Tốc độ bao phủ Methadone còn chậm

17/07/2014 16:16

Mặc dù Bộ Y tế đã và đang nỗ lực đôn đốc, khuyến khích các tỉnh, thành mở rộng và huy động nguồn tài trợ từ cộng đồng quốc tế cho chương trình điều trị Methadone, nhưng tốc độ bao phủ vẫn còn chậm.

Phát thuốc Methadone cho người điều trị nghiện

21 tỉnh chưa có kế hoạch triển khai

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do hiện mới chỉ có 41/63 tỉnh, thành có kế hoạch triển khai điều trị Methadone được Chủ tịch UBND phê duyệt, tức là còn 21 tỉnh chưa có kế hoạch. Nhiều tỉnh có số người nghiện chích ma túy cao (trên 1.000 người nghiện có hồ sơ quản lý), tuy nhiên cũng chưa xây dựng kế hoạch triển khai như Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Phước, Cà Mau…

Trong số các tỉnh đã có kế hoạch được duyệt, mục tiêu bao phủ điều trị đặt ra còn thấp so với nhu cầu điều trị tại địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS như Hà Nội có độ bao phủ đạt 8,2%, TP. HCM là 11,3% và Nghệ An có độ bao phủ là 3,6%.

Bên cạnh đó, những cơ sở dự kiến sẽ triển khai điều trị trong năm 2014 do công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực chậm nên phần lớn các cơ sở mới mở thường chỉ tiếp nhận điều trị vào những tháng cuối năm, thu dung bệnh nhân với số lượng ít.

Bộ Y tế vừa qua đã có hướng dẫn yêu cầu về nhân lực cho các điểm điều trị Methadone, nhưng việc bố trí nhân lực vẫn còn rất khó khăn do hầu hết các cán bộ đang tham gia công tác điều trị đều làm kiêm nhiệm hoặc do các dự án viện trợ từ nước ngoài trả lương. Trong khi nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài đang cắt giảm mạnh nên cần phải sớm có nguồn kinh phí để trả lương cho đội ngũ cán bộ này trong thời gian tới.

Thêm vào đó, nhiều cơ sở điều trị Methadone đã tiếp nhận điều trị cho 200 đến 300 người bệnh hoặc hơn. Vì vậy, các điểm điều trị này đã quá tải cho đội ngũ cán bộ y tế, trong khi mức lương còn rất thấp. Có điểm điều trị đã không tiếp nhận được thêm người do không có nhân lực để triển khai.

Ngoài ra, nhiều địa phương coi chương trình điều trị Methadone thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, do vậy không bố trí thêm kinh phí để triển khai mà yêu cầu ngành  y tế tự cân đối ngân sách và nhân lực để triển khai. Trong khi đó, kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 đã bị cắt giảm tới gần 70% so với năm 2013 và kinh phí cho chương trình điều trị Methadone còn rất ít. Nhiều cơ sở phải sử dụng kinh phí chi thường xuyên của cơ quan để chi cho điểm điều trị Methadone, vì vậy một số địa phương không muốn mở thêm điểm, hoặc đã mở điều trị nhưng hạn chế không tăng số lượng bệnh nhân vào điều trị.

Việc triển khai xã hội hóa điều trị Methadone là phương án cần thiết để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước đã mang lại hiệu quả tốt ở một số địa phương với mức thu là 10.000 đồng/bệnh nhân/ngày nhưng chưa được mở rộng ra ở các tỉnh khác.

Cần tăng thêm 62.000 bệnh nhân được điều trị

Tính đến hết ngày 30/6, trên toàn quốc có 32 tỉnh triển khai chương trình điều trị Methadone với gần 18.160 bệnh nhân tham gia điều trị, đạt 22,7% mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là 80.000 người nghiện được điều trị.

Theo Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, để đạt được chỉ tiêu điều trị cho 80.000 người bệnh vào cuối năm 2015, các tỉnh, thành cần nỗ lực triển khai mở rộng các điểm điều trị Methadone để tăng thêm gần 62.000 bệnh nhân, tức là phải gấp 4 lần số bệnh nhân hiện nay.

Đối với các tỉnh chưa có kế hoạch  mở rộng điều trị Methadone cần khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Các tỉnh, thành trên toàn quốc cần đẩy nhanh tiến độ mở các cơ sở điều trị trong năm 2014, 2015 và chỉ đạo ngành y tế tăng tối đa số bệnh nhân tại các cơ sở điều trị đã, đang và sẽ triển khai. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xã hội hóa điều trị tại địa phương theo quy định hiện hành.

Sở Y tế các tỉnh, thành chủ động rà soát và điều phối nguồn nhân lực hiện có của ngành đã được UBND tỉnh, thành phân bổ chỉ tiêu cho các cơ sở điều trị thuộc thẩm quyền quản lý, điều chỉnh để có đủ nhân lực cho các cơ sở điều trị Methadone.

Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để triển khai chương trình điều trị Methadone, tối thiểu đủ cho cho các hoạt động: Đầu tư ban đầu, đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị yếu; Chi phí vận hành thường xuyên, chi trả lương, phụ cấp cho nhân lực theo quy định hiện hành và kinh phí mua thuốc Methadone.

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, cũng cần xem xét, sửa đổi luật bảo hiểm y tế để bảo hiểm chi trả kinh phí điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ nước ngoài dành cho chương trình điều trị Methadone. Đặc biệt là để đầu tư các trang thiết bị đào tạo nhân lực, mua thuốc Methadone để cấp phát cho các tỉnh khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách.
Top