‘Trợ thủ đắc lực’ góp phần giảm lây nhiễm HIV cho cộng đồng

09/12/2020 17:58

Họ là những đồng đẳng viên, tình nguyện viên, tiếp cận viên đã không quản ngại khó khăn, thậm chí có đôi khi gặp phải những ánh nhìn kỳ thị khi đi thực hiện nhiệm vụ, nhưng họ vẫn quyết tâm vì mục tiêu chung đẩy lùi dịch bệnh, và tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Anh Mai Như Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp đang truyền thông kiến HIV cho các đối tượng đích. Ảnh: Thùy Chi

Nhóm Xuân Hợp là một điển hình, ban đầu chỉ có 4 thành viên hoạt động tự lực và bí mật, tuy nhiên sau 10 năm hoạt động, nhóm đã thu hút được rất nhiều tình nguyện viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Anh Mai Như Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp cho biết, nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm là tiếp cận những người nhiễm HIV/AIDS, những đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện, tiêm chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSS) gia đình có người nhiễm HIV/AIDS… để tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn và tham gia tiếp cận điều trị sớm.

Phương châm hoạt động của nhóm là: “ Chỉ cần tôi biết bạn nhiễm cũng đủ để tôi quan tâm và chăm sóc bạn dù trong mọi hoàn cảnh nào”. Khi phát hiện người nhiễm HIV, các đồng đẳng viên, tiếp cận viên sẽ kết nối họ vào chương trình điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở y tế, nhằm góp phần tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Kết quả đến nay nhóm đã tiếp cận và đưa đi xét nghiệm được 1.897 người, trong đó có 121 người dương tính với HIV đã được nhóm kết nối với các phòng khám đưa vào điều trị. Trong năm 2020, nhóm đã phát ra hơn 122.000 bao cao su, hơn 92.000 bơm kim tiêm, hơn 24.000 lọ nước cất cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Không chỉ tiếp cận trực tiếp để tuyên truyền cho người nhiễm HIV, nhóm cũng tổ chức xét nghiệm lưu động cho phụ nữ lao động tình dục, xây dựng trang Fangpage riêng của mình, mời các bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực HIV về nói chuyện chuyển tải những kiến thức liên quan đến HIV/AIDS, đến nay đã có hơn 200 lượt người theo dõi và hơn 3.500 lượt xem bài viết trên trang Fangpage của nhóm.

Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức cho các thành viên nhằm phục vụ công việc được tốt hơn, nhóm thường xuyên cử các thành viên tham gia các lớp tập huấn, các buổi giao lưu do các cơ sở y tế và các tổ chức phi chính phủ tổ chức thực hiện.

Anh Mai Như Sơn cho hay, đa phần các thành viên trong nhóm là những người hoạt động lâu năm, lại là những người cùng hoàn cảnh nên họ rất hiểu tâm lý của người nhiễm HIV. Chính vì vậy khi tiếp cận với những người nhiễm HIV họ tạo được niềm tin và sự chia sẻ từ người bệnh.

“Hơn nữa, các thành viên trong nhóm đều gắn kết rất chặt chẽ với các cơ sở y tế để có thể trao đổi cũng như hỗ trợ cho những người cần xét nghiệm hay tham gia vào chương trình điều trị HIV. Để các thành viên yên tâm làm việc, nhóm đã tạo một nguồn quỹ để hỗ trợ cho các thành viên có thể vay vốn để sản xuất kinh doanh nhỏ, nhằm yên tâm hoạt động cùng nhóm”, anh Sơn nói.

10 năm hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiếp cận với bao nhiêu người, hoàn cảnh khác nhau, nhưng niềm vui lớn nhất của anh Sơn là có những thành viên rất tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của cộng đồng. Có nhiều hoàn cảnh khó khăn, bi quan khi mắc bệnh đã được các thành viên trong nhóm động viên, chia sẻ, giúp đỡ để họ vươn lên trong cuộc sống, từ đó anh thấy cuộc sống thật nhiều ý nghĩa.

Còn nhóm G-Net được thành lập từ năm 2015, với 14 thành viên nòng cốt. Công việc chính của nhóm G-Net là cung cấp kiến thức về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam MSM, tăng cường truyền thông nhằm giảm sự kỳ thị của cộng đồng tới nhóm MSM, tạo ra các sân chơi lành mạnh cho các nhóm MSM và giao lưu với tất cả mọi người từ đó có thể tìm ra được những MSM chưa dám bộc lộ giới tính của mình, hướng họ vào các cuộc chơi lành mạnh.

Ngoài ra, nhóm còn thực hiện các hoạt động như: Cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng bao gồm phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm HIV; cấp phát các vật dụng giảm tác hại lây nhiễm HIV như bao cao su, chất bôi trơn; chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ phù hợp như: xét nghiệm HIV khẳng định, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV…

Chỉ tính từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020, nhóm đã tiếp cận được 3.374 người, trong đó có 2.732 người đã được xét nghiệm HIV và đã kết nối điều trị cho 165 trường hợp dương tính với HIV tại các cơ sở y tế có điều trị HIV bằng thuốc ARV. 

Anh Lê Trọng Minh, Trưởng nhóm G-Net cho biết: Theo ước tính của Bộ Y tế, tại Đồng Nai có khoảng 6.000 người MSM. Địa bàn Đồng Nai rất rộng, với nhân sự của nhóm không đủ trải rộng trên địa bàn nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ. Hơn nữa, hiện nay cái nhìn của cộng đồng về MSM có thoáng hơn tuy nhiên vẫn còn một số người vẫn còn kỳ thị, vì vậy các tụ điểm, điểm nóng thường hoạt động khép kín nên nhóm cũng khó tiếp cận. Vì thế trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tăng cường các cộng tác viên để có nhiều người MSM được tiếp cận các kiến thức, các dịch vụ để phòng HIV cho bản thân cũng như những người xung quanh. 

 Hoạt động thu gom bơm kim tiêm bẩn của nhóm hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Hiện nhóm Xuân Hợp và G-Net đều hoạt động dưới sự tài trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Các nhóm đồng đẳng viên đều hoạt động rất hiệu quả, có nhiều sáng tạo, các thành viên nhóm rất nhiệt tình góp phần không nhỏ trong việc giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong thời gian qua công tác phòng chống HIV/AIDS đã có những kết quả đáng ghi nhận, có được thành quả này, đó là nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa các cán bộ y tế và các nhóm đồng đẳng viên. Cụ thể năm 2020 số người mới nhiễm HIV được phát hiện là 726 người, giảm 3,8% so với năm 2019; số ca tử vong do HIV/AIDS năm 2020 là 26 người giảm 54,4% so với năm 2020.

Về kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-90, hiện Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hướng đến mục tiêu đạt 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2020. Tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV (thuốc kháng HIV/AIDS); 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt được mục tiêu 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Top