Gỡ khó cho cai nghiện tại Trung tâm

12/12/2014 14:47

Theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ, muốn người nghiện vào trung tâm phải có quyết định của nhiều cấp, ngành và phải có quyết định của tòa án. Thủ tục rườm rà, mất thời gian, nhiều thủ tục còn vướng mắc khiến việc đưa người nghiện vào trung tâm rất khó thực hiện. Không có học viên mới, trong khi phần lớn học viên cũ hết thời hạn cai nghiện tại trung tâm được trả về cộng đồng, khiến nhiều trung tâm hiện nay rơi vào tình trạng “vườn không, nhà trống”, có trung tâm chưa đến 20 học viên.

Khi cán bộ đông hơn học viên cai nghiện

Trung tâm chữa bệnh giáo dục LĐXH tỉnh Hưng Yên được đưa vào sử dụng từ năm 2009, với diện tích 3ha, sức chứa 500 học viên. Tuy nhiên, thời điểm cao nhất tại đây cũng chỉ đến 250 học viên.

Năm 2014, sau khi Nghị định xử lý hành chính có hiệu lực, trung tâm đã đưa hầu hết người nghiện hết thời hạn cai ở trung tâm về cộng đồng, chỉ còn 18 học viên, trong đó 15 học viên cai nghiện theo dạng tự nguyện, 3 học viên cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221. Trong khi đó cán bộ, nhân viên của trung tâm có 57 người, tính ra cứ 3 cán bộ quản lý 1 học viên. Đây là điều “chưa có tiền lệ” kể từ khi hoạt động.

Cảnh "vườn không nhà trống tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục LĐXH tỉnh Hưng Yên khi người nghiện được trả về cộng đồn. Ảnh Chu Lương

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh giáo dục LĐXH tỉnh Hưng Yên cho biết, theo quyết định mới, để đưa được người nghiện vào trung tâm phải có quyết định của tòa án, vì vậy trong năm 2014 mới tiếp nhận được 3 trường hợp. Do không có người nên hiện nay, toàn bộ diện tích chăn nuôi, trồng trọt phục vụ cho công tác vật lý trị liệu, kết hợp tăng gia sản xuất để tăng cường bữa ăn cho học viên không có người làm, cỏ mọc um tùm. Những công việc lao động trước đây do học viên phụ trách thì hiện nay đều do cán bộ đảm nhận. Vì vậy, hệ thống nhà cửa, cơ sở vật chất cũng bị xuống cấp rất nhanh.

Còn tại tỉnh Điện Biên, tháng 8/2014, toàn bộ 430 học viên đang cai nghiện Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục LĐXH tỉnh Điện Biên (TTCBGDLĐXH) đã được đưa về cộng đồng sau khi hết thời hạn cai nghiện bắt buộc. Thực hiện theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, năm 2014, tỉnh chưa tiếp nhận trường hợp nào. Hiện tại trung tâm chỉ còn 21 học viên cai nghiện tự nguyện, trong khi cả trung tâm có đến 73 cán bộ, nhân viên. Như vậy cứ gần 4 cán bộ quản lý 1 học viên.

Ông Lê Minh Bôn, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Điện Biên cho hay, hiện nay theo thống kê mới nhất thì Điện Biên có 9.555 người nghiện có hồ sơ quản lý. So với một địa phương kinh tế còn nhiều khó khăn thì con số người nghiện là rất đáng để quan tâm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KT-XH của tỉnh

Tỉnh Điện Biên có hai trung tâm, một trung tâm của tỉnh có diện tích 6 hecta, với sức chưa 500 học viên, còn một trung tâm của huyện Điện Biên Đông chỉ khoảng 300m2. Cũng có thời điểm như năm 2012 - 2013, Trung tâm CBGDLĐXH hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, với con số 500 người nghiện được chữa trị tại trung tâm so với con số người nghiện 9.555 thì không thấm vào đâu.

 Một khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay, theo ông Bôn, đó là thủ tục đưa người nghiện vào trung tâm theo quyết định xử phạt hành chính 221 có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trong khi đó, việc cai nghiện tại cộng đồng rất cần các cấp chính quyền, đoàn thể vào cuộc, mà đặc biệt là vai trò của các đội công tác xã hội tình nguyện, nhưng năm 2014, tỉnh mới có quyết định thành lập các đội tình nguyện và hiện nay đã có 10 đội đi vào hoạt động.

Phải chăng cai nghiện tại các trung tâm không hiệu quả?

