Đánh trúng các ổ nhóm ma tuý ngay từ bên kia biên giới

02/02/2019 11:07

Trong những năm qua, việc mua bán, vận chuyển ma túy trên các tuyến biên giới ngày càng diễn biến phức tạp. Ở ngoại biên, tồn tại nhiều đối tụ điểm tập kết ma tuý số lượng lớn, các đối tượng tổ chức nhiều tuyến vận chuyển ma túy qua Lào và Campuchia vào Việt Nam. Ở nội biên, các đối tượng ở khu vực biên giới và nội địa tăng cường móc nối với đối tượng ở ngoại biên thiết lập các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới với quy mô, số lượng lớn vào Việt Nam và đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Năm 2018 được xem là một năm thành công trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của lực lượng BĐBP. Nhiều chuyên án, được xác lập và tổ chức triệt phá thành công, nhất là các chuyên án về ma túy xuyên quốc gia; bắt nhiều đối tượng cầm đầu, thu giữ một số lượng lớn ma túy... là những nét nổi bật của lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy BĐBP.

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng chống ma tuý của lực lượng biên phòng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

 Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Hoàng Anh

PV: Được biết, sát biên giới Việt Nam, tồn tại nhiều tụ điểm tập kết ma tuý số lượng lớn, các đối tượng tổ chức nhiều tuyến vận chuyển ma túy qua Lào và Campuchia vào Việt Nam, khiến cho tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Xin ông có thể cho biết rõ hơn tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới trong năm qua?

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: Đúng như vậy, trong năm 2018, tình hình tội phạm ma tuý của nước ta nói chung và ở biên giới nói riêng diễn biến hết sức phức tạp.

Do áp lực rất lớn của tình hình ma tuý trên thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma tuý lớn thứ 2 thế giới với sản lượng ma tuý khổng lồ đã phát sinh nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, liên châu lục. Đây chính là sức ép rất lớn đối với công tác phòng, chống ma tuý của nước ta.

Trên tuyến biên giới Việt-Lào, các tổ chức ma tuý mang tính chất quốc tế vận chuyển ma tuý từ “Tam giác vàng” vào Bắc Lào, sau đó tập kết tại các tụ điểm sát biên giới Việt Nam, tìm cách móc nối với các đối tượng Việt Nam để chờ thời cơ vận chuyển vào Việt Nam. Có những nơi, có thời điểm, các đối tượng tổ chức thành toán, nhóm vận chuyển ma tuý chuyên nghiệp, có vũ trang, lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, để hoạt động gây sức ép rất lớn đối với khu vực biên giới. Trên tuyến Việt-Lào, lực lượng BĐBP đã phát hiện, bắt giữ hơn 500 vụ cùng hơn 1 tấn ma tuý các loại trong năm 2018.

Trên tuyến Việt Nam-Campuchia, trong năm qua, BĐBP cũng đã phát hiện, bắt giữ lượng ma tuý tổng hợp tăng gấp 2 lần so với năm 2017. Các đối tượng lợi dụng tụ điểm bên kia biên giới như casino, trường gà để trà trộn tập kết ma tuý và vận chuyển vào Việt Nam.

Trên tuyến Việt-Trung, do Trung Quốc có số người nghiện cao, đây cũng là thị trường tiêu thụ ma tuý lớn, nên cũng tạo ra sức ép trên tuyến này. Tại đây, hình thành nhiều tuyến vận chuyển ma tuý, đặc biệt là heroin từ Lào qua Việt Nam để sang Trung Quốc.

PV: Như vậy, công tác phối hợp với các nước có chung đường biên giới là một biện pháp rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ma tuý từ xa. Ông có thể cho biết hiệu quả của công tác phối hợp này trong triệt phá các đường dây ma tuý xuyên quốc gia?

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: Với những đặc điểm như trên thì tội phạm ma tuý hiện nay mang tính chất liên kết khu vực và quốc tế. Các vụ án về ma túy mang yếu tố nước ngoài rất nhiều. Chính vì vậy, công tác phối hợp là tất yếu, là yêu cầu bắt buộc để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh.

Ngay từ khi thành lập, lực lượng phòng chống ma tuý BĐBP đã thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng của các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia để đấu tranh, bắt giữ không chỉ các đối tượng ở biên giới mà còn cả các đối tượng cầm đầu chủ mưu, đối tượng cộm cán ở bên kia biên giới.

