Đại tá Biên phòng nói về cuộc 'đối chiến' đến nghẹt thở với tội phạm ma tuý

26/06/2019 08:57

Tất cả và bất kỳ khi nào, ở đâu tội phạm ma túy đều rất liều lĩnh, manh động, 100% các đối tượng tội phạm ma túy trên biên giới đều có vũ khí nóng sẵn sàng nhả đạn, giải cứu đồng bọn, cướp lại ma túy, cản đường truy bắt của lực lượng chức năng hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đấu tranh với tội phạm ma túy chưa bao giờ và không khi nào hết gian nan và nguy hiểm, bởi đây là cuộc chiến không giới tuyến, "một mất một còn".

Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ phát động với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, nhân Ngày Toàn dân phòng chống ma tuý (26/6), để hiểu rõ hơn về sự gian nan của cuộc chiến chống ma túy, từ đó kêu gọi thế hệ trẻ hãy tránh xa ma túy, toàn xã hội hãy chung sức phòng chống tội phạm ma túy, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm (BĐBP).

 Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm (BĐBP). Ảnh: H.Anh

"Đối chiến" đến nghẹt thở

Thưa ông, trong những tháng đầu năm 2019, lượng ma túy từ biên giới thẩm lậu vào Việt Nam tăng đột biến, số lượng tính bằng tạ, bằng tấn. Thực tế này nói lên điều gì về hoạt động của tội phạm ma túy?

Đại tá Bùi Văn Lua: Có thể nói thời gian qua, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2019, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng đột biến, chúng ta đã bắt những vụ khủng hàng tạ, hàng tấn,…Đã có nhiều đường dây do người nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam điều hành các đường dây mua bán, vận chuyện ma túy vào nước ta tiêu thụ và đi nước thứ 3 đã bị phát hiện, bắt giữ.

Lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP liên tục mở các đợt cao điểm tấn công ngăn chặn ma túy trên tuyến Tây Bắc (kế hoạch số 15), tuyến miền trung (kế hoạch số1566), tuyến Tây Nam Bộ (kế hoạch số 2251) đã đạt được kết quả cao.

6 tháng đầu năm, các đơn vị BĐBP đã trực tiếp và phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài nước đấu tranh 482 vụ, bắt 746 đối tượng (trong đó có 53 chuyên án về ma túy), thu 2.187,22 kg ma túy các loại, tăng 142,2% so với 6 tháng đầu năm 2018. Riêng lực lượng Biên phòng trực tiếp bắt 362 vu/525 đối tượng, thu 941,22 kg ma túy các loại = 80% của cùng kỳ năm 2018).

Tình hình ma túy vẫn còn và rất khốc liệt xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan như: Việt Nam gần trung tâm sản ma túy lớn của khu vực (Tam giác vàng), người nghiện gia tăng, tạo nhu cầu sử dụng ma tuý rất lớn, tuyến biên giới dài, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; tội phạm ma tuý sử dụng công nghệ cao, phương tiện hiện đại, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng…

Dường như mỗi một chuyên án, vụ án đều ẩn chứa nhiều câu chuyện về sự hi sinh lặng lẽ của người lính trinh sát, là những cuộc “đối chiến” đến nghẹt thở mà sinh mạng mỗi người như "chuông treo chỉ mành". Ông có thể chia sẻ thêm những khó khăn, nguy hiểm của người lính biên phòng trên mặt trận này?

Đại tá Bùi Văn Lua: Phải khẳng định chắc chắn rằng, đấu tranh với tội phạm ma túy thì chưa bao giờ và không khi nào là hết gian nan và không nguy hiểm cả. Nó lặng lẽ, nguy hiểm vì đây là cuộc chiến không giới tuyến (vừa là ta đấy, dân mình đấy, phút chốc trở thành tội phạm, kẻ giết người, kẻ đối địch).

Theo Khoản 1 Điều 251 Bộ luật Hình sự, chỉ cần người nào có hành vi mua, bán trái phép các chất ma túy (Điều luật không quy định khối lượng là bao nhiêu) thì bị phạt tù 2-7 năm; hoặc mua bán với khối lượng 100 gam heroin trở lên (khoản 4 Điều 251) thì bị phạt tù 20 năm, chung thân, hoặc tử hình.

Có thể nói tất cả và bất kỳ khi nào, ở đâu tội phạm ma túy đều rất liều lĩnh, manh động, 100% các đối tượng tội phạm ma túy trên biên giới đều có vũ khí nóng sẵn sàng nhả đạn, giải cứu đồng bọn, cướp lại ma túy, cản đường truy bắt của lực lượng chức năng hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Do đó không thể nói trước được rằng trận chiến đấu nào nguy hiểm hơn trận chiến nào, chúng tôi luôn xác định đấu tranh với tội phạm ma túy là làm nhiệm vụ chiến đấu. Chỉ tính từ khi thành lập lực lượng PCMT&TP của Bộ đội Biên phòng đến nay, chúng tôi đã phải chứng kiến 6 đồng chí hi sinh, 14 đồng chí bị thương (chưa kể hàng trăm đồng chí khác bị thương nhẹ, bị phơi nhiễm do đối tượng phạm tội chống trả gây ra).

