chống HIV/AIDS thì càng khó khăn và tốn kém.

Trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-20/9, ngày 17/9, Bộ Y tế sẽ tổ chức cuộc họp bên lề cấp khu vực với chủ đề “Huy động nguồn tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN”. Đây là vấn đề được Việt Nam hết sức quan tâm vì nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn viện trợ từ quốc tế và hiện nay nguồn này đang bị cắt giảm nhanh chóng.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi phỏng vấn TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

TS Nguyễn Hoàng Long

Thưa TS. Nguyễn Hoàng Long, xin ông cho biết rõ hơn về mục đích và một số thông tin chính của phiên họp “Huy động nguồn tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN”.

TS. Nguyễn Hoàng Long: Các nước trong khối ASEAN là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch HIV/AIDS. Do vậy, đối phó với dịch HIV/AIDS là mối quan tâm chung. Đây cũng là một trong những ưu tiên trong lĩnh vực y tế công cộng của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN.

Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, các nước đã tổ chức cuộc họp chuyên đề này nhằm củng cố các cam kết của ASEAN trong việc đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cấp quốc gia và khu vực; chia sẻ các cơ hội và các sáng kiến huy động tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS cho các nước ASEAN trong giai đoạn sau năm 2015.

Tại cuộc họp nhiều báo cáo quan trọng sẽ được trình bày như bài trình bày của Chủ tịch Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét; Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các báo cáo đáng chú ý là Tuyên bố cam kết của ASEAN: Hướng tới không nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử và không có tử vong liên quan đến AIDS; Môi trường tài trợ cho chương trình AIDS tại khu vực châu Á Thái Bình  Dương; Chia sẻ kinh nghiệm các Thành phố 3 Không (Không ca nhiễm HIV mới, Không kỳ thị và Không ca tử vong liên quan đến AIDS); Thảo luận chuyên đề về Cơ hội và thách thức trong đảm bảo nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sau năm 2015 và nhiều chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia khác...

Theo ông, nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò như thế nào trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua?

TS Nguyễn Hoàng Long: Nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. 95% kinh phí để mua thuốc kháng virus (ARV) và 100% kinh phí để mua thuốc Methadone để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS quan trọng khác, như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... đều do các tổ chức quốc tế viện trợ.

Ngoài viện trợ về tài chính, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ cho mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Hiện nay, nguồn viện trợ quốc tế đang giảm mạnh. Đây là khó khăn rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam.

Thưa TS, trong những năm qua, Việt Nam cơ bản đã kìm hãm được tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trong năm 2013 (12.599 người) đã giảm khoảng 60% so với năm 2007 (30.846 người). Với những thành quả như giai đoạn vừa rồi, một số người cho rằng, chúng ta không cần phải quá quan tâm và đầu tư nhiều cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nữa?

TS Nguyễn Hoàng Long: Có thể một số người đã thỏa mãn với kết quả đạt được, coi dịch HIV không còn là vấn đề quan trọng nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa thì đại dịch HIV có thể bùng phát bất cứ lúc nào vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, hiện chúng ta mới chỉ giảm được tốc độ gia tăng của dịch, chứ chưa khống chế được dịch. HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những nguyên nhân tử vong, gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 12.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện, trên 2.000 người nhiễm HIV/AIDS tử vong và trên 200.000 người nhiễm HIV/AIDS cần được chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, Việt Nam chỉ có thể kết thúc được dịch HIV khi nào mỗi năm cả nước chỉ còn dưới 1.000 ca nhiễm HIV mới. Như vậy với mục tiêu này thì việc khống chế số ca nhiễm mới của chúng ta vẫn còn rất xa mới đạt được.

Thứ hai, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn khá thấp. Bơm kim tiêm sạch và bao cao su mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Hiện công tác điều trị Methadone đang điều trị cho khoảng 20.000 bệnh nhân, mới chỉ đáp ứng khoảng 15% số người nghiện có hồ sơ quản lý của các địa phương. Điều trị bằng thuốc kháng virus ARV mới chỉ đáp ứng được 37% số người nhiễm HIV được phát hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.

