Cuộc chiến chống ma tuý: Thấy gì từ các vụ án khủng

08/05/2019 18:32

Tại sao các trùm ma túy quốc tế lại chọn Việt Nam là nơi đưa ma túy vào, sau đó lại vận chuyển đi nước thứ 3? Có loại trừ khả năng hàng tấn ma túy được sản xuất ngay trong nước? Tại sao càng triệt phá lại càng sản sinh ra nhiều đường dây ma túy lớn và quy mô hơn trước? Phải chăng những vụ án ma túy mà cơ quan chức năng phát hiện, điều tra làm rõ chỉ là “phần nổi của một tảng băng chìm”? Giải pháp nào cho cuộc chiến chống ma túy thực sự hiệu quả?...

Toàn cảnh toạ đàm

Đó là những câu hỏi được lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý của Bộ Công an cũng như lãnh đạo Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng giải đáp tại cuộc Toạ đàm trực tuyến “Cuộc chiến chống ma tuý: Thấy gì từ các vụ án khủng?” diễn ra chiều 8/5 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Có thể nói, trong tháng 3 và 4 vừa qua, liên tiếp các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy cực "khủng" lên đến hàng tấn tại Nghệ An, TPHCM… đã bị lực lượng chức năng triệt phá. Thành công các chuyên án ma túy ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng trong cuộc chiến với “cái chết trắng”, nhưng đồng thời cũng cho thấy tình hình buôn bán trái phép ma túy, chất gây nghiện ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Theo Thủ tướng, trong thời gian qua nổi lên nhiều vấn đề, vụ việc xã hội nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận, của nhân dân, trong đó có tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn. Trong phiên họp Chính phủ tháng 4, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an tiếp tục triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia.

Càng triệt phá càng xuất hiện nhiều đường dây lớn hơn

Tại Toạ đàm, trả lời câu hỏi: “Tại sao càng triệt phá lại càng sản sinh ra nhiều đường dây ma túy lớn và quy mô hơn trước”, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý, Bộ Công an phân tích, hình phạt đối với tội phạm ma tuý theo quy định pháp luật hiện nay là rất nghiêm khắc. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, số lượng ma tuý bắt chỉ 700g (tương đương 2 bánh) thì đã rơi vào khung có hình phạt tử hình.

Trong thực tế đấu tranh, mỗi năm trung bình lực lượng công an bắt 20.000 vụ ma tuý. Có lúc tại trại tạm giam, số bị can liên quan ma tuý chiếm đến 50-60%. Tuy nhiên, số lượng ma tuý phát hiện, bắt giữ cũng như số lưu thông trên thị trường vẫn rất lớn.

Những tháng cuối 2018 và đầu 2019, lực lượng chức năng triệt phá những vụ ma túy có số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Sơ bộ các chuyên án lớn đã thu tới hơn 3 tấn ma túy các loại và hơn 1.000 bánh heroin.

Trong khi đó, về nguồn cầu, nhu cầu về ma tuý cũng ngày càng lớn với số lượng người nghiện ngày càng tăng. Số người nghiện có hồ sơ quản lý tại Việt Nam hiện nay là 250.000 người, tăng gấp đôi so với ít năm trước, chưa kể số người có sử dụng mà không có hồ sơ quản lý.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý

“Khi lợi nhuận là 300% thì có treo cổ người ta vẫn làm. Mà lợi nhuận ma tuý có khi còn hơn thế. Vì vậy nên dù có đấu tranh quyết liệt, hình phạt có nghiêm khắc, tội phạm ma tuý vẫn gia tăng”, Đại tá Vũ Văn Hậu giải thích.

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, do hoạt động sản xuất ma túy tại khu vực Tam Giác vàng tiếp tục gia tăng khiến cho tình hình trong nước cũng hết sức phức tạp. Các tổ chức quốc tế đã xác định, có 250 tấn ma tuý đá với gần 3 tỷ viên ma tuý tổng hợp xuất phát từ khu vực Tam giác vàng mỗi năm. Khu vực này Tam giác vàng hàng năm cũng tiêu thụ tới 3.000 tấn hoá chất các loại phục vụ việc sản xuất ma tuý.

“Cung cầu ma tuý không chỉ lớn ở trong nước mà còn cả quốc tế vì Việt Nam nằm trên đường trung chuyển đó. Việt Nam có tuyến đường biên giới lớn, trên biển cũng có hàng trăm điểm nơi neo đậu tàu thuyền phù hợp để đưa đến các nước một cách thuận lợi. Vậy nên vừa qua, các lực lượng chức năng đã rất quyết tâm để phá gỡ các đường dây nhưng để trả lời, lượng ma tuý kiểm soát được hết chưa cũng là cả một vấn đề”, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh cho biết.

