Điều trị methadone cho phạm nhân – Một chính sách “nhân đạo”

01/04/2014 13:49

Việc triển khai thực hiện điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone trong các trại giam, tạm giam và trường giáo dưỡng sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế xã hội, đồng thời thể hiện chính sách “nhân đạo” của Đảng và Nhà nước.

Điều trị methdone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa

Hơn 15.500 người đang được điều trị methadone

Ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến năm 2013, cả nước có gần 181.400 người nghiện có hồ sơ quản lí, trong đó 33.200 người được điều trị cai nghiện tại các trung tâm, ước tính có khoảng 30.000 người nghiện đang được quản lí trong các trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dưỡng do vi phạm pháp luật.

Số liệu điều tra cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 6.000 người nghiện ma túy. Gần 14.110 người đang cai nghiện tại các trung tâm giáo dưỡng thì có 25,72% cho biết sử dụng heroin, 13,65% sử dụng ma túy tổng hợp là chủ yếu. Lứa tuổi tương đối đa dạng, trong đó thanh niên chiếm tỷ lệ cao. Dự báo xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo TS. Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện toàn quốc có hơn 15.540 người đang được điều trị methadone, việc điều trị nghiện bằng methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, giảm số người sử dụng ma túy xuống còn 15,87%/năm giúp giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm hành vi vi phạm pháp luật từ 40,8% xuống 1,34%/năm, giảm xung đột trong gia đình người bệnh từ 90,36% xuống 2,27%/năm, gia tăng tỷ lệ bệnh nhân có việc làm từ 64,04% lên 75,9%/năm.

Ngoài ra, điều trị methadone cho người nghiện cũng là một giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng có nhiều ưu điểm như giá rẻ, dễ kiểm soát. Hiệu quả kinh tế của điều trị methadone đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và đưa ra kết luận: Với 1 USD chi cho chương trình methadone sẽ tiết kiệm được 7 USD chi cho các vấn đề khác phát sinh như các về vấn đề pháp luật, y tế.

TS. Phạm Đức Mạnh cho rằng việc điều trị methadone trong các trại giam là rất cần thiết. Qua đó sẽ làm giảm việc sử dụng chất gây nghiện bất hợp pháp, giảm hành vi tiêm chích, giảm sử dụng chung bơm kim tiêm giữa các phạm nhân, qua đó giảm sự lây truyền các bệnh lây nhiễm qua đường máu. Điều trị methadone cho các phạm nhân cũng có thể làm giảm nguy cơ quá liều ở các phạm nhân sau khi ra trại, qua đó làm giảm khả năng tái phạm tội.

Đồng quan điểm với TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho rằng, việc điều trị cho người nghiện trong trại giam, tạm giam và trường giáo dưỡng là rất quan trọng, thể hiện chính sách “nhân đạo” trong nhân quyền. Theo ông Hiền, để triển khai tốt Nghị định 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ về điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong các trại giam, trại tạm giam, trường giáo dưỡng nên lưu ý đánh giá về tình hình sử dụng ma túy trong trại giam; đảm bảo duy trì được lượng thuốc điều trị cho người nghiện trong trại giam; đảm bảo tư vấn ổn định tâm lý cho học viên trong quá trình điều trị; lập kế hoạch phối hợp chuyển tiếp duy trì điều trị cho trại viên khi mãn hạn tù.

Mô hình mang tính khả thi cao

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Dẫn - Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an, việc triển khai điều trị methadone tại các trại giam mang tính khả thi cao, thể hiện chính sách “nhân đạo” của Đảng và Nhà nước, quyền bình đẳng của phạm nhân. Tuy họ là tội phạm nhưng họ vẫn có quyền của công dân, có quyền khám và chữa bệnh. Nghiện cũng được coi là một bệnh, nên những phạm nhân đang được điều trị methadone sẽ tiếp tục được điều trị trong trại giam.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mô hình điều trị methadone trong trại giam, tạm giam, trường giáo dưỡng và đạt hiệu quả rất cao. Ngoài những nước như Úc, Anh, Canada, Mỹ…, tại các nước trong khu vực châu Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã triển khai mô hình này.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Dẫn cho biết, Cục Y tế, Bộ Công An đã phối hợp với Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng methadone trong trại giam, tạm giam. Đây không phải là đề án mà chỉ là kế hoạch phối hợp nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực, con người, địa điểm để triển khai thí điểm. Hiện kế hoạch đã được Bộ Công an đồng ý, phê duyệt về chủ trương và đang chuẩn bị trình lãnh đạo các cấp phê duyệt.

