Cha mẹ nhiễm HIV: Có nên sinh con bằng mọi giá?

16/12/2011 15:41

Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng hiệu quả với tỷ lệ trẻ sinh ra không nhiễm HIV khoảng 95%. Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ lệ sinh con ở những cặp vợ chồng nhiễm HIV vẫn để lại không ít băn khoăn, trăn trở.

Xu hướng sinh con của những cặp vợ chồng nhiễm HIV ngày càng tăng.

Theo BS Nguyễn Ban Mai - Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ: "Nếu như trước kia nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh con vì thiếu hiểu biết, lỡ dính bầu... thì hiện nay số cặp vợ chồng nhiễm HIV đến BV, trung tâm y tế tìm hiểu thông tin, xin tư vấn và quyết định chủ động mang thai ngày càng tăng. Đặc biệt, đa phần những cặp vợ chồng này là những người có trình độ và đủ kiến thức, thông tin về việc hạn chế tối đa khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con".

Trẻ em nhiễm HIV tham gia hội trại do Ủy ban phòng, chống AIDS TP.HCM tổ chức.

Cặp vợ chồng P.T.A.D. và L.V.N. là một trường hợp như thế. Yêu nhau khi cùng sinh hoạt ở Câu lạc bộ (CLB) đồng đẳng dành cho người nhiễm HIV. Sau ba năm chung sống, họ nhận ra rằng cuộc sống vợ chồng dẫu êm ấm vẫn không trọn vẹn vì thiếu tiếng bi bô của trẻ thơ. Mỗi buổi  đi làm về, N. lại thẫn thờ ngồi nhìn trẻ em  trong xóm chơi đùa. Sinh hoạt ở CLB đồng đẳng, hai vợ chồng được biết tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con có thể dưới 5%, nếu được can thiệp và điều trị dự phòng kịp thời. Bàn đi tính lại, họ quyết định sinh con với hy vọng: "Mình sẽ không xui xẻo nằm trong 5% ấy". Chín tháng D. mang bầu dài như chín thế kỷ. "Gần như không đêm nào chúng tôi ngủ ngon. Những giấc mơ của hai vợ chồng chỉ ám ảnh bởi chuyện sinh con và xét nghiệm HIV cho con", N. nhớ lại.

Và số phận đã mỉm cười với họ khi một bé trai chào đời khỏe mạnh. Ba lần xét nghiệm lúc bé hai tháng, sáu tháng và 18 tháng đều kết luận bé âm tính với HIV. Bé giờ đã ba tuổi, có nụ cười của mẹ và khuôn mặt giống hệt ba, là "báu vật trời cho" của đôi vợ chồng từng nghĩ mọi cánh cửa cuộc đời đã khép kín với họ.

V.M.O., 32 tuổi, đã có thai 26 tuần. Chị đang chuẩn bị để được uống thuốc dự phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở tuần 28. Đôi mắt đượm buồn, chị kể: "Lấy chồng năm 22 tuổi, ngày sinh con cũng là lúc tôi biết mình lây nhiễm HIV từ chồng. Nghiệt thay, đứa con gái chào đời cũng dương tính với HIV. Con gái tôi giờ sức khỏe rất yếu, bác sĩ tiên đoán có chiều hướng xấu. Cùng sinh hoạt ở CLB dành cho người nhiễm HIV, thấy mấy cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh con đều khỏe mạnh nên chúng tôi quyết định có thai. Vợ chồng tôi đã gặp bác sĩ để nghe tư vấn, chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, siêu âm canh ngày trứng rụng... với mong muốn tránh tối đa rủi ro. Cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhưng chúng tôi lại tự trấn an, biết đâu, vài năm nữa y học đã tìm được thuốc chữa HIV. Cũng có lúc, chúng tôi băn khoăn với quyết định của mình nhưng khát khao được ôm con vào lòng át tất cả”.

Hiện, những cặp vợ chồng nhiễm HIV muốn sinh con ngày càng tăng. Một chương trình trò chuyện trực tiếp giữa các bác sĩ và người nhiễm HIV của đài PTTH Long An đã nhận được hàng trăm câu hỏi trong thời gian ngắn, xoay quanh những thắc mắc "Làm sao để sinh con an toàn? Làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con? Vợ chồng nhiễm HIV có nên sinh con?"... Một hội thảo của những cặp vợ chồng nhiễm HIV với chủ đề "Khát vọng làm cha mẹ của người có HIV" đã được tổ chức tại Trung tâm tư vấn hỗ trợ cộng đồng Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Cần suy tính kỹ