Thứ ba, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Khoảng 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, từ truyền thông, tư vấn xét nghiệm, dự phòng, đến điều trị là từ nguồn viện trợ quốc tế. Hiện nay, các nguồn viện trợ quốc tế và cả đầu tư ngân sách trong nước trong phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu hoạt động.

Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, như: Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế thuộc Chính phủ Anh (kết thúc năm 2013), Chương trình phòng chống HIV/AIDS khu vực châu Á của Chính phủ Australia và Chính phủ Hoàng gia Hà Lan (kết thúc năm 2014)…  Một số nhà tài trợ lớn cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cũng đang giảm nhanh mức hỗ trợ và sẽ kết thúc viện trợ trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS được giao ngày càng tăng cao, như: điều trị ARV tăng từ 84.000 lên 105.000 bệnh nhân, điều trị Methadone tăng từ 20.000 lên 80.000 người và năm 2015…

Thứ tư, nhận thức của người dân về HIV/AIDS tuy đã có nhiều thay đổi so với trước, nhưng vẫn còn hạn chế. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn khá phổ biến và nặng nề ở cộng đồng, trường học và các cơ sở y tế. Đây cũng là một trong những rào cản quan trọng khiến người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng?

TS Nguyễn Hoàng Long: Dịch HIV/AIDS không thể tự mất đi nếu không có đầu tư, can thiệp. Đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS là việc buộc phải làm, càng đầu tư sớm (khi dịch HIV/AIDS còn đang ở giai đoạn tập trung) thì càng dễ, càng hiệu quả, càng có lợi. Càng đầu tư chậm thì càng khó khăn, càng tốn kém.

Theo tính toán của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nếu muốn kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 thì mỗi năm Việt Nam cần đầu tư khoảng 92 triệu USD cho phòng chống HIV/AIDS. Với mức đầu tư như vậy, về sức khỏe Việt Nam có thể cứu sống 4,1 triệu người-năm; về kinh tế, có thể tiết kiệm được 9,1 tỷ USD. Như vậy, đầu tư 1 USD cho phòng, chống HIV/AIDS có thể mang lại khoảng 6 USD cho xã hội.

Nếu chúng ta không huy động đủ kinh phí, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại. Kịch bản xấu nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng thì các hoạt động dự phòng, các hoạt động xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV sẽ không được triển khai; hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị...

Số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng sẽ tăng nhanh và dịch HIV/AIDS không còn ở mức độ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay, mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại, gây tác động lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội. Đây không phải là một “viễn cảnh” xa, mà đã và đang xảy ra ở một số quốc gia không có sự đầu tư đủ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Vậy chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS?

TS Nguyễn Hoàng Long: Ngày 16/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đề cập đến 2 nhóm giải pháp chính đó là huy động các nguồn lực và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động được.

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực, chúng ta cũng cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất. Cụ thể như, tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS để tăng hiệu quả hoạt động. Theo số liệu thống kê, 30 tỉnh trọng điểm đã chiếm đến 80% số người nhiễm HIV trong toàn quốc. Đối với từng tỉnh, cần tập trung nguồn lực vào các huyện, xã, cụm dân cư có nhiều người nhiễm HIV/AIDS nhất, tránh triển khai dàn trải.

Chúng ta cũng cần tăng cường lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (như tư vấn xét nghiệm, điều trị methadone, điều trị ARV); lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có; phân cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS xuống tuyến cơ sở, như xét nghiệm chẩn đoán, phát thuốc ARV, phát thuốc Methadone...

Đồng thời, tập trung triển khai các can thiệp có hiệu quả cao, như truyền thông thay đổi hành vi, dự phòng (phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị methadone), tăng cường tư vấn xét nghiệm và mở rộng điều trị ARV.

Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ phòng, chống HIV/AIDS dựa vào viện trợ sang sử dụng ngân sách trong nước, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cần có sự chung vai góp sức của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.

Nếu được đầu tư thỏa đáng, Việt Nam hoàn toàn có thể kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 như lời kêu gọi của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).

 Xin trân trọng cám ơn ông!

Top