Cú huých giảm kỳ thị với nhóm người yếu thế

28/05/2014 07:47

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ) về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương mang nhiều ý nghĩa thiết thực và là một cú huých để các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân tạo điều kiện giúp đỡ, giảm kỳ thị với nhóm người này.

Hơn 2 năm chuẩn bị

Trao đổi với phóng viên trang Tiếng Chuông, ông Lê Đức Hiền cho hay, công tác chuẩn bị để Quyết định được ban hành là hơn 2 năm.

Về cơ sở pháp lý, từ các văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ đạo tại Hội nghị Thực trạng và Chính sách về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong công nhân, viên chức, lao động do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức năm 2009.

Ảnh minh hoạ

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ: Công an, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và  Đầu tư và các địa phương nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện và người nhiễm HIV.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22/5/2012 về tăng cường phòng chống HIV/AIDS với một nội dung là cho người nhiễm HIV và người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone vay vốn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã  hội đã đề nghị thêm nhóm người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm được vay vốn.. Cuối năm ngoái, Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 25/10/2013 về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống mại dâm trong tình hình hiện nay trong đó có 4 nhóm người được vay vốn là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người điều trị thay thế bằng Methadone và người bán dâm hoàn lương (nhóm người).

Quá trình chuẩn bị xây dựng quyết  định, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với các cơ quan của các bộ ngành liên quan với sự hỗ trợ thiết thực của các tổ chức phi chính phủ, các dự án quốc tế như USAIDS, SCDI, Chemonics, Pathway, COHED, TYM, M7... nghiên cứu đánh giá các mô hình cho vay vốn trong nước và nước ngoài.

Cục cũng tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn của hàng nghìn người thuộc những nhóm đối tượng trên tại 7 tỉnh thành phố. Đồng thời, đánh giá hệ thống chính sách của nước ta từ trước đến nay về vấn đề an sinh xã hội, sinh kế cho những nhóm người này

Sau khi xây dựng quyết định, theo quy định, dự thảo quyết định phải được bảo vệ trước hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp. Quá trình giải trình cũng gặp nhiều khó khăn do có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người sợ rủi ro, không thu hồi lại được nguồn vốn khi cho những nhóm người trên vay.

Dẫn chứng việc một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà... đã làm tốt công tác cho vay vốn đã thuyết phục được hội đồng thẩm định để quyết định được ban hành. Điển hình như TP HCM đã giúp gần 9.000 người cai nghiện hồi gia được vay vốn và tỷ lệ thu hồi vốn là 97%.

Nhiều ý nghĩa thiết thực

Theo ông Lê Đức Hiền, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mang nhiều ý nghĩa, thể hiện quan điểm mới, chính sách mới của nhà nước ta với những nhóm này.

Trước kia chúng ta tập trung quản lý, xử lý hành là chính, nhưng bây giờ coi họ là nhóm yếu thế dễ bị tổn thương, cần hỗ trợ giúp đỡ.

“Coi họ là những người bình thường cũng là một cách đặt vào họ niềm tin để hoà nhập cộng đồng”, ông Hiền nói.

Quyết định cũng là một lời đáp với quốc tế, thể hiện sự vào cuộc của Việt Nam trong công tác hỗ trợ người nhiễm HIV; người nghiện ma tuý; người bán dâm ...trong bối cảnh tài trợ quốc tế giảm dần. Đồng thời, đáp ứng những kêu gọi của Liên Hợp Quốc trong công tác này.

Ý nghĩa thiết thực nhất là đối với chính bản thân nhóm người này. Đây là những nhóm người gặp nhiều khó khăn trong hoà nhập cộng đồng. Nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu. Được vay vốn sản xuất, họ đỡ mặc cảm, dễ dàng hơn để hoà nhập. Nếu không có công ăn việc làm ổn định, họ không có chi phí để nâng cao sức khoẻ, ổn định cuộc sống dễ dẫn đến tái phạm, tái nghiện..

Việc hỗ trợ  vốn hiệu quả cũng sẽ giảm được một phần chi phí y tế của Nhà nước nếu sức khoẻ của họ yếu đi.

