Việt Nam hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính

24/11/2015 12:33

Sáng 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có quy định về việc chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan với 80,77% phiếu tán thành.

Điều 37, Bộ luật này quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".

Một người chuyển giới "come out". Ảnh Trans core

Như vậy, hàng trăm nghìn người chuyển giới sẽ được thừa nhận, được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính hợp pháp ở Việt Nam, và được thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ tùy thân. Điều này tạo ra nền tảng để loại bỏ các phân biệt đối xử hàng ngày trong y tế, giáo dục, công ăn việc làm, sở hữu tài sản mà người chuyển giới đang gặp phải hàng ngày.

Bộ luật Dân sự có hiệu lực từ 1/1/2017, vì cần nhiều thời gian chuẩn bị, trước khi chính thức thống nhất áp dụng.

 

Tiến trình vận động sửa Luật Dân sự có liên quan đến người chuyển giới

25/12/2014: Quốc Hội Việt Nam kêu gọi lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi luật dân sự (thời gian nhận ý kiến từ 5/1 - 5/4/2015). Đây là một bộ luật lớn của một quốc gia, nó bao trùm lên rất nhiều vấn đề quan trọng về dân sự, nhân thân... có tác động trực tiếp đến mọi người. Đặc biệt, trong lần sửa đổi này có đề cập đến quyền chuyển đổi giới tính (dành cho người chuyển giới) và quyền xác định lại giới tính (dành cho người liên giới tính).

Tháng 3/2015: Nhóm TRANS CORE chính thức ra đời với sứ mệnh thúc đẩy quyền của người chuyển giới trong pháp luật và xã hội Việt Nam. Nhóm với nhiều thành viên, hoạt động với 3 mảng chính: Gia đình, Nhà trường và Xã hội (trong nhóm Xã hội lại có 3 mảng nhỏ là Y tế, Pháp luật và Việc làm).

Từ tháng 5 đến tháng 8/2015: Để thông qua việc sửa đổi này, bộ Tư pháp đã có những bản dự thảo trước khi trình cho quốc hội. Việc cập nhật bản dự thảo dựa trên những đánh giá, nghiên cứu mà bộ Tư pháp khảo sát từ nhân dân, đối tượng của luật, nhiều nguồn nghiên cứu, từ phản ánh xã hội, báo chí, các chuyên gia, ...

Từ tháng 7 đến tháng 8/2015: Sự kiện VietPride 2015 diễn ra trên cả nước, với chủ đề Spread My Wings tập trung về quyền được tự do thể hiện, tự do bản dạng giới của cộng đồng người chuyển giới. Lần đầu tiên, sự tham gia của các thành viên chuyển giới được thể hiện rõ nét với nhiều hoạt động chuyên đề và dành riêng chủ đề này: Như Trans Icon, Hội thảo, Sự kiện ngoài trời, diễu hành...

Cuối tháng 8/2015: Bản dự thảo cuối cùng của bộ luật dân sự do bộ tư pháp công bố có kết quả rất tích cực. Trong đó, điều 36 của dự thảo có đề cập đến việc thông qua cả 2 quyền chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính.

Từ tháng 9 đến giữa tháng 10/2015: Bản dự thảo cuối cùng của Bộ tư pháp với điều 37 nói trên được trình lên để Chính phủ xem xét và tiếp tục lấy ý kiến các bộ ban ngành liên quan, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện.

Và ngày 24/11 được coi là ngày lịch sử của cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam sau khi Quốc hội chính thức thông qua Bộ luật dân sự với điều khoản công nhận chuyển đổi giới tính.

 

Top