Xóa bỏ rào cản với người cai nghiện bằng Methadone

20/11/2014 17:31

Đây là một trong những mục đích chính của hội thảo “Cộng đồng với việc thực hiện chương trình Methadone” do Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức sáng nay (20/11) tại Hà Nội.

Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

Cai nghiện ma túy là một trong những vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay. Do đó, từ nhiều năm qua, chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone luôn được Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, chương trình vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng”

Vì vậy, hội thảo được tổ chức để tìm hiểu thực trạng việc tiếp cận chương trình Methadone của những người cung cấp dịch vụ điều trị Methadone, những người tiếp cận chương trình điều trị; trao đổi, thảo luận để tìm ra những khó khăn, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 15/10/2014, mới có 38/63 tỉnh thành triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện chất dạng thuốc phiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Bởi vậy, cần có những giải pháp hiệu quả, cấp thiết cho việc điều trị cai nghiện bằng Methadone.

Methadone được đánh giá là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện, giảm đáng kể việc sử dụng ma túy và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo báo cáo của Mạng lưới người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUD), “90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone”, bởi “Methadone góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, có sức khỏe để sống và làm việc; giảm nguy cơ bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Người sử dụng ma túy có thời gian chăm lo con cái và gia đình”.

Tuy nhiên, cho đến nay việc tiếp cận với phương pháp cai nghiện Methadone còn gặp rất nhiều rào cản, khó khăn. Đó là do sự quan tâm chưa thỏa đáng của các cấp chính quyền tại địa phương, việc triển khai kế hoạch còn chậm trễ. Đặc biệt, vấn đề tài chính và nguồn nhân lực còn thiếu.

TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, mỗi trung tâm điều trị Methadone cần ít nhất 8 – 10 cán bộ y tế. Song hiện nay đội ngũ này chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó là mức lương thấp, chế độ chưa thỏa đáng, cộng với thời gian làm việc quá tải dẫn dến chất lượng phục vụ còn hạn chế. Kinh phí để duy trì cho công tác điều trị chủ yếu là viện trợ từ Trung ương.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề như: Khung pháp lý cho việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; điều trị nghiện tại cộng đồng; rào cản trong việc tiếp cận điều trị Methadone; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone xã hội hóa.

Bà Đỗ Thị Vân - Giám đốc Dự án VUSTA điều hành hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình Methadone. Trong đó, việc xã hội hóa các cơ sở điều trị cho người nghiện được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, sẽ tiến hành thu phí những người đến cơ sở điều trị bằng Methadone từ 10.000đ – 15.000đ/người/ngày (chi cho tiền nước, cốc uống nước, điện, vệ sinh môi trường, chi cho cán bộ hợp đồng...).

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình, huy động sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội và mạng lưới đồng đẳng; tăng cường nguồn ngân sách Trung ương để đảm bảo tối thiểu việc mua thuốc điều trị cho các tỉnh thành khó khăn (ưu tiên miền núi) và đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, người nghiện cần ý thức tự xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tham gia tích cực vào chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone.

Top