Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon- đồng minh mạnh mẽ của cộng đồng LGBT

08/10/2015 15:10

Ông Ban Ki Moon chính là vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đầu tiên công khai ủng hộ cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2006, ông thường xuyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xóa bỏ nạn kỳ thị và phân biệt đối xử nhắm vào người LGBT trên toàn thế giới.

Trong một chuyến viếng thăm Malawi vào năm 2010, ông Ban Ki Moon đã đại diện cho cộng đồng LGBT tiếp xúc với Tổng thống Malawi trong một cuộc họp kín, buộc ông phải trả tự do cho Steve Monjeza và Tiwonge Chimbalanga - hai người đồng tính Malawi đã bị tuyên án 14 năm tù giam sau khi công bố lễ đính hôn của mình. 

Tổng Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon cam kết bảo vệ cộng đồng LGBT

Sau khi cặp đôi trên được thả vào ngày hôm sau, ông Ban Ki Moon công khai tuyên bố rằng "những bộ luật hình sự lỗi thời cần được cải cách ngay lập tức". Vào một dịp khác, ông Ban đã bổ sung rằng hầu hết những điều luật như vậy đều "không xuất phát từ bản thân đất nước đó mà kế thừa từ thế lực đô hộ trước đây."

Hai năm sau, trong khuôn khổ sự kiện "Ngày Nhân quyền thế giới 2012", ông Ban Ki Moon tiếp tục củng cố quan điểm của mình: "Thật sự là một sự xúc phạm khi trong thời hiện đại, vẫn còn nhiều quốc gia xem yêu thương một người cùng giới là một tội hình sự".

Tháng 4/2013, tại Hội nghị Oslo về Nhân quyền, định hướng tình dục và bản sắc giới tính ngày hôm qua, Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, đã hứa sẽ dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu về quyền LGBT. Và ông đã nói với các chính phủ trên toàn thế giới rằng họ có nghĩa vụ pháp lý trong việc bảo vệ những người đồng tính và người chuyển giới, đừng lấy văn hóa, truyền thống hay tôn giáo ra làm cái cớ để chối bỏ nghĩa vụ này.

Ông Ban đã thực hiện lời nói của mình và nhiều lần nói ra sự thật cho những người cần được nghe nhất. Điển hình là tại khai mạc Thế vận hội Mùa đông Sochi năm 2014, ông đã có một bài phát biểu thể hiện rõ thái độ phản đối nạn kì thị LGBT ở Nga cũng như kêu gọi tất cả mọi người hãy "lên tiếng chống lại những trường hơp tấn công nhắm vào người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính... Chúng ta phải chống lại mọi sự bắt giữ, giam cầm, phân biệt đối xử mà họ phải gánh chịu".

Dưới sự lãnh đạo của ông Ban Ki Moon, Liên Hợp Quốc đã thừa nhận hôn nhân đồng giới. Theo đó, những nhân viên đồng tính của tổ chức này nếu kết hôn vẫn sẽ được hưởng những lợi ích tương tự như các đôi dị tính. 

Đầu năm 2015, vị Tổng Thư kí 71 tuổi đã đến Ấn Độ trong bối cảnh Tòa án Tối cao nước này đang bàn luận về việc không thừa nhận những tàn dư còn sót lại của luật cấm quan hệ đồng tính từ thời còn là thuộc địa của Anh. Ông Ban Ki Moon khẳng định rõ quan điểm của mình: "Tôi hoàn toàn phản đối mọi hành động quy tình dục đồng giới là một loại tội phạm. Tôi nói ra vì những điều luật như vậy xâm phạm những quyền cơ bản về sự riêng tư. Ngay cả khi chúng không có hiệu lực thì những điều luật này cũng thật sự hẹp hòi, không khoan dung, độ lượng".

Ngày 26 tháng 6 năm 2015 là thời khắc trọng đại đối với cộng đồng LGBT Mỹ nói riêng và thế giới nói chung khi Tòa án tối cao chính thức thông qua đạo luật kết hôn đồng giới trên toàn lãnh thổ. Đó cũng là ngày mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đến thành phố San Francisco để dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hiệp Quốc và nhận huân chương Harvey Milk Honors cho "sự ủng hộ vô điều kiện của ông dành cho mọi quyền lợi của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới".

Mới đây nhất, mặc dù các văn bản về quyền bình đẳng của người LGBT  đã bị gỡ bỏ khỏi các mục tiêu toàn cầu, tuy nhiên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon khẳng định, Liên Hợp Quốc cam kết bảo vệ quyền lợi của cộng đồng này.

Tổng thư ký Ban Ki Moon cam kết: "Chúng tôi chỉ có thể cho thế hệ tương lai thấy rằng cách tốt nhất để đạt được những mục tiêu chung chính là bảo vệ tất cả mọi người - bất kể họ là ai và yêu ai".

Bằng cách ủng hộ cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT, ông Ban Ki Moon đã nhắc nhở với toàn thế giới rằng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc vốn bắt đầu với câu: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền lợi và phẩm chất". Ông cũng nhấn mạnh rằng tuyên ngôn này áp dụng với "tất cả mọi cá nhân, không chỉ một vài, hay đa số, mà là tất cả".

Top