Cuộc chiến chống ma tuý trên biển ngày càng cam go

27/11/2018 10:59

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về ma tuý vẫn diễn ra ở các khu vực biển, có thời điểm diễn biến rất phức tạp và khó kiểm soát. Cùng với việc hình thành thị trường mua bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các loại ma tuý ở trong nước, các đối tượng phạm tội ma tuý quốc tế cũng đã triệt để lợi dụng vùng biển Việt Nam làm khu vực trung chuyển ma túy đi nước thứ ba.

Trải qua 13 năm, từ khi thành lập (ngày 29/11/2005) đến nay, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển đã luôn nỗ lực, tích cực chủ động triển khai hoạt động nhiệm vụ trên các địa bàn được giao, thực hiện nhiều đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ với tội phạm ma tuý. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống tội phạm ma tuý của lực lượng Cảnh sát biển, phóng viên có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Thế Trung, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển).

Đại tá Lê Thế Trung, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển)-Ảnh: Hoàng Anh

Nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần

PV: Vùng biển Việt Nam rộng lớn, kéo dài trên cả nước, chỉ hình dung thôi cũng đủ thấy công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy cực kỳ khó khăn. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn của lực lượng Cảnh sát biển?

Đại tá Lê Thế Trung: Đầu tiên, về mặt khách quan, nước ta có đường bờ biển dài trên 3.000 km, diện tích vùng biển và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2. Có hàng ngàn đảo và hải đảo kèm theo đó là các vũng, vịnh trải dài từ cửa vịnh Bắc Bộ tới vịnh Thái Lan; cùng với đó là tuyến đường bộ, đường sắt từ các cửa khẩu quốc tế nối liền, sân bay, cảng biển chạy dọc các tỉnh, thành phố ven biển đi sâu vào trong đất liền tạo thành mạng lưới giao thông khép kín.

Với vị trí chiến lược nằm trên tuyến giao thông đường biển quốc tế quan trọng bậc nhất thế giới đi ra Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, hàng năm lượng hàng hóa vận chuyển và bốc xếp qua các cảng biển chiếm tỷ lệ 80% trên cả nước. Đặc biệt có tuyến đường xuyên Á đi qua khu vực Tam Giác Vàng - vùng trọng điểm về ma túy của thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng là địa bàn các đối tượng phạm tội về ma tuý lợi dụng hoạt động.

Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thuỷ văn biến đổi từng giờ khắc nghiệt, bất ngờ như mưa, bão, sóng gió, điều kiện đêm tối tầm nhìn hạn chế nên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ, khiến cho cán bộ, chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ chống tội phạm ma túy trên biển phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần trên đất liền.

Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn về nội lực khi lực lượng chuyên trách chống tội phạm ma túy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển còn mỏng với 263 cán bộ, chiến sĩ, tính ra 1triệu km2 chia cho 263 chiến sĩ, quả là nhiệm vụ bất khả thi! Trong khi đó phần lớn sĩ quan, nhân viên trinh sát chưa được đào tạo cơ bản, mà chỉ thông qua các lớp tập huấn và trải nghiệm qua hoạt động thực tiễn tự trau dồi, học hỏi lẫn nhau, do vậy chỉ đáp ứng bước đầu trong phát triển và xây dựng lực lượng. Trang thiết bị tuy đã được đầu tư song chưa có độ tinh xảo hàm lượng kĩ thuật cao...

Khó khăn nữa, đó là trong trao đổi xử lý các vụ việc cụ thể. Địa bàn trên biển rất rộng, nên từ khi nhận tin đến triển khai lực lượng để tiến hành điều tra, xác minh, kiểm tra, giám sát, bắt giữ đối tượng phải mất một thời gian nhất định. Mặt khác trên biển tầm quan sát rộng, trống trải, khi lực lượng chức năng cơ động tiếp cận dễ bị các đối tượng phạm tội ma túy phát hiện từ xa nên có thể chạy trốn sang vùng biển của nước ngoài, tiêu huỷ tang, vật chứng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đối tượng phạm tội ma túy trên biển cũng mang tính quốc tế cao, liên quan đến nhiều quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ, vùng biển, làm cho việc đấu tranh rất khó khăn...

PV: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma tuý trên biển tinh vi, xảo quyệt như thế nào, thưa ông?

Đại tá Lê Thế Trung: Tội phạm ma túy có rất nhiều thủ đoạn, song đối với tội phạm ma túy trên biển có một số thủ đoạn khá đặc biệt. Chúng thường thiết kế nguỵ trang tàu nhiều lớp đáy, lớp thân vỏ, có nhiều ngăn, khoang bí mật; trong khoang chứa nước ngọt, bình cứu hỏa; giấu trong bụng cá, thân cây gỗ, trong các container lẫn với hàng hóa có vỏ bọc… để hòng qua mắt được việc soi, chiếu tia X.

