Cần có cơ chế đặc thù riêng cho người nhiễm HIV/AIDS

04/10/2017 16:55

Trong xã hội hiện vẫn xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS, do đó cần phải có cơ chế đặc thù riêng cho đối tượng này.

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Chi

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Theo dự thảo, người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV và người tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật.

Dự thảo đang được đăng tải, lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, các cơ quan và người dân. Để thông tin rõ hơn về dự thảo này, Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi phỏng vấn ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế.

Thưa ông, xin ông cho biết rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo lần này?

Ông Phan Văn Toàn: Đối tượng điều chỉnh là người nhiễm HIV/AIDS và người sử dụng các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS. Nếu họ là người lao động thì họ phải đóng 1,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 3%. Nếu họ là đối tượng thuộc cơ quan bảo hiểm xã hội đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đóng cho họ. Nếu họ thuộc ngân sách nhà nước đóng, ví dụ như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… thì họ sẽ không phải đóng bảo hiểm y tế mà được ngân sách nhà nước đóng. Họ cũng có thể là đối tượng thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ, bao gồm: 1. Học sinh, sinh viên; 2. Hộ cận nghèo; 3. Hộ nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Với những đối tượng trên, học sinh, sinh viên có mức sống trung bình được hỗ trợ 30%, bản thân họ phải chi trả phần còn lại. Đối tượng hộ cận nghèo được hỗ trợ 70%. Đối tượng tham gia theo hộ gia đình không được ngân sách nhà nước hỗ trợ, nhưng lại được giảm dần. Người thứ nhất đóng hơn 700 nghìn đồng/năm, người thứ 2 đóng 70% của người thứ nhất, người thứ 3 đóng bằng 60%, người thứ 4 đóng bằng 50%, từ người thứ 5 trở đi thì đóng 40% của người thứ nhất.

Theo dự thảo, người tham gia BHYT nhiễm HIV/AIDS và người tham gia BHYT không sử dụng các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS thì sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Ông Phan Văn Toàn: Trước hết, phải nói đặc thù của nhóm đối tượng này là không được quy định cụ thể trong luật, tuy nhiên trong xã hội vẫn có tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS, do đó cần phải có cơ chế đặc thù riêng cho đối tượng này.

Đối với người nhiễm HIV/AIDS, vẫn còn khá nhiều người chưa có bất kỳ loại giấy tờ gì để chứng minh nhân thân của mình, như chứng minh thư, hộ khẩu, do đó cần phải có thông tư quy định riêng. Quyền lợi của họ đầu tiên phải là được tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, họ phải được tham gia bảo hiểm y tế theo một kênh riêng, đó là các cơ sở khám bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS lập danh sách riêng các đối tượng nhiễm HIV, sau đó chuyển đến các cơ quan theo chỉ định của Bộ Y tế. Lập danh sách để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Quyền lợi nữa là, nhiều người nhiễm HIV/AIDS thường đến khám bệnh ở nơi không phải họ cư trú để che giấu danh tính. Do đó, để bảo đảm thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS, dự thảo thông tư lần này cho họ được tiếp tục đăng ký khám chữa bệnh ở cơ sở mà lâu nay họ đang điều trị, để họ tiếp tục điều trị ở đó và hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Vậy theo ông, khi dự thảo được thông qua thì sẽ mang lại những tác động gì đối với những người nhiễm HIV/AIDS nói riêng và xã hội nói chung?

Ông Phan Văn Toàn: Vì người nhiễm HIV/AIDS đang được cung ứng thuốc ARV miễn phí, do đó không bị tác động nếu họ không có thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng sau này, khi thuốc ARV không được cấp miễn phí nữa, mà chuyển hướng cấp thông qua bảo hiểm y tế, thì những người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Do đó, Thông tư lần này hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, đồng thời hướng dẫn thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng về việc bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS được tham gia bảo hiểm y tế. Khi 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế thì họ sẽ được sử dụng thuốc ARV và những dịch vụ kỹ thuật có bảo hiểm y tế chi trả.

Nếu chúng ta không thể bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS được tham gia bảo hiểm y tế, được điều trị theo đúng phác đồ thì khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng là rất lớn. Khi đó đại dịch HIV/AIDS sẽ có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top