Gian nan tạo việc làm cho người sau cai nghiện

16/04/2014 10:47

Để giúp người nghiện từ bỏ ma tuý, bên cạnh việc cai nghiện thì công tác giải quyết việc làm đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề tạo việc làm cho người sau cai, giúp họ hoà nhập cộng đồng lại đang gặp không ít khó khăn.

Khó khăn tìm việc

Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng 18.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Trong năm 2013, thành phố đã đưa gần 3.000 người nghiện vào các trung tâm cai nghiện và áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú đối với hơn 1.500 người.

Đào tạo nghề cho người cai nghiện ma tuý ở Trung tâm. Ảnh minh hoạ

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, 100% học viên sau khi cắt cơn thành công đều được dạy nghề và được tạo việc làm ngày tại trung tâm cai nghiện ma tuý. Điều này vừa giúp học viên ổn định thu nhập vừa nâng cao tay nghề để sau này về cộng đồng có thể tự tìm được việc làm, ổn định đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế số người nghiện sau cai tìm được việc làm ổn định rất ít.

Anh Nguyễn Văn Chung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thời gian ở trung tâm anh đã được học nghề hàn. Khi trở về địa phương, anh cũng đã chủ động đi xin việc nhưng khi xem hồ sơ của anh các chủ doanh nghiệp đều tìm đủ lý do để trả lại. Nhiều bạn từng ở chung với anh ở Trung tâm cũng rơi vào hoàn cảnh này.

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, việc hỗ trợ việc làm cho người sau cai tái hoà nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn một phần do doanh nghiệp vẫn coi họ là đối tượng nhạy cảm nên không mấy “mặn mà” với việc tiếp nhận. Mặc khác, hầu hết những người từng nghiện ma tuý đều hạn chế về trình độ học vấn, sức khoẻ. Sau khi học nghề tại Trung tâm cai nghiện, họ vẫn chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để tìm và gắn bó với công việc. Chưa kể đến tình trạng bản thân người sau cai không có nhu cầu học nghề, một số người khi trở về lại bỏ đi khỏi địa phương gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý.

Các đoàn thể địa phương cùng vào cuộc

Tuy khó khăn là vậy, nhưng một số quận của Hà Nội đã làm tốt công tác tạo việc cho người cai nghiện. Điển hình như quận Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng…Tại đây, các đoàn thể của địa phương đã đứng ra nhận đỡ đầu người người cai nghiện vay vốn phát triển sản xuất.

Chị An Thị Hồng, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, để giúp người nghiện trên địa bàn phường tích cực từ bỏ ma tuý, từ năm 2009 đến nay, phường Minh Khai cùng các đoàn thể đã tổ chức cho các hội viên của Câu lạc bộ B93 (CLB của những người sau cai nghiện) vay vốn. Nhờ có sự giám sát của gia đình nên nguốn vốn luôn được đảm bảo

Nhiều người nghiện sau cai của phường Minh Khai có việc làm ổn định, trong đó có 7 người được chính quyền tạo điều kiện vay được 140 triệu đồng.

Anh Trần Tiến Hùng là thành viên của CLB B93 phường Minh Khai chia sẻ, sau khi cai nghiện thành công, được phường hỗ trợ cho vay vốn, anh đã mở dịch vụ giặt khô, là hơi ngay tại phường. Hiện cửa hàng của anh làm ăn rất hiệu quả.

Cũng tâm huyết với công tác giúp người cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng, phường Mai Dịch (Cầu Giấy) từ nhiều năm nay luôn là điển hình trong công tác tạo việc cho người nghiện sau cai.

Xác định không có việc làm ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện nên UBND phường Mai Dịch đã liên kết với một doanh nghiệp trên địa bàn và trường Cao đẳng nghề Hà Nội tổ chức dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho gần 20 người sau cai nghiện.

Giải pháp bền vững giúp người nghiện làm lại cuộc đời

Để có nhiều người sau cai nghiện tìm được việc làm ổn định, theo Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội các trung tâm cai nghiện cần mạnh dạn đổi mới hoạt động dạy nghề cho học viên bằng cách liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có chuyên môn để hình thành các nhóm nghề, nâng cao chất lương dạy nghề. Bên cạnh kinh phí từ ngân sách nhà nước, trung tâm cai nghiện có thể kết hợp với gia đình của học viên đóng thêm kinh phí cho hoat động đào tạo nghề của Trung tâm để khi cai nghiện xong họ có thể kiếm được việc làm phù hợp.

Mặt khác, từ năm 2006, theo quyết đinh số 212/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý được vay vốn với lãi suất cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng chính sách xã hội. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt đông sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% trở lên lực lượng lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV. Điều này giúp doanh nghiệp có thể mở rộng cửa hơn nữa đối với người sau cai nghiện.

Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người sau cai, việc hỗ trợ vốn vay, giúp họ phát triển kinh tế gia đình cũng là một trong những giải pháp bền vũng giúp người nghiện có cơ hội từ bỏ ma tuý, làm lại cuộc đời.

Theo báo cáo của Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, 20 năm qua (1994-2014) tại các Trung tâm và cộng đồng đã cai nghiện ma tuý cho 532.627 lượt người. Trong số đó đã, 100.914 lượt người sau cai nghiện ma tuý được dạy nghề và đào tạo việc làm. Đã có hàng trăm người cai nghiện thành công, hoà nhập cộng đồng, trả nghĩa cho đời bằng những việc làm có ích như trở thành tuyên truyền viên giỏi, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, tiếp nhận những người sau cai vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình, hỗ trợ những người gặp khó khăn sinh kế…

 

 

 

 

Top