Có nên bỏ án tử hình của tội vận chuyển trái phép chất ma túy?

24/07/2015 10:30

Theo tôi là không nên áp dụng án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu Quốc hội quyết định vẫn áp dụng án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì phải xem xét giảm nhẹ cho người phạm tội lần đầu, người nghiện ma túy, người nghèo bị mua chuộc lôi kéo.

Đại tá Phạm Văn Chình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Ảnh Hoàng Anh

Trong những năm qua tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nguyên nhân do áp lực của tội phạm ma túy ở khu vực Tam giác vàng, ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Đồng thời người sử dụng ma túy ở Việt Nam liên tục gia tăng, từ năm 2000 có khoảng 80.000 người nghiện ma túy, năm 2014 đã lên đến 204.377 người. Mặt khác do tác động của tình hình mở cửa hội nhập nên các đối tượng phạm tội ma túy lợi dụng du lịch, thăm thân, làm ăn kinh tế, các đối tượng người nước ngoài đã móc nối với người Việt Nam vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Nam Mỹ, khu vực Trăng lưỡi liềm… vào Việt Nam tiêu thụ và đi nước thứ ba.

Được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công an, sự vào cuộc của các ngành, các cấp nên cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy đã dành được những kết quả đáng khích lệ, góp phần ngăn chặn kiềm chế tội phạm ma túy. Nhất là Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009, Chương 18 đã cụ thể hóa các hành vi phạm tội về ma túy, có tác dụng to lớn trong phòng chống tội phạm ma túy, những hành vi về tội phạm này đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Mặc dù vậy, Chương 18 Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng còn một số bất cập mà kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thảo luận để sửa đổi, bổ sung. Ngày 14/7/2015, Chính phủ đã có kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự.

Trong sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự đợt này, dư luận xã hội cũng có những băn khoản lo lắng, có nên bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy ? Có là sơ hở cho tội phạm ma túy phát triển phức tạp hay không? Để độc giả hiểu thêm về lo lắng này tôi xin được trao đổi một số ý kiến như sau:

Bộ luật Hình sự năm 1999 ghép 4 hành vi: vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chiếm đoạt trái phép các chất ma túy vào cùng một tội. Nhưng thực tế đây là 4 hành vi độc lập về tính chất, mức độ, hành vi khác nhau.

Sửa đổi Bộ luật Hình sự đợt này Ban soạn thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự đề nghị tách Điều 194 của Bộ luật Hình sự ra thành 4 tội độc lập. Trong đó người mua bán trái phép chất ma túy là người chủ mưu, cầm đầu trong đường dây là người được lợi nhuận lớn, ví dụ: 1 bánh heroin (350 gram) người mua bán có thể được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, người vận chuyển thường là người làm thuê, người nghèo, người nghiện ma túy, người bị lệ thuộc, người bị mua chuộc, lôi kéo hưởng lợi ít (1 bánh heroin người vận chuyển chỉ được hưởng lợi khoảng 2 đến 10 triệu đồng tùy theo cung đường vận chuyển). Chính vì vậy, ban soạn thảo chỉ đề nghị tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Các tội như vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt trái phép chất ma túy chỉ áp dụng khung hình phạt cao nhất là chung thân.

Theo quan điểm của tôi, bỏ tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy là điều cần thiết bởi các lý do sau:

Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước để hội nhập với thế giới đảm bảo dân chủ nhân quyền cần xem xét giảm bớt tội có mức án tử hình, chủ yếu áp dụng tử hình những tội đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội sự tồn vong của đất nước. Và theo điều 3 của Bộ luật Hình sự  năm 1999 nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu, khoan hồng cho người lầm lỗi, ăn năn hối cải bị mua chuộc lôi kéo.

Tội phạm ma túy thường hình thành tổ chức đường dây khép kín gồm các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người trong đường dây như: người chủ mưu cầm đầu là người mua bán, được hưởng lợi lớn, người vận chuyển thường là người nghiện ma túy, người làm thuê, bị mua chuộc, lôi kéo, hưởng lợi ít, nếu tử hình người vận chuyển trái phép chất ma túy thì pháp luật đánh đồng người chủ mưu cầm đầu là người mua bán với người vận chuyển trái phép chất ma túy là người làm thuê.

Thực tế trong quá trình điều tra truy tố xét xử những năm qua hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, căn cứ vào Bộ luật Hình sự quy định nếu người vận chuyển ma túy biết được người mua, người bán, người vận chuyển trái phép chất ma túy nhiều lần, thì cơ quan điều tra đều khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm. Do vậy, dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, các tội phạm về ma túy chỉ để tội mua bán trái phép chât ma túy có khung hình phạt tử hình nhưng hạ trọng lượng ma túy xuống mức thấp như được quy định ở khoản 4, điều 252 (sửa đổi) “người nào mua bán trái phép (heroin, cocain, MDMA…) có khối lượng 45 gram trở lên thì bị phạt tù chung thân”; khoản 5 quy định: “người chỉ huy, cầm đầu chủ mưu đường dây mua bán trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 điều này thì bị phạt tử hình”.

Như vậy, dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này quy định chỉ áp dụng án tử hình đối với người chỉ huy, cầm đầu, chủ mưu trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy, đã cụ thể hóa hành vi của từng người, nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu là người hưởng lợi lớn, đối với người vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy áp dụng mức án tù cao nhất là chung thân với trọng lượng ma túy (heroin, cocain, MDMA…) 135 gram trở lên. Mặc dù bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng những người phải chịu mức án tử hình của tội mua bán trái phép chất ma túy sẽ cao hơn rất nhiều vì trọng lượng ma túy được hạ xuống thấp hơn nhiều so với luật năm 1999.

Dư luận hiện nay đang băn khoăn nếu không tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì tình hình tội phạm ma túy có phức tạp không? Đây cũng là điều trăn trở của những người làm Luật. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử những vụ án phạm tội về ma túy từ trước đến nay rất ít trường hợp tử hình đối với người vận chuyển trái phép chất ma túy. Chỉ có một số vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy bị xét xử mức án tử hình, sau đó đã được Chủ tịch nước giảm án xuống chung thân hoặc năm 2000 Tòa án tỉnh Sơn La xét xử tuyên phạt tử hình bị cáo là cô giáo nghỉ hưu do hoàn cảnh nghèo đã vận chuyển 2 bánh heroin từ trong bản ra đường bán cho một đối tượng. Sau khi thi hành án tử hình, những cán bộ điều tra truy tố xét xử đều có nỗi trăn trở với hành vi phạm tội của cô giáo do hoàn cảnh nghèo đã vận chuyển ma túy mà cả hai vợ chồng phải chịu hình phạt nghiêm khắc, để lại đằng sau 2 con nhỏ không nơi nương tựa.

Chính vì những lý do nêu trên, theo tôi là không nên áp dụng án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu Quốc hội quyết định vẫn áp dụng án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì phải xem xét giảm nhẹ cho người phạm tội lần đầu, người nghiện ma túy, người nghèo bị mua chuộc lôi kéo.

Để công tác phòng chống ma túy đạt kết quả tốt, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Ngành, các địa phương phải tích cực thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị ngày 26/3/2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy của chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn tiếp theo. Tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy. Chính phủ cần quan tâm đầu tư kinh phí, con người cho công tác tuyên truyền, công tác điều tra, công tác cai nghiện,… Đồng thời có sự chỉ đạo quyết liệt các Bộ, các ngành và các địa phương chủ động đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường công tác quản lý, cai nghiện, mục đích phải cắt “cầu” giảm “cung”. Có như vậy thì tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy mới giảm.

Đại tá Phạm Văn Chình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Top