Nguy hiểm thì có nhiều, từ quá trình trinh sát, đêm ngày lặn lội điều tra thu thập chứng cứ, đến đấu tranh, bắt giữ, lúc nào cũng thường trực hiểm nguy; kể cả khi bắt được đối tượng, thu tang vật rồi cũng không kém phần  nguy hiểm.

Tôi xin kể một chuyên án khi chúng tôi bắt 3 đối tượng, thu 26 bánh heroin. Với 3 xe máy, 6 chiến sỹ biên phòng kẹp 3 đối tượng trên 3 xe, chạy 30 km đường rừng chở đối tượng về Đồn Biên phòng gần nhất. Ai dám chắc rằng trên đường đi đối tượng không kháng cự, đường trơn, đèo dốc, xe máy không ngã đổ, ai dám chắc không có những mũi súng từ bên núi sẵn sàng nhả đạn cướp đồng bọn và tang vật, hoặc thủ tiêu đồng đảng để bịt đầu mối. 

"Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng"

Mất mát, hi sinh dường như là không thể tránh khỏi trong cuộc chiến đầy cam go này. Mà mới đây là sự ra đi của Thiếu tá Vi Văn Nhất, trinh sát đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa khi đối đầu với các đối tượng vận chuyển ma túy. Từ thực tiễn đó, có thể rút ra những kinh nghiệm nào để triệt phá các chuyên án thắng lợi, bảo đảm an toàn, thưa ông?

Đại tá Bùi Văn Lua: Vâng như tôi đã nói, chống tội phạm ma túy, chúng tôi xác định là nhiệm vụ chiến đấu, mà đã là chiến đấu, không ai có thể nói trước rằng trận đánh này sẽ tuyệt đối an toàn, mà chỉ làm sao bằng mọi cách để hạn chế thấp nhất thương vong.

Chúng tôi có khẩu hiệu “quyết tâm cao, nghiệp vụ giỏi, bàn tay sạch”, đồng thời phải có thể lực tốt, kỷ luật nghiêm… Trong suốt thời gian qua, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, thực hiện tốt phương châm là đối với tội phạm ma túy phải "quyết tâm, quyết liệt, lấy phòng là chính, chống là quan trọng, an toàn là hàng đầu, không liều lĩnh, mạo hiểm".

"Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu" đó là thông điểm của Thủ tướng về Tháng phòng chống ma túy năm nay. Kinh nghiệm cho thấy, bất kỳ chuyên án nào nếu nếu nắm chắc, hiểu rõ đối tượng, công tác tổ chức chỉ huy, bố trí lực lượng, hiệp đồng đánh án đảm bảo chặt chẽ, dự kiến xử lý linh hoạt, sâu sát từng tình huống cụ thể; giành thế chủ động cho ta, chọn đúng thời cơ đánh bắt, thì sẽ giành thắng lợi … như ông cha ta thường nói “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.., có như vậy mới giành thắng lợi trọn vẹn.

Đấu tranh với tội phạm ma túy nguy hiểm như vậy, là một mất một còn, nhưng chúng tôi khẳng định rằng, những nguy hiểm, hi sinh vừa qua chắc chắn không làm cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trùn bước mà càng tiếp thêm sức mạnh để mỗi cán bộ, chiến sĩ quyết tâm, nỗ lực cao hơn trong cuộc chiến chống ma túy.

Vậy để ngăn chặn ma túy vào Việt Nam và không để Việt Nam trở thành nơi trung chuyển ma túy, theo ông, lực lượng chức năng BĐBP cần triển khai những biện pháp nào trong thời gian tới?

Đại tá Bùi Văn Lua: Chúng tôi luôn quán triệt và thực hiện phương châm đấu tranh chống tội phạm cũng như chống giặc giữ nước của ông cha ta: Chủ động chuẩn bị tốt cho chiến tranh để chiến tranh không xảy ra. Trong lịch sử, ông cha ta đã chủ động tấn công vào sào huyệt của địch trước khi chúng mang quân xâm lược nước ta.

Đối với công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý cũng vậy. Ở ngoại biên, phải luôn chủ động bố trí lực lượng nắm chắc tội phạm từ xa, từ ngoài biên giới và phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của nước bạn để lập chuyên án chung, đấu tranh bắt giữ ngăn chặn tội phạm ma túy từ ngoài biên giới, trước khi đối tượng mang ma tuý vào biên giới nước ta.

Ở nội biên, chúng tôi thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân, vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân, các lực lượng ở biên giới cùng chung tay trong cuộc đấu tranh với ma tuý.

Bên cạnh đó, trong biện pháp nghiệp vụ, lấy biện pháp trinh sát làm mũi nhọn để chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma tuý. Thường xuyên quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng để chủ động nắm tình hình từ nơi phát sinh tội phạm ma tuý. Đặc biệt,  hàng năm, BĐBP đều phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước thực hiện các kế hoạch, mở các cao điểm trấn áp tội phạm về ma túy. Đây là những biện pháp nghiệp vụ nhằm tập trung lực lượng, con người, phương tiện để giăng những mẻ lưới sẵn sàng bắt giữ tội phạm ma tuý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top