Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Hiệu quả cao với tính nhân văn sâu sắc

23/06/2017 15:16

Vì hiệu quả cao và tính nhân văn sâu sắc, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được các địa phương quan tâm triển khai trên phạm vi cả nước, từ việc truyền thông để tăng hiểu biết của người dân đến cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị chăm sóc cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ.

Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông-Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có bài phỏng vấn TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về kết quả của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Thời gian qua, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã đem lại hiệu quả cao, xin ông cho biết cụ thể hơn về kết quả này?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Như các bạn biết, hiệu quả của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất cao và nếu người mẹ được điều trị bằng thuốc ARV sớm thì sẽ có trên 98 trong số 100 trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV. Ngược lại, nếu người mẹ không được điều trị ARV, hoặc điều trị ngắt quãng thì sẽ chỉ có 55 đến 70 trẻ không bị nhiễm HIV.

Chính vì hiệu quả cao và tính nhân văn sâu sắc, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được các địa phương quan tâm triển khai trên phạm vi cả nước, từ việc truyền thông để tăng hiểu biết của người dân đến cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị, chăm sóc cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ. Ngay từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sau gần 10 năm tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong nhóm trẻ làm xét nghiệm chẩn đoán sớm trong vòng 2 tháng sau sinh chỉ dưới 3%.

Hiện nay, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã có nhiều tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, tuy nhiên vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Những tồn tại hạn chế này là gì, thưa ông? 

Ông Hoàng Đình Cảnh: Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới như: Điều trị ngay bằng thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV không phụ thuộc vào tuổi thai và giai đoạn lâm sàng, miễn dịch của mẹ. Dùng thuốc viên kết hợp, uống ngày 1 viên nên tăng sự tuân thủ điều trị của phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Sau nhiều năm tích cực truyền thông, nhận thức của người dân, các cấp chính quyền và đặc biệt là phụ nữ mang thai đã tăng lên, tiếp cận dịch vụ sớm hơn, dẫn đến kết quả dự phòng ngày một nâng lên.

Tuy nhiên, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn còn khó khăn như: Thiếu nguồn lực cho xét nghiệm sàng lọc 100% phụ nữ mang thai, công tác tư vấn chưa được cán bộ y tế quan tâm đúng mức, việc chuyển tiếp giữa cơ sở sản và cơ sở điều trị HIV/AIDS chưa thực sự chặt chẽ vì vậy tình trạng mất theo dõi vẫn xảy ra, tỷ lệ xét nghiệm HIV muộn lúc chuyển dạ còn cao, khó theo dõi trẻ đến 18 tháng tuổi…

Khuyến cáo của WHO là cần xét nghiệm HIV cho 100% phụ nữ mang thai ngay cả khi tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai là 0,01% vì đây vẫn là một chi phí hiệu quả. Tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai tại Việt Nam hiện nay là 0,1%. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2020.

Việc cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV cho phụ nữ mang thai qua BHYT hiện rất khó thực hiện được vì do không đồng nhất văn bản hướng dẫn. Theo quy định tại Thông tư 15: Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả.

Theo quy định tại Thông tư 01 về xét nghiệm HIV trong cơ sở thì để phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV được BHYT chi trả, cần phải ghi nguy cơ lây truyền vào Phiếu đồng ý xét nghiệm. Vì lý do này nên việc cung cấp xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai qua BHYT rất khó thực hiện vì rất khó khai thác tiền sử nguy cơ nhiễm HIV của một người phụ nữ đang có thai.

Đây là thực tế về khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chương trình. Vì để khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực Chính phủ đã xác định bảo hiểm y tế là nguồn thay thế viện trợ.

Thời gian tới, cán bộ y tế cần chú trọng công tác tư vấn, sàng lọc đối tượng để chỉ định xét nghiệm HIV đúng đối tượng. Thiết lập hệ thống hỗ trợ điều trị để theo dõi, chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm một cách chặt chẽ để thực hiện đầy đủ quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho trẻ phơi nhiễm.

Năm nay, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản lồng ghép cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo các nội dung được quy định tại Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ". Xin ông cho biết rõ hơn hình thức và lợi ích từ việc lồng ghép này?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động từ truyền thông, dự phòng đến cung cấp dịch vụ điều trị, chăm sóc cho mẹ và con ở cơ sở y tế các tuyến thông qua quy chế phối hợp. Từ quy chế phối hợp này, chức năng, nhiệm vụ của các bên đã được xác định rõ và triển khai một cách thống nhất, hiệu quả. Các hướng dẫn chuyên môn đều phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Việc lồng ghép cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản giúp tư vấn xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV sớm hơn, việc điều trị và chăm sóc, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tốt hơn.

Xin ông cho biết, ngành y tế tập trung triển khai những hoạt động gì nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Bộ Y tế đã tham mưu Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ban hành công văn chỉ đạo địa phương và các bộ ngành triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2017. Theo đó, hướng dẫn chi tiết các hoạt động truyền thông, dự phòng, xét nghiệm, cung cấp dịch vụ điều trị, chăm sóc liên quan đến dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đồng thời, đưa ra các thông điệp truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách toàn diện. Ngành y tế đề nghị địa phương tập trung nguồn lực để xét nghiệm chẩn đoán phụ nữ mang thai và tăng cường công tác kết nối dịch vụ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top