Chuyên gia tư vấn cách xử lý khi bị phơi nhiễm HIV

24/10/2018 17:58

Những người phơi nhiễm HIV phải được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 72 giờ, tối ưu là 6 giờ đầu. Còn đối tượng là những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao cần được tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm như một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện.

Khách mời của tọa đàm là TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Ảnh: Thùy Chi

Để cung cấp thông tin cho bạn đọc về cách xử trí với trường hợp sau khi phơi nhiễm HIV và các biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm, chiều 24/10, Báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Thời gian vàng” điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV".

Cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt

Phơi nhiễm với HIV là tình huống có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV.
Phơi nhiễm với HIV là tình huống gặp trong đời sống hàng ngày. Dù không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV đều bị nhiễm nếu biết được “khoảng thời gian vàng” để điều trị dự phòng kịp thời. 

Hiện nay, với những tiến bộ của y học, con người đã dần kiểm soát được HIV bằng việc sử dụng thuốc trong dự phòng.

TS.BS Hoàng Đình Cảnh cho biết, từ năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xử trí phơi nhiễm HIV nghề nghiệp (cho cán bộ y tế, công an) và ngoài nghề nghiệp. Việc điều trị cần tiến hành càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 6 tiếng và tối đa là không quá 72 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm, nghĩa là không quá 3 ngày. Nếu sau 3 ngày thì điều trị không còn tác dụng. Như vậy, chỉ điều trị bằng thuốc kháng HIV khi xác định có nguy cơ và phải dùng thuốc đúng phác đồ và trước 72 giờ. Thời gian điều trị là trong 28 ngày liên tục.

“Hiện nay thuốc và phác đồ điều trị của chúng ta là rất tốt. Mỗi năm có hàng nghìn người phơi nhiễm và được điều trị. Trong những năm gần đây, theo báo cáo, không có trường hợp nào bị HIV do phơi nhiễm sau điều trị, đó là điều rất đáng mừng”, TS. Cảnh cho hay.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho biết, khái niệm phơi nhiễm HIV/AIDS là chỉ tình trạng người không có HIV/AIDS tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể của người nghi nhiễm HIV/AIDS.

Trên thực tế có rất nhiều tình huống có thể coi là phơi nhiễm HIV/AIDS như sử dụng chung bơm kim tiêm, dẫm phải kim tiêm hoặc bị các thương bởi các vật sắc nhọn dính máu của đối tượng không rõ ràng có HIV/AIDS hay không. Thậm chí, có những phơi nhiễm nghề nghiệp như nhân viên y tế khi mổ xẻ, khi tiêm truyền bị cắt, đâm kim vào chân tay mà có tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của bệnh nhân có HIV/AIDS. Hoặc là công an khi trấn áp tội phạm xảy ra xô xát giữa các vết thương mà đối tượng đó nghi ngờ nghiễm HIV/AIDS. Tình huống phơi nhiễm rất đa dạng.

Do tình huống phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp rất đa dạng và nguy cơ khác nhau, ví dụ nếu như khi truyền máu có HIV thì trên 90% người bị nhiễm. Tuy nhiên, khi sử dụng chung bơm kim tiêm thì nguy cơ chỉ 6/1.000, nếu như dẫm phải kim tiêm nhỏ thì dưới 3/1.000. Quan hệ tình dục đồng giới nam thì người tiếp nhận có nguy cơ 8/1.000, người cho thì nguy cơ 4/1.000 hoặc lây nhiễm từ mẹ sang con khoảng 25% nếu không điều trị tốt, khống chế vi rút trước khi sinh.

Tuỳ thuộc vào tình huống khác nhau sẽ được xử lý khác nhau. Ví dụ như quan hệ tình dục không an toàn hoặc dẫm phải bơm kim tiêm, cắt xẻ trực tiếp với máu thì thông thường sẽ được xét nghiệm, nếu chưa từng mắc HIV thì sẽ được điều trị dự phòng, nếu đã nhiêm HIV rồi thì dự phòng không có ý nghĩa. Hoặc là với những đối tượng tiêm chích ma tuý thường xuyên thì việc dự phòng cũng ít ý nghĩa. Đối với trường hợp tiếp xúc nguy cơ rất thấp như đối với nước bọt, nước mắt, mồ hôi của người nhiễm HIV thì nguy cơ vô cùng thấp.

