Cho phép mang thai hộ: Không để biến tướng

23/08/2014 08:03

“Việc cho phép mang thai hộ là một quan điểm tiên tiến, không chỉ về xây dựng luật mà cả về phương diện thực tiễn gia đình, xã hội”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Bộ môn Xã hội học Giới và Gia đình, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đánh giá việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thỏa mãn khát vọng làm mẹ, làm cha

Theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi mới được Quốc hội thông qua đã điều chỉnh một số điều luật theo hướng tiến bộ hơn (trong đó có vấn  đề mang thai hộ), phản ánh thực tiễn khách quan vấn đề gia đình Việt Nam hiện nay, thể hiện xu hướng hòa nhập quốc tế trong vấn đề hôn nhân gia đình.

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh. Ảnh Nhật Thy

Là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về giới, hôn nhân và gia đình, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cho biết, mang thai hộ xuất phát trên cơ sở thực tiễn hiện nay là vấn đề vô sinh trong nhóm những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang có xu hướng tăng. Hiện tượng vô sinh có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là vô sinh do tự nhiên, môi trường sống không tốt, điều kiện lao động độc hại nguy hiểm, thứ hai do hành vi lối sống như nghiện bia rượu, nghiện ma túy, mắc bệnh lây nhiễm đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn, biến chứng do nạo hút thai… khiến cho tỷ lệ vô sinh tăng.

Khác với phương Tây, tại Việt Nam, các cặp vợ chồng khi xây dựng gia đình luôn mong muốn có con. Việc cho phép mang thai hộ giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể thỏa mãn khát vọng làm mẹ, làm cha.

Đánh giá cao tính nhân văn của việc cho phép mang thai hộ, tuy nhiên, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cũng bày tỏ băn khoăn khi việc mang thai hộ sẽ bị thương mại hóa nếu quản lý xã hội không tốt. Một số nhóm người sẽ lợi dụng khát vọng có con của một số cặp vợ chồng để kinh doanh.

“Nếu kiểm soát không tốt, sẽ có một số nam giới lợi dụng để có con với những người phụ nữ khác trên danh nghĩa mang thai hộ”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cảnh báo.

Tiếp đến là việc giải quyết mối quan hệ tình cảm giữa người mang thai hộ với đứa con mình đẻ ra rồi trả lại cho gia đình người nhờ mang thai như thế nào. Luật đã quy định rõ ràng, tuy nhiên người Việt Nam về mặt đạo lý tình cảm thường rất khó giải quyết. Liệu rằng những người phụ nữ mang thai hộ có thể quên được không sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau? Rồi đứa con sau này có nên biết việc nó được sinh ra như thế nào hay không? Liệu có xảy ra chanh trấp liên quan đến sinh con nhờ mang thai hộ? Để giải quyết vấn đề cả về mặt tình cảm và pháp lý, cả bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai cần được tư vấn tâm lý và tư vấn luật trước và sau khi thực hiện “công việc” nhân đạo này.

Cũng cần nói thêm, việc thực hiện chính sách thai sản đối với người mang thai hộ, luật chỉ áp dụng đối với những trường hợp làm công ăn lương. Còn với đa số những người làm việc ở lĩnh vực kinh tế phi chính thức, chính sách thai sản này khó vận dụng.

Không nên kỳ vọng Luật có thể giải quyết mọi vấn đề

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa  đổi, người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và  "chỉ được mang thai hộ một lần". Điều này khiến dư luận băn khoăn là cánh cửa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chưa thật sự mở rộng đối với những gia đình hiếm muộn vì nhiều gia đình, vợ chồng là con một, họ hàng 2 bên hiếm con gái; rủi ro thai sản…

Về vấn đề này, theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, định nghĩa mang "chỉ được mang thai hộ một lần" cần được hiểu thấu đáo. Mang thai hộ một lần không có nghĩa là sinh được con ngay lần mang thai đó, vì có thể có những rủi ro trong quá trình thai nghén. Nghị định hướng dẫn phải chỉ rõ việc mang thai hộ một lần là giúp cho người nhờ mang thai sinh được một con, còn việc một lần mang thai mà phải kết thúc thai nghén bất thường (phát hiện dị tật của bào thai, sảy thai, thai chết lưu..) là chưa đạt được mục đích cho người nhờ mang thai hộ.

Bên cạnh đó, việc nhờ mang thai hộ sẽ là thách thức với những gia đình không có chị em gái, hoặc có nhưng hết độ tuổi sinh đẻ. Nếu cứ quy định người mang thai hộ phải là những người trong dòng họ, thì Luật không đáp ứng được mục tiêu của những gia đình trên. Tuy nhiên, nếu có quy định riêng về những trường hợp như vậy, thì sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều người lợi dụng “lách luật”, hình thành thị trường mang thai hộ khó kiểm soát.

“Luật đúng nhưng không có luật nào đủ. Luật do con người xây dựng nên và kiến thức của con người có giới hạn, khi những chuyên gia khi xây dựng luật tại thời điểm này họ nhận thức vấn đề như thế, không thể hình dung hết trong thực tiễn những gì có thể xảy ra, nên luật chỉ có thể đáp ứng phần lớn những gì trong cuộc sống đang diễn ra mà luật có thể giải quyết được. Những vấn đề khác, nếu có sẽ tiếp tục được giải quyết sau một thời gian luật được triển khai, bộc lộ ra những mặt được và chưa được cần khắc phục, khi đó chúng ta có thể bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện thêm luật bằng điều luật sửa đổi hoặc ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Đó là đặc điểm trong xây dựng văn bản luật. Có những bộ luật tồn tại trường tồn nhưng cũng có những bộ luật thay đổi sau một số năm hoặc vài thập kỷ. Chúng ta không nên kỳ vọng một luật có thể giải quyết được mọi vấn đề”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh nói.

Để luật đi vào đời sống một cách đúng hướng

Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, Bộ Y tế đưa ra hai phương án về cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ: Thứ nhất: Chỉ có 3 cơ sở là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế được thực hiện kỹ thuật này. Thứ hai: là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, phương án thứ hai là phương án tối ưu. Thực hiện mang thai hộ ở 3 bệnh viện lớn có ưu điểm là đội ngũ chuyên gia tốt, nhiều kinh nghiệm, đã có nhiều ca thành công, nhưng tốn kém chi phí do người dân phải đi lại xa, chờ đợi lâu. Nhiều người hiếm muộn mong muốn có con nhưng không khá giả gì. Nên áp dụng việc mang thai hộ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để giảm chi phí, thời gian, công sức và nhân lực cho các gia đình ở các địa phương xa 3 Trung tâm, đỡ lãng phí cho xã hội.

Để việc mang thai hộ thực sự đảm bảo tính nhân đạo và phù hợp với pháp luật, xã hội Việt Nam, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục phải đi đầu. Phải tuyên truyền cho mọi người thấy luật đúng và nhân văn, sao cho những cán bộ thuộc các ngành chức năng có liên quan hiểu rõ để hoàn thành tốt công việc, cho những cặp vợ chồng hiểu đúng quyền và nghĩa vụ để tuân thủ, không vi phạm pháp luật, lách luật. Đồng thời, cần nghiêm khắc trừng phạt, cho dù là người mong muốn có con, người mang thai hộ hay cán bộ tiếp tay cho việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Chỉ có như vậy, luật mới đi vào đời sống một cách đúng hướng.

Top