Bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV

17/05/2014 08:45

Mặc dù các văn bản với đầy đủ cơ sở pháp lý liên quan đến bảo hiểm y tế cho những người nhiễm HIV/AIDS đang được dần hoàn thiện tuy nhiên, vấn đề đảm bảo quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn một số trở ngại.

Trao đổi với phóng viên Trang tin Tiếng Chuông, ông Lê Văn Khảm – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí liên quan đến chuẩn đoán, điều trị HIV/AIDS của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giống các bệnh khác; không có sự khác biệt về quyền lợi giữa người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT với người khác.

Ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế. Ảnh Thùy Chi

Người nhiễm HIV vẫn chưa sẵn sàng sử dụng BHYT

Hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS ở tất cả các tuyến, chỉ khác nhau về cấp độ chuyên môn và quy mô quản lý. Hiện nay, tỷ lệ phân bố cơ sở điều trị HIV/AIDS theo tuyến huyện vẫn đang chiếm chủ yếu là 63,2%, tại tuyến tỉnh là 36,8%. Điều này rất gần với định hướng trong luật BHYT là khuyến khích người bệnh điều trị tại các cơ sở tuyến huyện.

Tuy nhiên vẫn còn những trở ngại trong việc khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Đơn cử như việc cung ứng sử dụng thuốc và dịch vụ kỹ thuật. Hiện nay, thuốc ARV được cấp từ Bộ Y tế đến các cơ sở y tế thuộc chương trình, dự án. Tuy nhiên, có một số nhà thuốc bệnh viện cung ứng cho bệnh nhân không thuộc dự án. Ví dụ như tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM, nơi có hơn 1.000 bệnh nhân điều trị HIV/AIDS thì có đến khoảng 500 người không tham gia chương trình, dự án nào.  Có thể do mặc cảm, sợ bị phân biệt, kỳ thị, do vậy, không phải các chương trình, dự án hay BHYT đều là kênh lựa chọn của những người nhiễm HIV/AIDS với những lý do khác nhau.

Thực tế hiện nay rất nhiều bệnh nhân điều trị HIV/AIDS đã được BHYT chi trả, nhưng chúng ta không có con số thống kê cụ thể. Bởi những người này khi điều trị nội trú thì được chuẩn đoán bệnh kèm theo HIV chứ không chuẩn đoán HIV. Ví dụ như những người nhiễm HIV bị viêm phổi, tiêu chảy thì trong hồ sơ bảo hiểm không thể lấy mã bệnh của người nhiễm HIV gán cho họ mặc dù bệnh nhân được chuẩn đoán trên cơ sở là người nhiễm HIV.

Trong quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT đối với người bị nhiễm HIV/AIDS hiện nay, quỹ BHYT sẽ không chi trả khi người điều trị đã được ngân sách nhà nước chi trả. Trường hợp “tổn thương thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật do người đó gây ra” cũng sẽ không được hưởng bảo hiểm. Ngoài ra, quyền lợi BHYT bị hạn chế khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế không ký hợp đồng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Khó khăn nữa trong tiếp cận khám chữa bệnh BHYT của người nhiễm HIV là phần lớn người nhiễm HIV/AIDS chưa sẵn sàng sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh vì mặc cảm với bệnh tật. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân không hiểu và không thấy có sự khác biệt giữa việc có hay không thẻ BHYT.

Ngoài ra, người nhiễm HIV gặp khó khăn khi khám chữa bệnh bằng BHYT như tại nơi đăng ký điều trị, theo dõi HIV/AIDS là các phòng khám ngoại trú không thuộc bệnh viện, hoặc thuộc các bệnh viện chuyên khoa không phải là nơi đăng ký khám chữa bệnh, BHYT ban đầu. Bên cạnh đó, tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh HIV/AIDS và chưa có các quy định/hướng dẫn riêng về chuyển tuyến. Theo ông Lê Văn Khảm, khó khăn này còn tồn tại có thể do cách hiểu chưa thống nhất về văn bản luật liên quan đến HIV/AIDS và BHYT của cơ sở y tế và bảo hiểm xã hội.

Về dự báo nhu cầu kinh phí cho điều trị HIV/AIDS, ông Lê Văn Khảm cho biết, dự kiến kinh phí cho năm 2014 là khoảng 704 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2020 sẽ cần khoảng 1.383 tỷ cho công tác điều trị, trong khi nguồn tài trợ từ phía nước ngoài cho công tác này ngày càng giảm mạnh nên cần xác định nguồn lực tài chính bền vững cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như lồng ghép hoạt động và tận dụng hợp lý các nguồn lực trong hệ thống các cơ sở y tế là một xu hướng phù hợp. Đồng thời, chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ nguồn các chương trình, dự án sang nhiệm vụ từ quỹ bảo hiểm y tế.

Để BHYT cho người nhiễm HIV đạt hiệu quả cao

Từ những thực trạng trên, để BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS được thuận lợi và đạt hiệu quả cao, ông Lê Văn Khảm cho rằng, cần bãi bỏ quy định tại khoản 10, khoản 12 điều 23 Luật BHYT quy định “BHYT không chi trả trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám chữa bệnh tổn thương thể chất, tinh thần do vi phạm pháp luật”.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Khảm cho rằng không thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đối với người nghèo và giảm giảm mức cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đối với người cận nghèo từ mức 20% xuống còn 5%. Ngoài ra, cũng cần xác định gói quyền lợi về dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả phù hợp. “Điều này đã được Bộ Y tế chỉnh sửa và đưa vào dự thảo trong thời gian tới”, ông Khảm cho biết.

Về vấn đề tài chính, cần triển khai các giải pháp huy động nguồn lực. Đồng thời, triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp thực hiện Đề án lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo quyết định 538/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Lê Văn Khảm, khi thực hiện BHYT toàn dân, nghĩa là chúng ta mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, càng có nhiều người tham gia BHYT thì sẽ có sự chia sẻ, cân bằng được mức độ thu chi bảo hiểm. Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình thích hợp sẽ giúp ích cho người nhiễm HIV sử dụng BHYT.

Đối với các giải pháp kỹ thuật, chuyên môn, cần xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS như đăng ký khám chữa bệnh tại các tuyến huyện, tuyến xã, không phân biệt địa giới hành chính trong địa bàn cấp tỉnh để người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện nơi có phòng khám HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển tuyến theo tuyến chuyên môn kỹ thuật; thanh toán chi phí khám chữa bệnh HIV/AIDS, bao gồm cả xác định cụ thể về quyền lợi BHYT liên quan đến khám chữa bệnh HIV/AIDS trên cơ sở các quy định đã có.

Trong cung ứng, sử dụng thuốc ông Lê Văn Khảm cho rằng, cần giải quyết cơ chế cung ứng thuốc ARV do quỹ BHYT chi trả. Hiện nay cơ chế cung ứng thuốc đang mua theo phương thức đấu thầu tập trung, trong khi đó BHYT chi trả theo kiểu trả trực tiếp nên đây cũng là bài toán khó. Có thể giải đáp sẽ là một văn bản pháp lý mang tính kỹ thuật cao hơn.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên thực hiện các giải pháp kiểm soát, quản lý hiệu quả cung ứng dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh HIV/AIDS, kiểm soát cung ứng y tế tránh bị lạm dụng. Tuy nhiên, công tác đặc biệt quan trọng đó vẫn chính là đẩy mạnh truyền thông, huy động cộng đồng và vận động toàn dân tham gia BHYT.
Top