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào ra đời khỏe mạnh, không có HIV đều yên ổn. Nhất là khi cha mẹ chúng lần lượt qua đời như trường hợp của cô bé H. H. có khuôn mặt xinh xắn nhưng đôi mắt buồn đến nao lòng. Kể về đứa cháu nội, bà Trần T.M.P. (Q.5, TP.HCM) nghẹn ngào: "Ba mẹ cháu quen nhau khi ở trại cai nghiện, cả hai đều nhiễm HIV trước khi cưới. Tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ từ trước khi mang thai nên bé sinh ra không bị nhiễm HIV. Chưa kịp mừng thì ba mẹ cháu lần lượt mất chỉ trong vòng một năm, khi cháu chưa tròn ba tuổi. Ông bà nội dù có thương cháu nhưng vẫn không thể bằng cha mẹ. Trẻ con hàng xóm bị bố mẹ cấm tuyệt đối không cho sang nhà chơi với "con thằng sida". Ký ức tuổi thơ của cháu hình như chưa có niềm vui. Mỗi lần nhìn cháu lủi thủi một mình, tôi không cầm lòng nổi. Ông bà đã gần bảy mươi, không biết còn sống với cháu được bao lâu. Cháu sẽ ra sao khi ông bà không chăm lo được nữa?". Thấy bà nội khóc, bé H. cũng khóc òa, tiếng khóc đầy ấm ức, tủi thân.

Hoàn cảnh gia đình chị V.N.H.T. (Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng không khá hơn. Hai vợ chồng nhiễm HIV, do được chăm sóc và điều trị dự phòng khi chị mang thai nên cháu bé ra đời hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng tiếng cười không ở lâu với gia đình chị. Anh U. chồng chị đã chuyển sang giai đoạn AIDS, một mình chị vừa chăm sóc chồng con, vừa bươn chải nuôi ba miệng ăn. Trong ngôi nhà lụp xụp cuối con hẻm quanh co, đứa bé hơn hai tuổi đang lê la dưới nền đất. Anh U. tự giam mình ở khoảng sân chật chội, nóng hầm hập phía sau nhà vì sợ lây bệnh cho con. Đi bán về, chị bới vội cho con chén cơm nguội, chan chút nước canh và mấy vụn cá kho. Đứa bé ngoan ngoãn ngồi ăn ngon lành. Khuôn mặt sạm đen vì bệnh tật, vì trăm ngàn nỗi lo đè nặng trên vai, chị T. nói trong nước mắt: "Hết tuần này tôi phải dọn đi, chủ nhà không cho ở vì sợ lây bệnh. Trước mắt sẽ ở tạm nhà người bạn cùng cảnh ngộ tận Hóc Môn. Vợ chồng tôi sao cũng được. Chỉ thương con... Nó còn nhỏ quá... Có lẽ vợ chồng tôi đã tính sai khi quyết định sinh cháu".

Ghi nhận tại các BV phụ sản, không ít trường hợp trẻ trong cảnh ngộ này đã mồ côi cha khi chưa kịp chào đời. Sinh con xong không lâu, mẹ các em cũng chết. Đa số các em được gửi vào các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Một số khác được người thân như ông bà, chú dì... nuôi dưỡng. Tuy nhiên, lớn hơn một chút, trẻ lại phải chịu áp lực từ sự phân biệt đối xử, kỳ thị của xã hội dành cho những đứa trẻ có cha mẹ nhiễm HIV.

Quyền được sinh con, khát khao được làm cha mẹ là ước mơ chính đáng của người không may mang trong mình virus HIV. Nhưng có nên sinh con bằng mọi giá? Chị Phạm Thị Huệ, trưởng nhóm đồng đẳng Hoa Phượng Đỏ (Hải Phòng), tình nguyện viên dự án GIPA bày tỏ quan điểm: "Ai cũng khát khao được làm cha mẹ. Nhưng khi đã nhiễm HIV thì nên cân nhắc trước khi quyết định sinh con. Nếu sinh con chỉ để thỏa mãn khát khao, ước vọng của bản thân mình thì e rằng hơi ích kỷ. Nếu được chăm sóc, điều trị dự phòng tốt, tỷ lệ trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ rất thấp, nhưng không phải là không có. Ngay cả khi trẻ không nhiễm HIV, tương lai của trẻ cũng đầy khó khăn".

Ở góc độ y khoa, PGS.TS Bác sĩ Vũ Thị Nhung - nguyên Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương cho biết thêm: "Dù  biện pháp can thiệp trong phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con khá hiệu quả, nhưng các cặp vợ chồng nhiễm HIV cũng nên suy tính kỹ trước khi mang thai. Chưa kể quá trình mang thai, sinh nở khiến sức khỏe người mẹ giảm sút nhiều, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ chuyển từ HIV sang AIDS nhanh chóng hơn".

Top