Tòa ma túy - cách tiếp cận mới cho Việt Nam trong điều trị người nghiện ma túy

09/10/2018 16:51

Dự kiến, từ ngày 10-12/10, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) sẽ phối hợp với Tổ chức Colombo Plan tập huấn về toà ma tuý trong hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma tuý.

Ảnh minh hoạ

Colombo Plan là một tổ chức liên Chính phủ có nhiều kinh nghiệm huấn luyện và quảng bá chương trình điều trị nghiện ma túy tại nhiều nước có hiệu quả. 

Chương trình nhằm hỗ trợ tập huấn về mô hình tòa ma túy cho đại diện các cơ quan, ban ngành Việt Nam gồm: Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Tòa án nhân dân tối cao, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Ban chỉ đạo phòng chống ma túy Hà Nội, Tòa án nhân dân các quận/huyện, trung tâm y tế công cộng, phòng công tác xã hội, các trung tâm điều trị cùng cán bộ, nhân viên công tác xã hội thuộc các quận Nam Từ Liêm và Long Biên.

Các học viên sẽ được tìm hiểu về mô hình tòa ma túy của Mỹ - được chứng minh có tác dụng giảm tình trạng sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ tội phạm và tiết kiệm chi phí thông qua cách tiếp cận phối hợp giữa các tòa án và điều trị cộng đồng.

Đại diện Hiệp hội chuyên gia về tòa ma túy của Hoa Kỳ (NADCP) sẽ giới thiệu các quy trình, cũng như các hướng dẫn để thí điểm triển khai 2 tòa ma túy tại Hà Nội và 2 tòa điều trị ma túy tại TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình đào tạo bao gồm các bài giảng về những hoạt động thực tiễn đã đem lại kết quả tích cực tại Mỹ và một số quốc gia khác cùng một số phiên thực hành lập kế hoạch để bắt đầu quá trình xây dựng các tòa ma túy thí điểm.

Các học viên cũng sẽ được thảo luận về chiến lược làm thế nào áp dụng những hướng dẫn trên vào Việt Nam, tập trung vào xác định cơ cấu của Tòa ma túy và vị trí trong hệ thống hiện nay, các đối tượng đích, các tiêu chí tiếp nhận, phân loại và xây dựng quy trình tiếp nhận vào chương trình Tòa ma túy...

Thí điểm mô hình "Tòa ma túy" tại Việt Nam

Theo Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành cùng phối hợp, nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt là việc thí điểm mô hình “Tòa ma túy”.

Trong đó, Bộ Công an có trách nhiệm hỗ trợ thí điểm mô hình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy (Tòa ma túy) tại Việt Nam; hỗ trợ nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ ngành Tòa án, Viện kiểm sát trong truy tố, xét xử án ma túy.

Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội theo mô hình “Tiền xét xử”, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và triển khai thí điểm, từng bước nhân rộng mô hình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy (Tòa ma túy).

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, tổ chức thực hiện thí điểm mô hình “Tòa ma túy”; chỉ đạo các bộ phận trực thuộc phối hợp, nâng cao năng lực xử lý án về ma túy của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp.

Một mô hình hiệu quả tại Hoa Kỳ

Tòa ma túy (Drug Court) là một chương trình tổng hợp, kết hợp giữa các giải pháp tư pháp, điều trị, phục hồi và giám sát dựa vào cộng đồng dành cho người nghiện ma túy. Tòa ma túy đầu tiên được hình thành tại thành phố Miami, bang Florida, Hoa Kỳ năm 1989 nhằm ngăn chặn tỷ lệ tái phạm đang ngày càng gia tăng trong những người phạm tội về ma túy nghiêm trọng. Kể từ đó, Tòa ma túy đã phát triển ra toàn Hoa Kỳ, thành một phong trào mang tính quốc gia và được đánh giá là “sáng kiến tư pháp có ý nghĩa nhất” tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.

Hầu hết các chương trình tòa ma túy kéo dài từ 12-18 tháng, đôi khi cũng có những người cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành chương trình. Để tốt nghiệp, những người tham gia chương trình cần phải cai nghiện ma túy hoàn toàn trong một khoảng thời gian, thông thường là 6 tháng hoặc dài hơn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về điều trị và giám sát, đã chi trả đầy đủ các khoản tiền phạt, chi phí điều trị, hoàn thành nghĩa vụ công ích hoặc đã bồi thường cho nạn nhân.

Những người tham gia chương trình này phải trải qua các cuộc kiểm tra ma túy hàng tuần và thường xuyên tham gia các buổi xét xử tại tòa, tại đây thẩm phán kiểm điểm lại quá trình tuân thủ điều trị của họ và có thể đưa ra các phán quyết tùy thuộc vào sự tiến bộ của người tham gia.

Những phán quyết này có thể là lời khen ngợi, động viên, nới lỏng giám sát hay một món quà nhỏ cho người tham gia; thay đổi kế hoạch điều trị như chuyển sang mô hình điều trị tích cực hơn hay áp dụng các hình phạt như viết bản kiểm điểm, lao động công ích hay giam giữ ngắn hạn.

Trong 25 năm qua, các nghiên cứu về Toà ma túy, bao gồm hơn 100 đánh giá chương trình và ít nhất 5 tổng hợp phân tích khoa học nghiêm ngặt, đã cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng Tòa ma túy làm giảm đáng kể tình trạng phạm tội và lạm dụng chất gây nghiện và tiết kiệm chi phí hơn bất kỳ hình thức giam giữ hoặc biện pháp tư pháp nào khác.

Cùng với những tác động đã được chứng minh về tình hình tội phạm, Tòa ma túy cũng đã được chứng minh có hiệu quả kinh tế. Những nghiên cứu gần đây đã tính toán được chi phí tiết kiệm trung bình từ 3.000-13.000 USD trên mỗi khách hàng ở Hoa Kỳ do giảm được chi phí giam giữ tập trung, giảm chi phí bắt giữ và xét xử các đối tượng tái phạm tội cũng như các tổn hại khác do những người này gây ra nếu không tham gia chương trình này. Hàng năm có khoảng 120.000 người tham gia Tòa ma túy ở Hoa Kỳ, tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

Top