“Phần nổi của tảng băng chìm”?

Trước câu hỏi phải chăng những vụ bắt giữ ma tuý lớn vừa qua chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, Đại tá Vũ Văn Hậu cho rằng, “ma túy không có nổi, chỉ có chìm”. Việc triệt phá các vụ án án túy lớn vừa qua chính là việc lực lượng chức năng của Việt Nam đã chặt đứt các mắt xích trong những đường dây ma túy xuyên quốc gia do các đối tượng nước ngoài cầm đầu móc nối với đối tượng trong nước.

Theo Đại tá Hậu, các lực lượng chức năng Việt Nam đã và đang kiên quyết đấu tranh để Việt Nam không trở thành địa bàn trung chuyển của các đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Về vấn đề loại trừ khả năng hàng tấn ma tuý được sản xuất ngay tại trong nước, đại diện Bộ Công an cho biết, có đầy đủ tài liệu chứng minh đây là nguồn ma tuý xuất phát từ bên ngoài Việt Nam, cụ thể từ khu vực Tam giác vàng, một phần để sử dụng ở Việt Nam nhưng phần lớn là để đưa ra nước ngoài,.Công an Việt Nam tự tin kiểm soát được tình hình, chưa có mức độ sản xuất ma tuý lớn như vậy diễn ra trong nước.

“Tội phạm ma tuý là tội phạm của tội phạm, hết sức nguy hiểm. Về hình ảnh, có thể nói tội phạm ma tuý là người mặc áo cổ cồn trắng nhưng bên trong đó chính là nhưng kẻ lưu manh chuyên nghiệp, biết sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm nhất. Công an có thể đấu tranh chống sự mua chuộc của tội phạm ma tuý nhưng chúng cũng sẵn sàng bôi nhọ, giương súng nã đạn vào lực lượng đấu tranh phòng chống”, Đại tá Vũ Huy Hậu nói.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm, BĐBP

Dẫn chứng vụ 276 kg ma tuý đá bị bắt giữ tại Philippines xuất phát từ Cảng Cát Lái (TPHCM) hay hàng tấn lá khát bị bắt giữ tại các cảng biển..., lãnh đạo Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm Bộ Đội Biên phòng cho biết, một trong những thủ đoạn mà tội phạm đang lợi dụng vận chuyển ma tuý đó là lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng hiện nay cũng như đặc tính vận chuyển hàng hoá khối lượng lớn qua đường biển để đưa ma tuý vào nội địa.

Theo giải thích của Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, đường biển là con đường tới được nhiều nơi nhất, đi dài nhất, an toàn nhất nên dễ bị lợi dụng trong bối cảnh lực lượng kiểm tra còn hết sức hạn chế.

Giải pháp nào cho cuộc chiến chống ma tuý?

Tại Tọa đàm, các khách mời cũng chia sẻ thêm về bí mật đằng sau những chuyên án, sự hy sinh, lòng dũng cảm trước nguy hiểm họng súng, những viên đạn “bọc đường”, cám dỗ tiền bạc… của những chiến sĩ công an, biên phòng trên mặt trận đầy cam go này. 

Trước tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho rằng: Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến sinh tồn, một mất một còn. Để đấu tranh phải thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, có những vụ phải kéo dài hàng năm mới bóc gỡ được. Thực tế đã có 24 cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân đã hi sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy. Giữa thời bình, nhưng lực lượng phòng, chống ma túy chịu nhiều mất mát, hi sinh.

Xác định đấu tranh với tội phạm ma túy là đấu tranh với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, vì vậy, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh chia sẻ phương châm đấu tranh của lực lượng Biên phòng là “Đắp nguồn, cạn dòng; giúp bạn là giúp mình”.

Theo đó, lực lượng Biên phòng có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong nước, hợp tác với lực lượng chức năng các nước láng giềng trong phòng, chống tội phạm ma túy. Điều này xuất phát từ bản chất của tội pham ma túy “khép kín, liên tục và trường diễn”. Do đó, đấu tranh chống tội pham ma túy là tầm đấu tranh quốc tế.

Mặt khác, ma túy thường chảy từ Tam giác vàng qua Lào vào Việt Nam. Do vậy, với phương châm “Đắp nguồn, cạn dòng; giúp bạn là giúp mình” nên phải ngăn chặn từ xa, từ khi đối tượng chưa vào đến lãnh thổ Việt Nam.

Top