Xem xét chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện

06/02/2020 17:24

Sau gần 7 năm thực hiện, Dự án điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Yên Bái đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc thực hiện công tác này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến chế độ, phụ cấp của nhân viên, cán bộ cơ sở.

Nhân viên cấp phát thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đang phát thuốc cho người điều trị cai nghiện. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Ngoài khoản lương cơ bản được nhận hàng tháng, những cán bộ, nhân viên tại các cơ sở điều trị bằng Methadone trên địa bàn tỉnh Yên Bái hầu như không có thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào, kể cả tiền làm thêm giờ hay phụ cấp chất độc hại; không chỉ vậy, nhiều nhân viên hợp đồng ở đây đang thấp thỏm chờ biên chế qua từng ngày. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhân viên chán nản, có người bỏ việc giữa chừng, ảnh hưởng đến chất lượng của việc điều trị cho người nghiện.

Chị Lã Thị Đây, nhân viên cấp phát thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái vào làm tại cơ sở đã được gần 7 năm, với mức lương hàng tháng là 2,4 triệu đồng. Ngoài mức lương ấy, chị không được nhận thêm khoản phụ cấp nào, trong khi đó cường độ làm việc liên tục 365 ngày, không có ngày nghỉ. Công việc của chị chủ yếu là cấp phát thuốc cho bệnh nhân, có khi chỉ chậm một phút là họ sẽ nổi khùng lên và chửi bới nhân viên. Sở dĩ bệnh nhân dễ nổi cáu, chửi bới là do họ nghĩ mình không được mọi người tôn trọng, bị xã hội coi thường. Vì vậy, chị luôn phải khéo léo, nhẹ nhàng và nhường nhịn, cố gắng hòa hợp với bệnh nhân, coi họ như người nhà của mình.

Chị Đây tâm sự, với đặc thù công việc bận rộn, chị cũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình và chăm sóc con cái. Do gắn bó với nghề đã lâu nên chị vẫn cố gắng sắp xếp mọi việc cho hợp lý để theo đuổi nghề nghiệp. Mong ước lớn nhất của chị là thời gian tới sẽ được vào biên chế, để yên tâm công tác.

Cũng giống như chị Đây, anh Nguyễn Hữu Long, nhân viên quản lý kho cấp phát thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, đang thấp thỏm chờ biên chế. Anh Long bộc bạch, anh làm việc ở đây từ năm 2013, đến nay vẫn chưa được vào biên chế. Công việc của anh tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân bị mắc bệnh truyền nhiễm, dù vậy nhưng anh cũng những nhân viên, cán bộ ở đây không được hưởng thêm phụ cấp chất độc hại như những ngành khác. Anh mong rằng thời gian tới sẽ được hưởng thêm khoản phụ cấp độc hại và sẽ có đợt tuyển dụng biên chế, để tạo động lực, tinh thần làm việc cho mọi người.

Ông Vũ Xuân Thọ, Trưởng Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: Dự án điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Yên Bái triển khai từ năm 2013, quá trình triển khai tại cơ sở gặp nhiều khó khăn về nhân lực. Cán bộ công tác nhiều năm nhưng không được tuyển dụng biên chế chính thức, tạm ký hợp đồng 6 tháng/lần, mức lương thấp. Tinh thần làm việc của các nhân viên cũng bị ảnh hưởng, mặc dù cơ sở đã thường xuyên động viên họ.

Ngoài những nhân viên làm việc ở gần nhà, còn nhiều nhân viên đang công tác tận huyện vùng cao Mù Cang Chải, xa gia đình nên phải thuê nhà ở, tiền lương thấp không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Trong thời gian làm việc cũng có nhiều cơ hội đến, họ muốn chuyển qua công việc khác nhưng vì gắn bó, theo nghề đã lâu nên họ đều bỏ lỡ và cứ ngóng chờ biên chế từ năm này sang năm khác.

Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 8 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và cơ sở tại thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Ngã ba Kim và thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải); tổng số có 46 nhân viên, cán bộ đang làm việc, trong đó có 29 người làm hợp đồng (chiếm 63%) và 17 người biên chế (chiếm gần 37%).

Bác sỹ chuyên khoa II Phan Duy Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết, một nửa số nhân sự tại 8 cơ sở trên là kiêm nhiệm, họ không có thêm kinh phí kiêm nhiệm mà chỉ hưởng theo lương. Số lao động hợp đồng thì lương quá thấp, lại làm việc suốt 365 ngày, không có ngày nghỉ và không được hưởng phụ cấp hỗ trợ trong các ngày trực và tiếp xúc môi trường làm việc độc hại.

Với đặc thù công việc trực tiếp tiếp xúc với người nghiện nên họ gặp nhiều áp lực, bệnh nhân cứ không hài lòng là nổi cáu, chửi bới, dọa đánh, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của các nhân viên. Năm 2017, hai nhân viên tại Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ xin nghỉ việc. Những nhân viên này không dễ dàng thay thế vì họ được đào tạo bằng kinh phí của dự án và của tỉnh ngay trước khi các cơ sở đi vào hoạt động. Hiện không còn kinh phí để đào tạo lại cho những người mới. Vì vậy, nhiều năm qua, ngành luôn động viên các nhân viên, cán bộ từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh tiếp tục làm việc, tạo mọi điều kiện cho nhân viên làm việc.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái Phan Duy Tiêu cho biết thêm, để khắc phục thực tế trên, giải pháp trong thời gian tới là cần xem xét, bổ sung chế độ đãi ngộ xứng đáng với người lao động như nghiên cứu giải quyết biên chế chính thức cho các lao động hợp đồng, có phụ cấp đặc thù liên quan đến độc hại... Cùng với đó, động viên tinh thần làm việc của các nhân viên, cán bộ, hạn chế tình trạng nhân viên bỏ việc giữa chừng; góp phần nâng cao chất lượng điều trị Methadone tại các cơ sở điều trị trong tỉnh Yên Bái.

Top