Dự kiến trong năm 2014 – 2015 sẽ thực hiện thí điểm điều trị methadone trong 5 trại giam như Thủ Đức, Phú Sơn, Ninh Khánh hoặc một số trại tạm giam Công an Hà Nội hoặc trại tạm giam Chí Hòa, TP. HCM… Tối thiểu trong năm 2014 sẽ triển khai thí điểm được 2 trại, sau đó các ngành chức năng sẽ đưa ra những kết quả, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để triển khai, mở rộng mô hình ra cộng đồng.

Việc triển khai thí điểm điều trị methadone cho các phạm nhân trong các trại giam sẽ khó tránh khỏi những khó khăn trong giai đoạn đầu. Khó khăn trước mắt là cán bộ y tế Công an chưa được đào tạo về điều trị methadone. Trại giam không phải là cơ sở điều trị, chỉ là cơ sở cấp phát thuốc. Vì vậy, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh cần phải phối hợp với các trại giam để điều trị methadone cho phạm nhân đề đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, các vấn đề về cơ chế, hoàn chỉnh văn bản pháp quy cũng cần giải quyết. Trước đây, khi bắt đầu triển khai điều trị ARV, lúc đầu cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, sau này qua điều tra, thí điểm thì điều trị đã đem lại hiệu quả, kết quả rất tốt. Việc điều trị methadone cũng vậy, bước đầu sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhưng trong tương lai nó sẽ mang tính tích cực và hiệu quả cao.

Trung tá Lê Thế Tý, Phó Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết, hiện trại đang giam giữ thường xuyên trên hàng chục nghìn phạm nhân. Số phạm nhân liên quan đến ma túy, bệnh HIV... chiếm khoảng 35%. Quý 1/2014, trong số 987 phạm nhân mới nhập trại, có đến 175 phạm nhân nghiện ma tuý. Phạm nhân nghiện ma tuý trong trại hầu hết là thành phần tái nghiện nên gây khó khăn cho công tác quản lí và điều trị. Việc triển khai điều trị methadone cho phạm nhân sẽ tạo bước đột phá trong công tác cai nghiện, góp phần giảm thiểu những hệ luỵ của ma tuý.

Cùng quan điểm, Đại tá Bùi Ngọc Bình, Giám thị Trại tạm giam số 1 Hà Nội cho rằng, việc triển khai điều trị methadone trong trại giam, tạm giam và trường giáo dưỡng là tư duy vĩ mô và chiến lược. Hiện trại tạm giam số 1 Hà Nội đang quản lí số đối tượng phạm tội về ma túy chiếm 30,6%. Trong năm 2013, trại đã tiếp nhận, điều trị cho 26 đối tượng vào trại trong tình trạng vật ma túy nặng.

Về phía Trại giam Phú Sơn 4, Đại tá Lương Văn Đạo, Phó Giám thị cũng khẳng định, việc điều trị thay thế ma tuý bằng methadone là phù hợp với tình hình hiện nay, sau khi nhiều biện pháp khác đều không đạt hiệu quả như mong muốn. Trại Phú Sơn 4 hiện có tỉ lệ phạm nhân phạm các tội về ma túy chiếm 60-70%. Một số phạm nhân đã móc nối với bên ngoài tìm cách đưa ma túy vào trại giam. Trong năm 2013, qua kiểm tra đột xuất, bất ngờ tại các buồng giam, trại đã phát hiện 12 vụ tàng trữ ma túy, đã xử lí kỉ luật trên 40 phạm nhân khi kiểm tra có dấu hiệu dương tính với chất ma túy.
Top