Đương đầu với cuộc chiến chống lại HIV/AIDS tại Việt Nam

28/11/2014 14:03

Trong năm qua, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được một số bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, vẫn cần những hành động quyết liệt hơn khi nhiều người hiện đang chung sống với HIV.

 

HIV/AIDS - cuộc khủng hoảng toàn cầu

Vào năm 1981, tại Los Angeles, Hoa Kỳ, người ta đã phát hiện ra một bệnh lạ trên 5 người đàn ông đồng tính luyến ái. Chính vì vậy, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cùng với Viện Pa-xtơ Pa-ri (Pasteur Paris) và nhiều viện nghiên cứu khác đã tiến hành các nghiên cứu và xác định loại bệnh trên là do vi-rút làm suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV).

Trong thập niên 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dịch HIV/AIDS lan truyền ra hầu khắp các quốc gia và các châu lục nhưng nặng nề nhất là tại khu vực cận sa mạc Sa-ha-ra, châu Phi. Hơn 70% các ca nhiễm HIV trên thế giới tập trung ở khu vực này. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ thứ 21, dịch HIV/AIDS đang chuyển dần trọng điểm từ châu Phi sang châu Á.

Theo dự báo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trong những năm đầu thế kỷ 21, dịch sẽ bùng nổ mạnh mẽ tại khu vực này, đặc biệt là các nước Nam Á, Đông Nam Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Cam-pu-chia, In-đô-nê-si-a, Việt Nam... Dịch bệnh đang diễn ra rất khác nhau giữa các nước, nhưng mối đe dọa ngày càng tăng lên rõ rệt.

Nhận thức HIV/AIDS là một vấn nạn của toàn cầu, các đáp ứng khẩn thiết với dịch đã được đưa ra tại các phiên họp của Liên Hợp Quốc, các Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu. Từ năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã coi HIV/AIDS là một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến an ninh của loài người.

Với “Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS” tại khóa họp đặc biệt lần thứ 21 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào tháng 6/2001, các giải pháp về tăng cường nguồn lực, về chăm sóc, điều trị, về luật pháp, về huy động cộng đồng cho công cuộc phòng, chống AIDS đã được tăng cường ở cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực và quốc tế.

UNAIDS cũng đã điều phối các quốc gia liên kết và hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống lại dịch HIV/AIDS. Hàng loạt các tổ chức chính phủ, phi chính phủ đã triển khai các hoạt động chăm sóc, dự phòng nhằm giảm thiểu đến mức tối đa tác hại của dịch HIV/AIDS lên toàn cầu.

Nhờ sự nỗ lực tích cực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS hơn một thập kỷ qua, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này đã tạo nên sự biến đổi tích cực của đại dịch.

Ngày 16/7/2014, Liên Hợp Quốc đã thông báo số ca lây nhiễm vi-rút HIV mới và tử vong vì bệnh AIDS trên toàn cầu đã giảm hơn 1/3 trong thập kỷ qua, làm dấy lên hy vọng có thể loại bỏ được căn bệnh thế kỷ này trong hai thập niên tới.

UNAIDS cho biết, số ca tử vong liên quan đến căn bệnh này giảm từ 1,7 triệu người trong năm 2012 xuống 1,5 triệu người trong năm 2013. Đây là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khi tỷ lệ người chết vì AIDS lên đến đỉnh điểm trong các năm 2004 - 2005.

Bên cạnh đó, số ca lây nhiễm mới cũng giảm xuống 2 triệu ca trong năm 2013, giảm 38% so với mức trên 3 triệu ca trong năm 2011.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay có 35 triệu người đang sống chung với vi-rút HIV trên toàn cầu, trong số này 19 triệu người không biết mình đang nhiễm HIV. Châu Phi vẫn là nơi chịu tác động mạnh nhất với 1,1 triệu trường hợp tử vong vì AIDS mỗi năm. Châu lục này phát hiện 1,5 triệu ca lây nhiễm mới và gần 25 triệu người sống chung với vi-rút HIV. Đáng chú ý nhất là Nam Phi, tiếp đến là Ni-giê-ri-a. Ở châu Á, mối lo ngại tập trung vào Ấn Độ và In-đô-nê-si-a với số ca lây nhiễm ở In-đô-nê-si-a tăng 48% kể từ năm 2005.

