Việt Nam chịu tác động lớn bởi tình hình ma túy diễn biến phức tạp

16/08/2019 18:25

Hiện trên thế giới có đến 271 triệu người sử dụng ma túy. So với năm 2009, số người sử dụng ma túy trên toàn cầu đã tăng 30%, đáng lưu ý, 50% số người sử dụng ma túy trên toàn cầu nằm ở khu vực Đông Nam Á, nên Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 16/8, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức Lễ ra quân phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, AIDS, ma túy, vi phạm pháp luật và hội thảo về phòng, chống tội phạm, ma túy, AIDS, mại dâm và vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát động Lễ ra quân phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội và phòng, chống AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Gần 231 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh, trật tự, tội phạm, tệ nạn xã hội nhìn chung tương đối ổn định, tuy nhiên xảy ra một số vụ việc có diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm trong ngành Giáo dục.

Cụ thể, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều loại ma túy mới liên tục xuất hiện với những tên gọi “mĩ miều” như “bùa lưỡi” hay tem lưỡi, “trà sữa” hay nước vui, “muối tắm”, “bánh lười”, “bóng cười”…., đặc biệt nhiều loại ma túy dưới dạng nấm, cây cỏ tự nhiên như “lá khát”, “cỏ mỹ”, “nấm ma thuật”…theo các chuyên gia nhiều loại ma túy tổng hợp được sản xuất từ các loại thuốc dành cho động vật dẫn đến tác động nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của con người. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên còn thờ ơ với những thông tin, kiến thức phòng, chống ma túy.

Tình trạng mua bán người có chiều hướng giảm, tuy nhiên diễn biến vẫn còn phức tạp, trong các vụ mua bán người có một số vụ là mua bán trẻ em, đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp. Trong số các nạn nhân có đối tượng là học sinh, sinh viên. Có hiện tượng dư luận xã hội cho rằng học sinh bị mua bán, tuy nhiên khi điều tra kết quả cho thấy học sinh bỏ nhà đi.

Tại hội thảo về phòng, chống tội phạm, ma túy, AIDS, mại dâm và vi phạm pháp luật, TS. Nguyễn Cửu Đức, Hàm Vụ Phó Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ cho biết, tình hình ma túy trên thế giới diễn biến rất phức tạp, theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc hiện 271 triệu người sử dụng ma túy trên thế giới. So với năm 2009 thì số người sử dụng ma túy trên toàn cầu đã tăng 30%, đáng lưu ý, 50% số người sử dụng ma túy trên toàn cầu nằm ở khu vực Đông Nam Á, nên Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 4/2019, có đến 230.767 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 5.668 người so với năm 2018. Trong đó, 14,5% trong các cơ sở cai nghiện, 20,5% trong trại giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, 65% ngoài xã hội. Đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 60%-70% trong tổng số người nghiện.

Theo TS. Nguyễn Cửu Đức, nghiện ma túy tác động thay đổi hành vi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng ma túy, khiến cho tỉ lệ phạm tội rất cao. Việc sử dụng ma túy làm ảnh hưởng đến não bộ, ảnh hưởng đến các học sinh đang đi học, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội, làm gia tăng các hành vi phạm pháp và làm gia tăng lây nhiễm HIV…

Ước tính trung bình một người sử dụng ma túy là 100 nghìn đồng, như vậy tổng số tiền trong 1 năm đối với tổng số người sử dụng ma túy tại Việt Nam là 8.400 tỉ đồng. Tương đương với số thu nhập của 1 tỉnh, chẳng hạn như tỉnh Lào Cai trong 1 năm, và gấp 4 lần so với tỉnh có thu nhập thấp nhất là tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, chúng ta còn phải chi rất nhiều cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

 TS. Nguyễn Cửu Đức, Hàm Vụ Phó Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Chi

Dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, đến năm 2017 thì việc sử dụng ma túy có thể phòng ngừa được. Đây là khẳng định của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, công tác này cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành, tổ chức khác nhau.

