Công khai danh tính người mua dâm dưới góc nhìn pháp luật

30/07/2014 10:43

Quyền nhân thân của con người được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Nếu quy định việc công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm giáo dục thì cần phải xem xét đối chiếu xem việc công khai như vậy có xâm phạm tới quyền nhân thân của người mua dâm hay không.

Đó là ý kiến của Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trước đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc công khai danh tính người mua dâm.

Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh Phan Hoàng

Theo LS Trương Anh Tú, đành rằng việc mua dâm là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục, tuy nhiên mọi việc xử lý đều phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Chúng ta không nên đưa ra những biện pháp theo cảm tính, suy nghĩ nhất thời mà cần phải xem xét, đặt quy định được đề xuất trong hệ thống pháp luật để từ đó đảm bảo tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật.

Thông  tin về hoạt động mua dâm của người mua dâm cũng là  một thông tin về đời tư. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự thì: “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Như vậy, đặt trong trường hợp nêu trên, cơ quan chức năng tự ý công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục là không phù hợp với Điều 38 Bộ luật dân sự.

Nên tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng

LS Trương Anh Tú cho rằng, về mặt ý tưởng, việc công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm giáo dục là một biện pháp răn đe mạnh mẽ hứa hẹn làm giảm tình trạng mua bán dâm hiện đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Tuy nhiên, khi đưa ra một biện pháp và cụ thể hóa bằng quy định pháp luật thì cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về hậu quả đem lại từ việc công khai danh tính của người mua dâm, chẳng hạn: Hạnh phúc gia đình của người mua dâm tan vỡ, con cái của người mua dâm chịu sự kỳ thị, dè bỉu của bạn bè cùng trang lứa, làng xóm, họ tộc, cơ quan, đồng nghiệp kỳ thị… Trong khi vợ con, anh, chị, em người mua dâm không vi phạm gì. Thậm chí họ còn là người đức cao vọng trọng, việc công khai danh tính vô hình chung đã gián tiếp hủy hoại uy tín của họ.

Về việc có nên công nhận mại dâm là một nghề hoặc quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ vào một cơ sở riêng biệt, LS Trương Anh Tú chia sẻ, mại dâm (trái ngược với mại dâm là mãi dâm tức mua dâm), là hoạt động dùng các dịch vụ tình dục ngoài hôn nhân giữa người mua dâm và người bán dâm để trao đổi với tiền bạc, vật chất hay quyền lợi. Đây là một hoạt động bất hợp pháp ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Tại đa số các nước, mại dâm bị nghiêm cấm, đặc biệt ở một số nước theo Hồi giáo, mãi/mại dâm có thể là tội tử hình. Tại một số nước khác như Đức, Đài Loan, Mexico, Bangladest, Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động này là hợp pháp, nhưng với những điều kiện để giới hạn hoạt động. Trong tổng số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 20 nước xem mại dâm là hợp pháp. 41 nước không có bộ luật cấm mại dâm nhưng có các bộ luật khác để cấm các hoạt động như nhà chứa, môi giới, nhà chứa, thậm chí là cả quảng cáo hay gái đứng đường... Khoảng 160 quốc gia còn lại đã ra những văn bản luật cấm các hình thức mại dâm.

Trong 30 năm, mãi dâm từng là hợp pháp ở Thuỵ Điển, nhưng năm 1998 đã bị xét lại, xem là bất hợp pháp, sau khi nước này xét thấy hợp pháp hóa mãi dâm càng khiến nó lan tràn ngoài tầm kiểm soát, trong khi tổn hại về giá trị đạo đức xã hội lại quá lớn (Tuy nhiên khác với luật cấm ở các nước khác, ở Thụy Điển thì chỉ mua dâm mới bị phạt, luật nước này coi mua dâm là hành vi bạo hành chống lại phụ nữ). Năm 1988, Hàn Quốc cũng có động thái tương tự nhằm bảo vệ hình ảnh quốc gia khỏi bị hoen ố vì mại dâm. Năm 2009, đến lượt Na Uy, Iceland và tiểu bang Rhode Island (Mỹ) cũng cấm mại dâm trở lại sau nhiều năm cho tồn tại hợp pháp.

Nếu coi mại dâm là một nghề, nghĩa là nghề đó được đào tạo, hướng dẫn, chắc chắn tránh được ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, công nhận mại dâm thành một nghề là vấn đề nhạy cảm. Cơ quan đề xuất cần phải hết sức cân nhắc xem có phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc hay không. Nền văn hóa Việt thuộc văn hóa Á Đông nên việc công khai hình thức mua bán dâm sẽ khó được chấp nhận. Theo tôi, chúng ta cần nhìn vào bài học thực tế của một số nước như Thụy Điển, Hàn Quốc … như đã nêu trên để không nên công nhận mại dâm là một nghề.

Cần có chính sách an sinh xã hội tốt

Theo tìm hiểu thì được biết, ở  một số nước giàu có, văn minh, chính sách an sinh xã hội tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp như: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan… thì tỷ lệ mại dâm cực kỳ thấp, nhất là đối tượng bán dâm là dân bản địa. Từ đó có thể nhận thấy, tệ nạn mại dâm có một phần nguyên nhân từ chính sách an sinh xã hội của một quốc gia, chính sách an sinh xã hội tốt, xã hội giàu có, văn minh thì tỷ lệ mại dâm cũng giảm. Để giảm tỷ lệ mại dâm thì cần phải cải thiện đời sống xã hội.

Về các biện pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay, theo LS Trương Anh Tú, phải phân ra làm 2 dạng để có biện pháp phù hợp.

Dạng thứ nhất đó là mại dâm được bảo kê, bị cưỡng bức bán dâm và bán dâm trẻ em. Đối với mại dâm dạng này cần phải giải quyết mạnh tay, quyết liệt bằng các chế tài hành chính (phạt tiền, buộc phải thực hiện một số thời giờ lao động công ích hoặc đưa vào cơ sở giáo dục) thậm chí cả bằng những biên pháp hình sự đối với những đối tượng bảo kê, môi giới hoạt động theo kiểu băng nhóm, xã hội đen.

Dạng thứ hai đó là mại dâm tự nguyện, đối với dạng mại dâm này cần phải có một chính sách đồng bộ.

Những người tham gia dạng mại dâm này thường là những người không có nghề nghiệp, không được học hành, đào tạo do vậy cần thiết phải có chính sách hướng nghiệp, hỗ trợ vốn để những đối tượng này có thể kiếm sống bằng những nghề nghiệp khác.

“Chúng ta phải thừa nhận một thực tế khách quan rằng không thể tiêu diệt được tận gốc tệ nạn mại dâm trong một xã hội, bởi đây là một hiện tượng xã hội có những nguyên nhân nội tại, vì vậy chúng ta chỉ có thể dừng lại ở mức độ kiềm chế, kiểm soát mà thôi”, LS Trương Anh Tú nói.

 

Top