Giải pháp bù đắp nguồn lực thiếu hụt trong điều trị ARV

22/05/2015 14:54

Nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh, do đó nguồn hỗ trợ điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm HIV cũng bị cắt giảm theo. Vì vậy, việc chi trả các chi phí điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế là giải pháp hàng đầu trong khi nguồn lực kinh phí bị thiếu hụt.

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông, ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trước mắt bảo hiểm y tế đang là giải pháp tài chính bền vững trong khi nguồn lực cho công tác này bị cắt giảm.

Ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi

Tính đến cuối tháng 3/2015, cả nước phát hiện khoảng 227.000 người nhiễm HIV, nhưng vẫn còn 58% số người này chưa được điều trị bằng ARV. Kinh phí trong nước dành cho việc điều trị bệnh nhân bằng thuốc ARV rất thấp, chỉ chiếm 5%, còn lại 95% từ nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR). Trong khi đó, nguồn kinh phí tài trợ này đang bị cắt giảm xuống mức thấp khiến việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS gặp khó khăn.

Chỉ 35% người nhiễm HIV điều trị ARV có bảo hiểm y tế

Theo số liệu thống kê, hiện chỉ 35% người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Những trường hợp này đang được điều trị miễn phí thông qua các chương trình, dự án. Thực tế, vẫn còn nhiều người chưa sử dụng bảo hiểm y tế, không được nhà nước hỗ trợ là do ngại công khai danh tính, vô gia cư, không có địa chỉ rõ ràng.

Bên cạnh đó, phần lớn người nhiễm HIV là người nghiện chích ma túy, người nghèo, có thu nhập thấp. Trong trường hợp người nhiễm HIV đồng chi trả thì rất dễ xảy ra trường hợp dùng thuốc không đều, dễ gián đoạn trong quá trình điều trị do không có đủ kinh phí chi trả.

Nhờ được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, số người nhiễm HIV mới và số bệnh nhân AIDS tử vong giảm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn khi các nguồn tài trợ mua thuốc ARV bị cắt giảm dần và đến năm 2017 có thể bị cắt hoàn toàn. Nhiều người lo lắng, trong một vài năm tới, việc thiếu hụt nguồn kinh phí điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng tỷ lệ bệnh nhân HIV chuyển sang AIDS do bệnh nhân nhiễm HIV không đủ khả năng điều trị kéo dài, tỷ lệ tỷ vong cao  và làm gia tăng số ca nhiễm mới…

Từ năm 2004, những người nhiễm HIV/AIDS đầu tiên ở Việt Nam đã được điều trị bằng thuốc ARV. Đây là loại thuốc có thể giảm tử vong ở người nhiễm HIV; giảm lây nhiễm qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con… Tuy nhiên, người điều trị phải được điều trị liên tục, suốt đời. Việc bỏ thuốc điều trị sẽ gây ra những hậu quả lớn, gây kháng thuốc, tăng lây truyền HIV trong cộng đồng, từ đó làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Christopher Detwiler, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam cảnh báo, có thể sau năm 2017, các nhà tài trợ sẽ rút hết viện trợ và việc này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, gián đoạn điều trị, làm tăng nguy cơ HIV kháng thuốc dẫn đến thất bại trong điều trị. Nếu không có các thuốc ARV thay thế, sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV và gia tăng số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

Nguy cơ 14.000 người nhiễm mới HIV nếu không đủ kinh phí điều trị

Ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam cho biết, Quỹ Toàn cầu và PEPFAR hiện đang hỗ trợ cho khoảng 105.000 người điều trị ARV. Do mức thu nhập trung bình của Việt Nam đã đạt mức thoát nghèo nên PEPFAR và Quỹ Toàn cầu sẽ rút dần viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hiện nay, việc mở rộng điều trị ARV vẫn tiếp tục chủ yếu từ nguồn kinh phí tài trợ. Nguồn kinh phí trong nước cho ARV thấp ở mức 1 triệu USD, nếu nguồn kinh phí trong nước cho ARV không được tăng lên, chỉ tiêu quốc gia (155 nghìn bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng ARV) sẽ chỉ thực hiện được 1/3 vào năm 2017.

Ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam - Ảnh: Thùy Chi

Theo ông Olivier Cavey, cùng với việc khó đạt được chỉ tiêu quốc gia, hậu quả dự báo trước là sẽ có khoảng từ 12.000 đến 14.000 ca nhiễm mới HIV mỗi năm do không được điều trị ARV.

Hiện tại thuốc ARV được mua bằng nguồn kinh phí trong nước với giá rất đắt, cao gấp 4 đến 8 lần so với giá thuốc ARV Quỹ Toàn cầu và PEPFAR đang mua. Vì vậy, trước mắt Quỹ Toàn cầu và PEPFAR cam kết có thể giúp Việt Nam mua thuốc với giá rẻ. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tăng mạnh kinh phí trong nước cho ARV để đáp ứng độ bao phủ cần thiết.

“Theo chương trình thì chúng tôi chỉ tài trợ đến năm 2017 thôi. Nhưng theo tôi Việt Nam vẫn có thể tiếp tục xin thêm tài trợ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong việc sử dụng thuốc ARV như thế nào. Về việc mua thuốc ARV thì PEPFAR và Quỹ Toàn cầu có thể mua với giá 190 đến 200 USD/một người/một năm”, ông Olivier Cavey nói.

Cần tiếp tục kêu gọi nguồn viện trợ

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho điều trị ARV, ông Bùi Đức Dương cho rằng, nên tăng ngân sách nhà nước. Đây là nguồn kinh phí chính có thể đáp ứng điều trị cho mọi công dân, mọi đối tượng tại cộng đồng, trong trại giam, người nghèo, vô gia cư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho công tác này. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để có thể chi trả cho thuốc ARV qua bảo hiểm y tế bao gồm: xây dựng được quỹ cho điều trị HIV bằng thuốc ARV chi trả qua bảo hiểm y tế từ các nguồn tài chính khác nhau; xây dựng được cơ chế mua sắm, phân phối thuốc ARV điều trị HIV qua hệ thống bảo hiểm y tế.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải duy trì những kết quả đã đạt được. Một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay, là thuyết phục người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, bởi Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định: Người tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế do Bộ Y tế quy định (gồm cả thuốc ARV). Với việc tham gia vào bảo hiểm y tế, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ giảm được tới 80% chi phí khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đúng tuyến. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích tạo việc làm cho các bệnh nhân nhiễm HIV, để họ có thể bảo đảm cuộc sống và duy trì điều trị lâu dài, góp phần phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Top