Điều trị Methadone: Cần hiểu rõ lợi ích của chương trình

01/01/2018 09:27

Ngành y tế đang tiếp tục nỗ lực triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ về ma túy tổng hợp.

Để hiểu rõ hơn về những thách thức và định hướng của công tác này trong thời gian tới, Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh Thùy Chi

Xin ông cho biết, khó khăn và thách thức của công tác điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone hiện nay?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long: Nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang liên tục cắt giảm, bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, làm ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân lực và kinh phí. Tuyên truyền về Methadone chưa sâu rộng, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, vẫn còn những thông tin trái chiều về chương trình.

Hiện nay, việc tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp, cũng như sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy là khó khăn rất lớn. Tăng số lượng bệnh nhân tham gia điều trị Methadone sử dụng thêm ma túy khác dẫn đến bị bắt đi cai nghiện bắt buộc gia tăng. Nhiều địa phương mở rộng các hình thức cái nghiện khác nhau nên người nghiện có nhiều lựa chọn trong điều trị.

Điều trị Methadone là điều trị lâu dài và phải đến uống thuốc hàng ngày do đó có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân đã bỏ điều trị. Tình trạng bỏ trị theo thời gian có chiều hướng gia tăng, trong đó bỏ không rõ lý do, bỏ do khoảng cách xa, một số tỉnh miền núi do giao thông đi lại khó khăn, bị bắt giam, tự nguyện xin dừng điều trị, chuyển cơ sở, bị đưa vào cơ sở cai nghiện là những nguyên nhân chính...

Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã/phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi.  Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác như Suboxone-buprenorphin/naloxone.

Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn; hỗ trợ công tác triển khai điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ. Đặc biệt, ngành Y tế hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị.

Hiện nay, vẫn còn một số ý kiến, quan điểm trái chiều về điều trị Methadone, theo ông cần phải làm gì để có thể đồng nhất quan điểm này?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone có cần thiết nữa hay không cần nhìn vào nhiều khía cạnh. Hiện nay, thực trạng sử dụng ma túy hiện nay. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, tính đến cuối năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, trong đó nghiện ma túy tổng hợp là 20.778 người, chỉ chiếm 9,8%. Trong khi đó người nghiện các chất dạng thuốc phiện là 159.844 người, chiếm tới 75,8% (trong đó heroin: 154.102 người (73,1%) và thuốc phiện: 5.742 người (2,7%)). Còn lại là các loại ma túy khác như cần sa: 3.418 người; cocaine: 238 người; sử dụng nhiều loại ma túy: 4.219 người (2%).

Như vậy, nếu xét trên toàn quốc số liệu báo cáo cho thấy nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn chiếm chủ yếu với gần 76%. Tuy nhiên, chúng ta không loại trừ tình huống có thể ở một nơi nào đó, trong nhóm nào đó, trong thời điểm nào đó thì số nghiện ma túy tổng hợp chiếm chủ yếu. Do vậy, các đánh giá về tình hình nghiện ma túy cần thông tin hết sức cụ thể để bảo đảm phản ánh đúng thực trạng tình hình nghiện ma túy trên địa bàn.

Mặt khác, vì nhiều lý do dẫn đến tình trạng người nghiện ma túy thường lẩn trốn, lén lút sử dụng và phần lớn không tự khai báo tình trạng nghiện theo qui định tại Điều 26 của Luật Phòng chống ma túy, chỉ khi họ bị bắt quả tang là có sử dụng ma túy trái phép mới có hồ sơ quản lý. Do vậy, con số hơn 210 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý được báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số thực tế về người nghiện ma túy còn lớn hơn nhiều và trong đó số nghiện heroine, nghiện thuốc phiện cũng lớn hơn so với số liệu được báo cáo.

Toàn quốc hiện nay có khoảng 52.000 người đang được điều trị bằng thuốc Methadone. Như vậy có khoảng 33% số người nghiện chất dạng thuốc phiện đang được điều trị. Việc tiếp cận điều trị rất khó khăn tại các tỉnh miền núi, là các tỉnh trọng điểm về ma túy.  Các cơ sở điều trị chủ yếu nằm ở tuyến quận/huyện, trong khi nhiều địa phương miền núi khoảng cách từ nhà đến huyện lên tới hơn 60 km, rất khó tiếp cạn với dịch vụ điều trị methadone nói riêng và các dịch vụ khám, chữa bệnh khác nói chung.

Bản chất khoa học nghiện thì nghiện chất dạng thuốc phiện là bệnh não, mãn tính, tái phát, cần được điều trị lâu dài. Có thể trong cuộc sống của người nghiện, lúc nào đó không còn tham gia điều trị vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng do dây là bệnh mãn tính, tái phát nên họ có thể sử dụng lại chất dạng thuốc phiện nên khi bệnh tái phát cần quay lại điều trị ngay. Do đó, tính sẵn có của cơ sở điều trị Methadone là cần thiết cho người nghiện khi họ có nhu cầu điều trị.