Ngoài ra, tội phạm lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, thành lập nhiều công ty, công ty ma ở các quốc gia khác nhau, dùng hình thức ủy thác xuất nhập khẩu, liên tục thay đổi lịch trình, đi qua nhiều quốc gia, cảng biển, vùng biển khác nhau. Chúng cũng thay đổi màu sơn tàu, số hiệu cùng các loại giấy tờ liên quan, mục đích để tránh truy xuất nguồn gốc. Tội phạm còn sử dụng các loại thùng bịt kín, xác định kinh độ vĩ độ, dòng chảy thả ma tuý xuống biển sau rồi thông báo cho đối tác đến trục vớt lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu vận chuyển ma túy vào nơi tiêu thụ.

Đặc biệt gần đây, các đối tượng phạm tội ma túy đang khai thác, sử dụng triệt để phương tiện thông tin liên lạc hiện đại (dùng dịch vụ 3G, 4G, Zalo, Viber, Messenger) để móc nối, giao dịch, điều hành khi thấy thấy an toàn chúng mới giao hàng, trường hợp nghi ngờ “không ổn” sẽ bỏ hàng không nhận.

PV: Vậy công tác đấu tranh, bắt giữ của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Đại tá Lê Thế Trung: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Cảnh sát biển, quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, trong những năm qua, lực lượng ma túy Cảnh sát biển vừa xây dựng lực lượng, tích cực chủ động triển khai hoạt động nhiệm vụ trên các địa bàn được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan nhằm tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, cảng biển và trên biển đảo; thực hiện nhiều đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ với tội phạm ma tuý.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma tuý cũng được tiến hành một cách thường xuyên với nội dung và hình thức phong phú, nhất là tại các địa bàn ven biển, hải đảo.

Từ khi thành lập (29/11/2005) đến nay, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền được hơn 3.000 đợt tuyên truyền trên 126 nghìn lượt người, phát hàng nghìn sổ tay, sách pháp luật về phòng chống ma túy, tặng hàng nghìn áo phao cho bà con ngư dân, tặng cặp sách, vở viết cho các cháu học sinh.

Đặc biệt, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp điều tra, đấu tranh 1.609 chuyên án, vụ án (trong đó tiến hành khởi tố 382 vụ/571đối tượng); bắt giữ 3.020 đối tượng. Tang vật thu giữ 8,16 tấn nhựa cần sa; 153,76 kg cần sa khô; 2.050 bánh heroin; 215,074 kg 137.209 viên MTTH; 2,72 kg thuốc phiện; 70 khẩu súng 1.348 viên đạn các loại; gần 17 tỷ đồng và nhiều vật chứng có liên quan khác.

Riêng năm 2018, tổ chức 29 đợt tuyên truyền cho gần 10 nghìn lượt người, phương tiện, phát hơn 17 nghìn tờ rơi các loại và nhiều khẩu hiệu, tranh ảnh tuyên truyền về tác hại của ma túy. Trực tiếp và phối hợp điều tra, đấu tranh  402 chuyên án, vụ án, bắt giữ 334 đối tượng (trong đó đã tiến hành khởi tố 65 vụ/99 đối tượng). Tang vật thu giữ 438 bánh 503,5gam heroin; 10.100 viên 57,93 kg MTTH; 100,6 kg cần sa; 1 khẩu súng, 30 viên đạn; trên 477 triệu đồng và nhiều vật chứng có liên quan khác.

Thực hiện tốt 4 chống

PV: Trong thời gian tới, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa ma tuý, thưa ông?

Đại tá Lê Thế Trung: Trong thời gian tới, dưới sự tác động của tình hình khu vực, trong nước, tuyến đường biển vẫn là địa bàn trọng điểm cần tập trung đấu tranh. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa ma tuý trên tuyến biển, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển tiếp tục duy trì, tổ chức tốt việc quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng…

Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng và nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm, tình thần khắc phục khó khăn kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nhân viên trực tiếp điều tra, đấu tranh bắt giữ tội phạm, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc, tránh bị các đối tượng xấu lôi kéo, mua chuộc; thực hiện tốt 4 chống "chống làm ngơ, chống bao che, chống tiếp tay, không can thiệp và chống can thiệp". Đồng thời cần có định hướng rõ về mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, làm tốt công tác thi đua khen thưởng và động viên hậu phương gia đình quân nhân.

Đặc biệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma tuý. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, cảnh giác cho bà con ngư dân tại các vùng biển trọng điểm, phức tạp. Tích cực triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ, đặc biệt là các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản trên tuyến và địa bàn trọng điểm, coi đây là hoạt động thường xuyên. Đồng thời tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma tuý để tập trung đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma tuý lớn, tụ điểm phức tạp.

Ngoài ra, tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma tuý Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng khác, đặc biệt là lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma tuý của Bộ Công an, Biên phòng, Hải quan trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý nhằm giảm thiểu sự xâm nhập của ma túy từ hướng biển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top