Về mặt xã hội, nếu những nhóm người này có công ăn việc làm ổn định, không tái phạm thì an ninh trật tự được ổn định, nhà nước có thể “rảnh tay” để phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và nâng cao cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, theo ông Hiền, quyết định cũng là một cú huých giúp xã hội giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và gần gũi với nhóm người này hơn để tạo điều kiện, giúp đỡ họ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Còn không ít khó khăn

Về công tác triển khai, sau khi quyết định được ban hành, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đang cùng các bộ ngành xây dựng tiêu chí để chọn 15 tỉnh thực hiện thí điểm đến năm 2016 để sau đó đủ cơ sở thực hiện trong toàn quốc. Bên cạnh đó xây dựng các biểu mẫu và hướng dẫn chi tiết, giải thích thêm một số vấn đề có liên quan.

Cục cũng tham mưu cho Bộ, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chuẩn bị nguồn vốn và cách thức cho vay sao cho đơn giản, dễ thực hiện với nhóm người này.

Theo ông Lê Đức Hiền, Quyết định mang nhiều ý nghĩa, nhưng công tác triển khai dự báo sẽ gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên phải kể đến việc chủ động tiếp cận nguồn vốn của nhóm đối tượng đặc biệt là người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương. Người nhiễm HIV được bí mật danh tính nhưng khi làm đơn vay vốn qua UBND xã, phường hoặc ngân hành chính sách xã hội thường dễ bị lộ thông tin. Điều này khiến họ sợ bị xã hội kỳ thị. Người bán dâm hoàn lương cũng vậy. Để được vay vốn họ phải vượt qua được dư luận xã hội và điều này cũng không phải là dễ dàng gì.

Theo ông Hiền, để quyết  định mang lại hiệu quả thiết thực, những nhóm đối tượng này cần phải “dũng cảm” đứng lên vay vốn. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tại UBND cấp xã và Ngân hàng chính sách xã hội phải có thái độ, ứng xử đúng mực, giữ gìn thông tin, thực sự quan tâm đến những người này, giúp họ đỡ mặc cảm. Quan trọng hơn cả là tuyên truyền để giảm kỳ thị trong xã hội.

Để giảm rủi ro khi cho vay vốn, theo ông Hiền cần xem xét kỹ những người có nhu cầu, phương thức sản xuất thực sự. Đồng thời, kết nối với các tổ chức xã hôi, các nhóm đồng đẳng, tự lực, câu lạc bộ địa phương... quan tâm, giúp đỡ kịp thời để họ sản xuất, kinh doanh, buôn bán có hiệu quả, giảm rủi ro.

“Chúng ta tin tưởng những người được vay, cùng với sự kèm cặp, hỗ trợ, tư vấn tại cơ sở, hy vọng tỷ lệ rủi ro sẽ giảm”, ông Lê Đức Hiền cho hay.

Trong thời gian tới, theo ông Hiền, ngoài việc hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, cần có thêm chính sách giúp đỡ vay vốn cho người đang hoạt động mại dâm có mong muốn hoàn lương.

Trên thực tế, nhiều người đang hoạt  động hoạt động mại dâm cũng đã vay vốn tại các nhóm, câu lạc bộ mà họ tham gia để sản xuất với mong muốn dần dần thoát khỏi con đường này. Nếu người đang hoạt động mại dâm (không chỉ người đã hoàn lương) được vay vốn thì Quyết định 679/TTg về phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 có thể thực hiên tốt hơn. Để làm được điều này, theo ông Hiền cần sự vào cuộc của các tổ chức xã hội để kết nối với những người hoạt động mại dâm muốn hoàn lương.

Theo Quyết định 29/2014/TTg, từ ngày 15/6 tới, người bán dâm hoàn lương, hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (đối tượng), sẽ được hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh. mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình. Người, hộ gia đình được vay không phải thế chấp. Mức vay không vượt quá các mức sau: Cá nhân, mức cho vay tối đa 20 triệu đồng; Hộ gia đình, mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng.

 

 

Top