Công tác phối hợp được thực hiện trên nhiều mặt, từ trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh, bắt giữ các đối tượng truy nã đến tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở cả hai bên biên giới.

Trên tuyến Việt-Trung, BĐBP đã phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc mở nhiều đợt cao điểm truy quét, qua đó lượng ma tuý qua biên giới đặc biệt là với ma túy tổng hợp đã giảm rõ rệt.

Trên tuyến Việt -Lào, Cục phòng chống ma tuý và tội phạm và BĐBP các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng Lào triển khai ngày càng toàn diện và chiều sâu các nội dung hợp tác, đặc biệt trong đấu tranh với các chuyên án chung giữa 2 lực lượng để đấu tranh với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Năm 2018, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý Lào xác lập và đấu tranh thành công 24 chuyên án ở địa bàn ngoại biên, bắt giữ 56 đối tượng, thu giữ 277 bánh heroin, hơn 900.000 viên MTTH, 30 khẩu súng và nhiều tang vật, phương tiện có liên quan. Qua đó góp phần giảm tải sức ép ma tuý qua biên giới. Ngoài ra, lực lượng chức năng 2 bên cũng phối hợp mở các đợt tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để chuyển hoá địa bàn hai bên biên giới.

PV: Nếu như thời gian trước, tội phạm về ma tuý vận chuyển với số lượng ít, khoảng chục bánh heroin, vài kg ma tuý đá. Nhưng hiện nay, số lượng đã lên tới hàng trăm bánh heroin, hàng chục kg ma tuý đá; hơn nữa, các đối tượng phạm tội rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng trong khi đó luật pháp về ma tuý của nước ta cũng rất nghiêm khắc. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: Đúng như vậy, xu hướng là quy mô hoạt động của tội phạm ma tuý ngày càng lớn, số lượng vận chuyển ngày càng nhiều và đặc biệt là hết sức manh động, hung hãn. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, do nước ta có vị trí địa lý nằm gần khu vực “Tam giác vàng”, tại đây tội phạm ma túy có công nghệ sản xuất ma tuý với giá rẻ, từ đó sản lượng ma tuý tăng lên rất nhiều.

Thứ hai, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý rất tinh vi, các đối tượng chủ mưu cầm đầu thường không ra mặt mà thường thuê người vận chuyển, do đó, chúng tăng số lượng ma tuý vận chuyển nhằm tăng lợi nhuận.

Thứ ba, do lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán ma tuý mang lại, đơn cử như giá một bánh heroin ở Lào khi qua biên giới Việt Nam đã tăng gấp 2 lần.

Thứ tư, tội phạm ma tuý mang tính quốc tế. Nếu như trước đây, các băng nhóm liên tỉnh được đánh giá là lớn, nhưng hiện nay có sự chi phối của các tổ chức tội phạm quốc tế với sự đầu tư tài chính, trang thiết bị rất lớn nên quy mô hoạt động tăng lên.

Thứ năm, nền kinh tế của chúng ta phát triển với nhiều trục liên vận quốc tế, nhiều hành lang kinh tế, giao thương ở các cửa khẩu, khu kinh tế mở nhộn nhịp…Đây cũng là điều kiện để tội phạm ma tuý lợi dụng hoạt động.

PV: Hàng loạt kế hoạch, phương án được Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai nhằm giải quyết tình hình phức tạp về ma tuý tại địa bàn biên giới như Mô hình 1048, Phương án 3597, Kế hoạch số 892 đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma tuý có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ...Hiệu quả của những phương án, kế hoạch này như nào, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: Có thể nói, Mộc Châu, Vân Hồ là địa bàn nóng nhất ở khu vực Tây Bắc. Đây là cửa ngõ vận chuyển ma tuý nhanh nhất, gần nhất từ Tam giác vàng vào Việt Nam.

Tại đây, từ năm 2007-2008, lực lượng Biên phòng đã phát hiện ra những toán vận chuyển ma tuý chuyên nghiệp từ 7-10 người/toán, có những toán đến 20-30 đối tượng để vận chuyển ma tuý qua biên giới. Những toán, nhóm này trang bị vũ khí quân dụng, AK, lựu đạn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng. Mỗi chuyến, chúng thường mang 50-100 bánh heroin (khoảng 5-10 tỷ tiền hàng giá gốc).