Tuy nhiên, theo ông Michel Sidibé - người đứng đầu UNAIDS, nhìn chung trong năm qua thế giới đã đạt được bước tiến quan trọng như tăng số người được sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV ARV  lên gần 13 triệu người so với mức hơn 5 triệu người trong năm 2009. Như vậy, thế giới vẫn cần những hành động quyết liệt khi vẫn còn 35 triệu người đang chung sống với HIV bởi những gặt hái trong 5 năm tới sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của nhân loại 15 năm sau đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này đối với người đồng tính, người chuyển giới, tù nhân, người tiêm chích ma túy và người làm nghề mại dâm. Các đối tượng này chiếm khoảng một nửa số ca lây nhiễm mới trên toàn thế giới.

Trong khi đó, nguồn kinh phí cho cuộc chiến chống HIV/AIDS đã tăng từ khoảng 4 tỷ USD năm 2002 lên trên 19 tỷ USD vào năm 2013. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc khó có thể huy động được 22 - 24 tỷ USD vào năm 2015 vì các lý do khủng hoảng kinh tế, các cuộc chiến tranh khu vực và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác.

Vì vậy, mục tiêu “Ba không: không còn nhiễm HIV mới, không còn chết vì AIDS và không còn sự kỳ thi phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vào năm 2030” sẽ không trở thành hiện thực nếu như không có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia, sự giảm sút về nguồn kinh phí chống AIDS và sự lơ là đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS không được cải thiện.  

Đương đầu với HIV/AIDS tại Việt Nam

Mặc dù HIV/AIDS phát hiện ở Việt Nam muộn hơn (tháng 12/1990) so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Cam-pu-chia. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 31/3/2014, cả nước phát hiện 218.204 người nhiễm HIV đang sống, trong đó 67.259 người ở giai đoạn AIDS và kể từ đầu vụ dịch đến nay có 69.287 người đã tử vong do AIDS.

Qua các số liệu giám sát cho thấy, dịch HIV/AIDS đã xuất  hiện ở 100% tỉnh, thành phố. Từ năm 1998 đến nay đã có 98% số quận, huyện, thị xã và 78% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV được báo cáo.

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung trong các nhóm nguy cơ cao, với tỷ lệ hiện nhiễm cao trong các nhóm tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, khách mua dâm, và nam quan hệ tình dục đồng giới. Mối liên hệ qua lại giữa các nhóm nguy cơ cao, bao gồm việc dùng chung dụng cụ tiêm chích và tình dục không an toàn, nhất là trong đối tượng nam thanh niên tiếp tục là nguyên nhân gia tăng của dịch HIV tại Việt Nam.

Cho dù hiện nay dịch HIV/AIDS ở Việt Nam có xu hướng chững lại, không tăng nhanh như các năm trước đây, do thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại có hiệu quả nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ, bởi dịch HIV/AIDS đã và đang từng bước lan từ nhóm có hành vi nguy cơ cao ra các cộng đồng dân cư khác, như học sinh, sinh viên, công nhân lao động, công chức, người làm nghề tự do.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố 100% số xã, phường đã phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Nhiễm HIV không chỉ còn khu trú ở khu vực đô thị mà đã lan rộng ra khu vực ít giao lưu như những vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây chính là vấn đề cấp bách cần sớm được quan tâm giải quyết.

Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, là khu vực đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ, theo chiều hướng dịch chuyển của đại dịch HIV/AIDS trên thế giới. Vấn đề di dân ngày càng phát triển và trở nên phức tạp, tình hình không ngăn chặn được việc buôn bán và sử dụng ma túy đã tạo nguy cơ lan truyền HIV/AIDS giữa các địa phương trong từng nước, cũng như lan truyền qua biên giới giữa các nước.

Những giá trị mới đang hình thành trong nền kinh tế thị trường, cùng với sự thay đổi nhận thức về lối sống, quan niệm về tình bạn, tình yêu, tình dục, hôn nhân và gia đình của lớp trẻ hiện nay cũng là những yếu tố góp phần làm tăng thêm những khó khăn, phức tạp của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Một loạt các chính sách và các biện pháp mạnh mẽ, toàn diện ra đời của Chính phủ Việt Nam đã góp phần làm chậm lại quá trình phát triển dịch trong những năm qua.

Ứng phó với dịch HIV/AIDS của Việt Nam được nhìn nhận ở việc cam kết chính trị mạnh mẽ, xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng chiến lược phòng, chống và đầu tư kinh phí. Việt Nam cũng là một trong các quốc gia mà việc lãnh đạo, trao quyền và thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS được tiến hành mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống AIDS trên phạm vi toàn cầu.