Việc cai nghiện ma túy tập trung tại các trung tâm xưa nay là biện pháp quản lý người nghiện khả thi, nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, cũng như tạo điều kiện cho người nghiện từ bỏ ma túy. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cai nghiện tại trung tâm không hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao.

Về điều này, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh giáo dục LĐXH tỉnh Quảng Ninh khẳng định là không đúng, vì trên thực tế lại hoàn toàn trái ngược, bởi 100% người nghiện khi vào trung tâm đều cai nghiện thành công. Điều này đã được chứng minh. Tuy nhiên khi ra khỏi trung tâm trở về cộng đồng, tỷ lệ tái nghiện rất cao. Đó là trách nhiệm của gia đình, của chính quyền địa phương, của các ngành, các cấp khi chưa quản lý, hỗ trợ được người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn, việc làm và từ bỏ ma túy, chứ không hoàn toàn là trách nhiệm của trung tâm cai nghiện.

Lớp học xóa mù chữ cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục LĐXH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Chu Lương

Cũng theo ông Sơn, hiện trung tâm có diện tích 38,8 hecta, với sức chứa hơn 1.000 học viên. Tuy nhiên đến giữa tháng 11/2014, trung tâm chỉ còn lại 530 học viên. Điều đáng quan tâm là trên 68% học viên có tiền án tiền sự, trên 30% bị nhiễm HIV (trong đó có tới 70% chuyển sang giai đoạn AIDS). Người nghiện ma túy là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc các bệnh hiểm nghèo, lây nhiễm cao. Phần lớn có trình độ nhận thức, văn hóa kém. Có đến 98% đối tượng đưa vào trung tâm không có nghề nghiệp và việc làm ổn định.

Như vậy ai dám chắc rằng khi đưa số người nghiện này ra cộng đồng họ sẽ không gây nguy hiểm cho xã hội, và ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý người nghiện? - ông Sơn đặt câu hỏi.

Năm 2014, trung tâm đã mở được 6 lớp sơ cấp nghề cho 165 đối tượng, bao gồm các nghề đan lưới, làm mi mắt giả, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 18 học viên, ông Sơn cho biết.

Tại Quảng Ninh, một số địa phương làm tốt công tác quản lý sau cai trong việc trợ người sau cai nghiện trong cuộc sống về việc làm, vay vốn trong sản xuất, kinh doanh. Sau khi được tư vấn, giúp đỡ, nhiều câu lạc bộ đã đi vào hoạt động có hiệu quả, giúp được nhiều người nghiện có công ăn việc làm, vươn lên trong cuộc sống.

Tiêu biểu như CLB An Bình - Sinh Thái, TP Uông Bí, thu hút 26 người cai nghiện vào sinh hoạt. Với mô hình nuôi trồng thủy sản, lúc đầu mỗi thành viên đóng góp 10 triệu đồng để mua con giống. Đồng thời CLB còn huy động xã hội hóa 20 triệu đồng để bảo vệ môi trường sông hồ sinh thái trên 3 hecta.

CLB vượt sóng, tại huyện Vân Đồn, do anh Hoàng Văn Liên làm chủ nhiệm, có 68 thành viên, nhằm hỗ trợ nhau cai nghiện, vượt qua khó khăn ban đầu trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Các thành viên ở đây được tư vấn về giảm thiểu tác hại của ma túy, lạm dụng ma túy, nâng cao kiến thức về phòng tránh HIV/AIDS... Đặc biệt CLB còn được UBND huyện tạo điều kiện cho 100 triệu đồng mua giống tu hài, cấp 8 hecta diện tích mặt nước biển, tạo công ăn, việc làm cho nhiều người cai nghiện. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng đây là một trong những số ít mô hình thành công tại Quảng Ninh cũng như cả nước.

Còn tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục LĐXH Gia Minh, Thủy Nguyên, Hải Phòng, hiện đang kết hợp với các trường nghề để đào tạo và cấp chứng chỉ cho học viên. Hiện trung tâm Gia Minh có hai mô hình là Cộng tác viên và câu lạc bộ Kết nối thành công. Sau khi hoàn thành cai nghiện sẽ kết nối với CLB để theo dõi, kiểm soát, tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Có thể thấy việc cai nghiện tại các trung tâm vốn đã khó, việc cai nghiện tại cộng đồng còn gặp khó khăn hơn, khi hiện nay nhiều địa phương vẫn còn bỡ ngỡ, đội ngũ nhân lực còn thiếu cả về số lượng lẫn chuyên môn, nghiệp vụ.

Top