Xác định mức độ nghiêm trọng, ngay từ năm 2009, lực lượng BĐBP đã có trận đánh đầu tiên với những toán, nhóm vũ trang này. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh, lực lượng phòng chống ma tuý BĐBP đã triển khai nhiều phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, trong đó có Mô hình 1048, Phương án 3597, Kế hoạch số 892…

Các kế hoạch, phương án đều tập trung thực hiện quyết liệt 4 nhóm giải pháp cơ bản, đó là: Tuyên truyền, vận động quần chúng; Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới; Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng. Trong đó, lấy giải pháp chính trị là cơ bản, giải pháp nghiệp vụ là mũi nhọn kết hợp với biện pháp vũ trang khi cần thiết.

Thực hiện giải pháp chính trị với các hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân, hỗ trợ chính quyền gắn liền với các hoạt động tấn công truy quét tội phạm ma tuý của BĐBP ở khu vực biên giới đã nâng cao hiệu quả cả trong phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma tuý. Qua các hoạt động dân vận, tình quân-dân được phát huy tạo sức mạnh tổng hợp, bền vững trong phòng chống ma tuý. Hiện tại, cả 4 xã khu vực biên giới của huyện Mộc Châu, Vân Hồ đã cơ bản thực hiện xong công tác chuyển hóa địa bàn theo Quyết định của UBND tỉnh Sơn La.

Công tác phối hợp với lực lượng chức năng Lào đấu tranh với các tổ chức tội phạm ma tuý ở ngoại biên đã có hiệu quả tích cực. Công tác phối hợp giữa BĐBP và lực lượng Công an cũng dần đi vào chiều sâu và phát huy vai trò chủ công, nòng cốt của cả hai lực lượng.

Nhờ đó, mục tiêu ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma tuý có vũ trang qua biên giới đã đạt kết quả. Các cung tuyến vận chuyển ma túy cũ cơ bản đã bị ngăn chặn, hoạt động của các toán, nhóm vũ trang hiện đã cơ bản được ngăn chặn, giảm thiểu lượng ma túy từ Lào thẩm lậu vào Việt Nam.

Từ năm 2012-2017, khi triển khai thực hiện Kế hoạch 1048 và Phương án 3597, các toán nhóm xâm nhập qua biên giới giảm dần. Đặc biệt, khi thực hiện Kế hoạch 892, từ đầu năm 2018, do quyết liệt thực hiện các phương án kiểm soát, ngăn chặn ngay từ biên giới nên đến nay các toán, nhóm vận chuyển ma tuý có vũ trang giảm mạnh, hiện chỉ còn 2-3 toán/tháng, mỗi toán chỉ 2-3 đối tượng, hoạt động bí mật, cảnh giác hoặc chuyển tuyến sang địa bàn giáp ranh.

PV: Vậy trong thời gian tới, Cục phòng chống tội phạm và ma tuý có những biện pháp gì để tạo chuyển biến thực sự rõ nét trong ngăn chặn ma tuý qua biên giới, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: Chúng tôi xác định đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, gian khổ và lâu dài. Trước diễn biến phức tạp về tình hình mới với những âm mưu thủ đoạn mới của tội phạm ma tuý, thời gian tới, Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết của Đảng, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng. Bởi Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng rất quan tâm và coi trọng công tác đấu tranh, phòng chống ma tuý trên các tuyến biên giới, nên cần quán triệt cho anh em, chiến sĩ thấy rõ được tầm quan trọng để xác định quyết tâm chính trị trong công tác của mình.

Thứ hai, tội phạm ma tuý ngày càng tinh vi, thay đổi các thủ đoạn đối phó, do đó lực lượng phòng chống ma tuý và các đơn vị phải tiếp tục đổi mới toàn diện công tác nghiệp vụ, đi vào các biện pháp có chiều sâu, mũi nhọn; đặc biệt là phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn để có thể phát hiện từ sớm, từ xa, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm ma tuý lớn ngay từ bên kia biên giới.

Thứ ba, cần làm tốt công tác phòng ngừa, vận động quần chúng nhân dân để tạo ra các địa bàn trong sạch,vững mạnh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới để ngăn chặn một cách tối đa ma tuý ngay trên biên giới.

Và một biện pháp rất quan trọng nữa, đó là thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần giúp cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng, không ngại gian khổ, khắc phục khó khăn, quyết tâm cao tấn công tội phạm ma tuý.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top