Thông thường, với người nhiễm HIV có 4 giai đoạn, trong giai đoạn “cửa sổ” từ 3-6 tháng người mang HIV trong người xét nghiệm có thể âm tính, trong những trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm thi đôi khi phải sử dụng biện pháp cao cấp hơn để xác định HIV trong giai đoạn “cửa sổ”. Xét nghiệm sang lọc thông thường thì độ nhạy tương đối cao để đảm bảo không bỏ sót HIV.

Đáp ứng tất cả trường hợp phơi nhiễm HIV/AIDS

Phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp là việc xảy ra thường xuyên. Ở nước ta hàng năm con số được báo về là khoảng 1.000 trường hợp, bao gồm cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ, tai nạn tiếp xúc với bơm kim tiêm, dao mổ. Các chiến sỹ công an, bộ đội biên phòng.

Bên cạnh đó còn lực lượng phơi nhiễm rất lớn như quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với người nhiễm mà không dùng bao cao su hoặc bị vỡ bao cao su, tiêm chích chung…

TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết, thời gian qua ngành Y tế đã tham gia xử lý nhiều trường hợp, điển hình là vụ 18 y bác sĩ bị phơi nhiễm khi cấp cứu sản phụ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Vụ 17 cán bộ y tế và 7 người dân tham gia cứu nạn do tai nạn giao thông có tiếp xúc trực tiếp với máu của hai nạn nhân nhiễm HIV tại Kom Tum. Vụ 37 học sinh trường cơ sở Thiên Xuân, Thọ Xuân, Thanh Hóa dùng dùng que thép, nan hoa, kim tiêm nghi có dính máu HIV đâm vào các bạn cùng trường khiến phụ huynh của các em bị đâm đó hết sức hoang mang lo lắng. Đấy là ba vụ điển hình trong các tình huống khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày có thể phơi nhiễm với HIV.

Khi xảy ra các vụ việc trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương xử trí theo quy định chuyên môn, tổ chức xét nghiệm và điều trị dự phòng phơi nhiễm. Rất may, chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV trong các vụ việc kể trên.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho hay, đường dây nóng của bệnh viện chúng tôi đêm nào cũng có 3,4 trường hợp xin tư vấn, chủ yếu là tư vấn về phơi nhiếm HIV/AIDS. Thông thường thì là trường hợp nhậu sau, kéo nhau đi mua dâm và rách bao cao su hoặc người ta nhẫm phải, bơm kim tiêm hay vật sắc nhọn mà người ta nghi ngờthì người ta gọi điện tư vấn.

“Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương luôn bảo đảm hệ thống trực 24/24 để đáp ứng tất cả trường hợp phơi nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng cũng như phơi nhiễm nghề nghiệp. Thông thường, tình huống hay gặp nhất là người dân, người sử dụng ma tuý bất cẩn, xay xỉn không kiểm soát được, sử dụng chung bơm kim tiêm, họ đế để họ dự phòng. Thứ hai là những người quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc bị rách bao cao su, sau đó họ lo lắng họ đến tư vấn để xử trí. Tất cả các nhân viên y tế, công an, bộ đội… hay người dân tham gia cứu hộ cứu nạn bị tai nạn chảy máu có tiếp xúc với các dịch tiết nghi ngờ có HIV thì có thể đến tư vấn dự phòng”, Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nói.

Cho đến nay, nhân loại vẫn chưa tìm ra được loại vaccine để phòng lây nhiễm HIV. Các nghiên cứu được tiến hành rất công phu, rất tốn kém, nhưng với chủng virus biến đổi thường xuyên nên vaccine chưa phát huy được hiệu quả. Cho nên TS. Hoàng Đình Cảnh khẳng định, vaccine hữu hiệu nhất hiện nay là nâng cao hiểu biết về HIV, tuyên truyền thay để mọi người biết và dự phòng.
Top