Hiện nay, hình thức giáo dục “mô hình đèn giao thông” đang được coi là phổ biến trên thế giới. Đèn xanh là dành cho những người chưa có vấn đề về ma túy. Đèn vàng là đối với những người chớm có vấn đề với ma túy, cần được tư vấn kịp thời. Mô hình đèn đỏ là đối với những người đã nghiện ma túy, sử dụng ma túy cần phải được chuyển gửi, điều trị và hỗ trợ kịp thời. Đây là vòng khép kín của công tác phòng, chống ma túy, bao gồm công tác phòng ngừa, can thiệp và điều trị.

Để làm được những việc trên, theo TS. Nguyễn Cửu Đức, ngành Giáo dục cần xây dựng giáo trình lồng ghép vào các môn học, như môn sinh học, giáo dục công dân…; tập huấn cho giảng viên nguồn; tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; thống nhất và đồng bộ công tác phòng, chống ma túy trong trường học, bảo đảm chương trình giáo dục phòng, chống ma túy phù hợp tất cả các cấp, bậc học…

Cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa các tệ nạn xã hội

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh – Sinh viên, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ ban ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời các công tác phòng, chống ma túy thành công trong giới thanh thiếu niên thời gian vừa qua. Với mục tiêu xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, môi trường toàn diện, xác định học sinh, sinh viên là chủ thể được chăm sóc giáo dục, vừa là chủ thể vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa các tệ nạn xã hội.

Ông Bùi Văn Linh đề nghị, thời gian tới, các Sở, trường đại học. cao đẳng, trung cấp, chuyên nghiệp, trung cấp sư phạm cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ như sau: Rà soát, ban hành các kế hoạch triển khai các chỉ đạo của cấp trên về những vấn đề liên quan; tăng cường đổi mới công tác truyền thông, phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS trên các trang tin, mạng xã hội, đặc biệt đối với công tác phòng, chống ma túy.

Tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức trình độ của cán bộ, giáo viên, quản lý học sinh, sinh viên; khuyến khích các trường thành lập các câu lạc bộ học sinh, sinh viên, câu lạc bộ tài năng, sở thích, bóng đá, thể thao, văn hóa, văn nghệ, kỹ năng sống, đặc biệt đổi mới các tiết sinh hoạt dưới cờ…nhằm phát huy phẩm chất năng lực của học sinh, truyền tải các nội dung liên quan mà các bộ ngành cần hướng tới và rèn luyện kỹ năng sống cho các học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung các tài liệu, giáo dục truyền thông; tăng cường vai trò của tổ chức đoàn, hội, đội và hệ thống cán bộ đoàn, hội đội trong các trường học; tích cực lồng ghép các nội dung nhằm triển khai đồng bộ trên diện rộng và sâu sắc các nội dung chỉ đạo liên quan.

Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, liên bộ trong công tác phòng, chống các vấn đề liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành đối với khối sở và các trường đại học…

 Lễ ra quân phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội và phòng, chống AIDS với sự tham gia của đại diện các bộ ban ngành liên quan và các sinh viên trường Đại học Hàng hải. Ảnh: Thùy Chi

Ngành Giáo dục luôn nhận thức, với số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên chiếm khoảng ¼ dân số cả nước, việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật sẽ tác động tích cực không chỉ đến đội ngũ nhà giáo, học sinh sinh viên, mà còn làm lan tỏa đến gia đình, bạn bè và người thân của các đối tượng này. Do đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp để đạt được những mục đích của trường, ngành, chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo nguy cơ về HIV/AIDS đối với ma túy, mại dâm và các kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, phương tiện phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả, chú trọng các biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục bằng công nghệ thông tin…

Chỉ đạo các Sở Giáo dục & Đào tạo quán triệt, triển khai đến tất cả các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học và nhà giáo, cán bộ, viên chức toàn ngành triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội.

Tiếp tục quan tâm tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bô làm phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội và cán bộ Đoàn, Hội, Chủ nhiệm các Câu lạc bộ, học tập, nhân rộng mô hình hay của các trường làm tốt và nghiên cứu để triển khai thực hiện các mô hình thí điểm.

Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học.

Lồng ghép, phối hợp có hiệu quả với các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn và những công tác khác. Tăng cường, phối hợp với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống văn hóa nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn, thay đổi ý thức, hành vi cho phù hợp vị thế và môi trường của học sinh, sinh viên.
Top