Đảm bảo tính khách quan, làm rõ trách nhiệm vụ Hiệu trưởng nghi dâm ô học sinh

20/12/2018 13:55

Những ngày gần đây, dư luận đang phẫn nộ nghi án vụ hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vì lạm dụng tình dục nhiều nam sinh. Người bị cáo buộc là ông Đinh Bằng My - hiệu trưởng nhà trường. Ông này đã bị công an Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Bà Ninh Thị Hồng. Ảnh Nhật Thy

Trước đó, bản tin tối 13/12 của VTV24 cho hay thông tin được phản ánh từ chính các học sinh nam được cho là nạn nhân trong vụ việc, đang học và đã ra trường.

Trong đó, một số nam sinh kể đã nhiều lần được hiệu trưởng gọi lên phòng nói chuyện. Sau đó, người này yêu cầu các em thực hiện một số hành vi lạm dụng tình dục, mỗi lần hiệu trưởng gọi lên phòng sẽ cho kẹo và tiền từ 20.000 - 30.000 đồng. Vì tâm lý ngại ngùng, lo sợ nên không ai dám tiết lộ câu chuyện.

Một học sinh khác nói số lần lên phục vụ nhu cầu tình dục cho hiệu trưởng nhiều không nhớ nổi. “Khoảng mười mấy lần, em đồng ý vì chưa nhận thức được”, một nam sinh trong clip chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với Tiếng Chuông, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng mà trước đây chưa từng có bởi nó xảy ra trong môi trường giáo dục và người thực hiện hành vi lại là Hiệu trưởng, người quản lý cao nhất của trường.

Hơn thế nữa, đây lại là một trường dân tộc nội trú, nơi các cháu ở vùng sâu vùng xa được ăn học, sinh hoạt tại trường 24/24, nơi các thầy cô thay mặt bố mẹ dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng các em.

Trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ môi trường nào, tuy nhiên việc trẻ em bị xâm hại trong môi trường giáo dục nội trú đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm. Đó là cơ chế giám sát của gia đình, người dân, cơ quan chức năng như thế nào khi các em học nội trú phải ở lại trường, có khi hàng tháng không về nhà. Hơn nữa, khi vụ việc xảy ra, do nhận thức hạn chế, nên các em không đánh giá được hết mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại, cũng như không dám lên tiếng để bảo vệ mình.

“Làm sao gia đình biết được con em mình có vấn đề gì không qua quá trình nuôi dưỡng tại trường? Qua vụ việc này cũng phải xem xét đến trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục khi để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này”,  bà Ninh Thị Hồng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, nếu những lời chia sẻ của các nam sinh với báo chí về việc giáo viên trong trường không những biết chuyện mà còn buông lời trêu đùa là sự thật thì sự im lặng, thỏa hiệp cho cái xấu cũng cần phải chịu trách nhiệm.

Theo bà Ninh Thị Hồng, đối với vụ việc này, điều cần làm nhất hiện nay là phải có những chuyên gia tâm lý, sức khỏe đến chia sẻ, tâm sự để ổn định tâm lý cho các em học sinh trường Thanh Sơn. Ngành giáo dục Phú Thọ cần phải bố trí một lực lượng khác đến tăng cường tại trường để đảm bảo tính khách quan, tránh trường hợp các em vì sợ hãi mà không dám cung cấp thông tin.

Đối với cơ quan điều tra, cần phải khách quan và có kỹ năng làm việc với trẻ em trong việc lấy thông tin phục vụ điều tra. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra chỉ mới khởi tố hiệu trưởng về tội dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi. Có rất nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu là hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em dưới 16 tuổi. Nếu xác minh đúng sự thật cần phải kiên quyết khởi tố đúng tội danh và đưa ra xét xử đúng pháp luật.

Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, với những thông tin ban đầu do không phải một mà nhiều em cung cấp, và thời gian xâm hại kéo dài, đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn khởi tố cho thấy dấu hiệu phạm tội của hiệu trưởng đã rõ.

Bà Ninh Thị Hồng cho biết thêm, hiện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đang tiếp tục theo dõi, gửi yêu cầu ngành giáo dục, ngành công an xử lý vụ việc để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm, trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Còn theo Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Và điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.

Trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể từ Trung ương tới cơ sở; từ Đảng tới cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội… trong công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều giải pháp lớn cũng như phân công trách nhiệm các cơ quan đều đã được quy định cụ thể ngay trong Luật.

Để bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em theo quy định của pháp luật, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, theo Bộ LĐTB&XH, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc với trẻ em và bản thân trẻ em để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Top