Huy động toàn xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS

Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã được Nhà nước Việt Nam chú trọng ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Trong lịch sử, chưa có loại dịch bệnh nào mà khiến cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt như HIV/AIDS; cũng chưa có dịch bệnh nào mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải ban hành các văn bản có tính pháp lý cao nhất để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện như HIV/AIDS.

Để lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS, ngay từ năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TƯ về việc "Lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS". Sau khi đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 52, ngày 30/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 54-CT/TƯ về việc "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới".

Ngày 31/5/1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh “Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS, ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật “Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”, và Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007.

Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010, tầm nhìn 2020 xác định mục tiêu chung là: “Khống chế tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010, giảm tác hại của HIV/ AIDS đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Để thực hiện mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể, Chiến lược quốc gia đề ra hệ thống các giải pháp xã hội và các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật y tế và hệ thống các chương trình quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Nghị định này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị đặc hiệu HIV, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi, người nhiễm HIV không nơi nương tựa.

Cùng với những văn bản nêu trên, hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được các cơ quan có thẩm quyền (như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính...) ban hành đã thể hiện sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các địa phương trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của đất nước.

Chỉ thị số 54-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Phòng, chống AIDS và Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng như Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ ký, ban hành vào ngày 25/5/2012, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Nó thể hiện sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện cam kết phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu, đồng thời là cơ sở định hướng và hành lang pháp lý quan trọng để huy động toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt, các văn bản này đã coi các giải pháp xã hội là các giải pháp có ý nghĩa dự phòng tích cực và hữu hiệu. Trong các giải pháp đó thì sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS giữ vị trí tiên quyết.

Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các chế độ chính sách phù hợp là biện pháp xã hội nhằm tạo dựng hành lang pháp lý thích hợp cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Coi trọng sự phối hợp đa ngành trong phòng, chống AIDS nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác này. Sự phối hợp đa ngành vừa thể hiện trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, mặt khác cũng góp phần làm tăng thêm nguồn nhân lực, tài lực để đương đầu với dịch bệnh này.

Mặc dù tình trạng kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nghiêm trọng và phổ biến ở nhiều nơi. Chính do sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội cùng với sự tự kỳ thị của bản thân người nhiễm đã làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS, hạn chế sự chăm sóc, hỗ trợ của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, trẻ em là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do sự kỳ thị và phân biệt đối xử gây ra. Nhằm giảm thiểu tác hại của dịch HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam cam kết mở rộng các hoạt động điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. 

Những vấn đề về HIV/AIDS đang đặt ra

Những năm gần đây, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở nước ta có giảm so với cách đây 5, 10 năm, nhưng dịch HIV/AIDS đã xảy ra rộng khắp ở tất cả các địa bàn, 100% số tỉnh, 98% số quận/huyện và 78% số xã/phương. Có những xã, thôn bản có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao gấp trên 10 lần so với trung bình toàn quốc, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi người dân còn có hiểu biết hạn chế và dịch vụ, nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh  đó, hiện nay một số hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS đang có những thay đổi theo hướng phức tạp và khó kiểm soát, can thiệp. Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng, cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư, bao gồm cả những nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp. Gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp trong các nguy cơ cao gồm gái mại dâm và người quan hệ tình dục đồng giới nam dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm này và bạn tình của họ.

Hơn nữa, kinh  phí  cho  phòng,  chống  HIV/AIDS  hiện đang bị cắt giảm mạnh. Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Một số nhà tài trợ khác cũng đang giảm nhanh quy mô (Quỹ  Toàn  cầu  quốc tế - Liên Hợp Quốc viện  trợ  đến  hết  2016,  PEPFAR  viện  trợ  đến  hết  2018). Nguồn Chương trình  Mục tiêu quốc gia  cho phòng, chống HIV/AIDS cũng cắt giảm từ 245 tỷ năm 2013 xuống còn 83 tỷ năm 2014. Trong khi nguồn lực suy giảm thì các chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS được giao ngày càng tăn  cao  (điều  trị  ARV tăng  từ  84.000  lên  105.000  bệnh  nhân,  điều  trị Methadone  tăng từ 21.000 lên 80.000 người  vào năm 2015).

Vì vậy, nếu không đủ kinh phí, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trong dự phòng và điều trị. Từ đó dẫn đến nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại, tỷ lệ kháng thuốc cao và chi phí điều trị cũng sẽ tăng cao nhiều lần so với hiện nay.
Top