Hiệu quả của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đã được chứng minh từ năm 1960 đến nay ở 80 quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam. Bên cạnh đấy, nếu bệnh nhân đang điều trị Methadone, sử dụng thêm ma túy tổng hợp thì sẽ được các cán bộ y tế tại cơ sở điều trị tư vấn và phân loại để có các biện pháp can thiệp phù hợp.

Qua các lý do phân tích ở trên có thể thấy cần tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nhấn mạnh kết quả, hiệu quả để đồng nhất các quan điểm của công tác này.

Vẫn còn một số người nghi ngờ về tính hiệu quả của thuốc thay thế Methadone, ông có ý kiến gì về nhận xét này?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giúp dừng hoặc giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp. Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, khi vào cơ thể Methadone chiếm chỗ các thụ cảm thể do đó tranh chấp vị trí gắn kết thụ cảm thể với heroin và khóa các tác dụng của heroin.

Nghiên cứu ở 6 chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ tiêm chích ma túy giảm từ 100% tại thời điểm bắt đầu điều trị xuống 28,9% sau 4 năm điều trị.

Việc giảm tỷ lệ tiêm chích ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu như HIV, Viêm gan B, C. Tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, người bệnh sẽ được cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ như tình dục an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm, đối với người bệnh có HIV dương tính sẽ được giới thiệu chuyển gửi và điều trị sớm giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác.

Methadone cạnh tranh và khóa tác động của heroin tại các thụ cảm thể do đó hạn chế việc người bệnh dùng quá liều heroin. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, với liều Methadone trên 60 mg điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện có tác dụng bảo vệ, giảm tử vong do quá liều khi dùng thêm heroin. Phải dùng liều heroin rất lớn (hơn nhiều lần so với bình thường) mới gây hiện tượng quá liều.

Ngoài ra, còn cải thiện chức năng gia đình và tình trạng kinh tế. Người bệnh khi tham gia điều trị Methadone sẽ giảm dần và tiến tới không còn lệ thuộc vào ma túy, người bệnh dần phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống, tham gia vào các hoạt động lành mạnh khác, tái hòa nhập cộng đồng.

Tham gia điều trị bằng Methadone giúp làm giảm đáng kể chi phí đối với các gia đình có người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Nếu trước điều trị chỉ có 64,04% người bệnh có việc làm thì sau 24 tháng điều trị đã có 75,9% người bệnh có việc làm. Thu nhập của gia đình người bệnh cũng tăng theo thời gian từ 2,6 triệu đồng/tháng sau 6 tháng điều trị lên đến 3,2 triệu đồng/tháng sau 24 tháng điều trị do người bệnh có thể đi làm bình thường.

Không chỉ có những hiệu quả như trên, điều trị Methadone còn giúp giảm tội phạm liên quan đến ma túy. Người nghiện dừng và giảm sử dụng heroin, từ đó giảm các hành vi phạm pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng heroin.

Tình hình trật tự, an ninh xã hội và an toàn của cộng đồng nơi có người nghiện ma túy cũng được cải thiện (tỷ lệ người bệnh tự báo cáo có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng điều trị). Theo báo cáo của Công an quận Lê Chân, Hải Phòng, sau 6 tháng triển khai chương trình điều trị Methadone, số vụ trộm cắp vặt liên quan đến người nghiện ma túy tại khu vực Bệnh viện Việt Tiệp giảm 60-70%, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy khu vực chợ Sắt giảm hơn 70%.

Ngoài Methadone, Bộ Y tế hiện đang thí điểm điều trị nghiện bằng một số các loại thuốc gì khác, thưa ông? So với Methadone thì loại thuốc này có ưu điểm hạn chế gì?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long: Bên cạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine (với hai dạng hoạt chất khác nhau là dạng kết hợp và dạng đơn thuần).

Từ năm 2015, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Suboxone đã được triển khai thí điểm tại TPHCM và năm 2016 được triển khai tại Hà Nội trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y Hà Nội.

Điều trị bằng thuốc Buprenorphine có một số ưu điểm so với Methadone là, Buprenorphine là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện do đó sử dụng Buprenorphine để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện có tác dụng tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn do Buprenorphine có tác dụng gây ngủ, giảm đau nhưng không gây tăng dung nạp và không gây khoái cảm.

Thời gian bán hủy của Buprenorphine kéo dài (từ 20-73h) nên kéo dài thời gian tác dụng của thuốc, điều này giúp người bệnh chỉ cần uống thuốc 3-4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho 1 tuần. Tác dụng kéo dài nên thuốc hầu như không gây tăng dung nạp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top