Thành lập cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện cần điều kiện, thủ tục gì?

27/05/2020 09:53

Tại Quyết định số 313/QĐ-BLĐTBXH ngày 15/3/2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã quy định rõ yêu cầu, điều kiện cũng như thủ tục hành chính để được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện.

Học viên cơ sở cai nghiện ma túy chui mới bị phát hiện tại Đồng Nai. Ảnh Tuổi trẻ

Cụ thể, yêu cầu, điều kiện đối với cơ sở hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khoẻ,  về cơ sở vật chất cần có nơi tiếp nhận người nghiện; có khu vực thực hiện cắt cơn, giải độc, cấp cứu có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; khu vực theo dõi phục hồi sau cắt cơn: Diện tích sử dụng tối thiểu 5m2/người cai nghiện, có các tiện nghi sinh hoạt thông thường (nhà vệ sinh chung, giường, chiếu, chăn, màn riêng cho mỗi người) để bảo đảm thời gian lưu người cai nghiện ma túy tối thiểu là 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu cắt cơn, giải độc.

Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế để thực hiện việc cắt cơn, giải độc, theo dõi sức khỏe, phục hồi sức khỏe sau cắt cơn, giải độc và các thiết bị theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ; có thuốc hỗ trợ cắt cơn, giải độc, thuốc chống sốc, thuốc cấp cứu chuyên khoa và các loại thuốc cần thiết khác theo quy định của Bộ Y tế.

Có khu vực quản lý riêng cho người cai nghiện ma túy là: người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị loạn thần.

Về nhân sự: Người đứng đầu cơ sở cai nghiện phải là người đã có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy.

Người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện là bác sỹ, được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc trong lĩnh vực điều trị hỗ trợ cai nghiện, có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 36 tháng trở lên, trong đó có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ 12 tháng trở lên.

Cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn, điều dưỡng viên làm việc tại cơ sở cai nghiện phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm; có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy.

Đối với cơ sở hoạt động giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện, về cơ sở vật chất: Có nơi tiếp nhận, chăm sóc, theo dõi và phục hồi sức khỏe sau cắt cơn giải độc. Có khu vực quản lý riêng cho người cai nghiện ma túy là: người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị loạn thần. Có nơi học tập, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, luyện tập dưỡng sinh, sinh hoạt văn hóa văn nghệ theo chương trình giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách cho người cai nghiện ma túy. Có mặt bằng, nhà xưởng đủ điều kiện tổ chức lao động trị liệu phù hợp cho người cai nghiện ma túy.

Về nhân sự: Người phụ trách chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: xã hội học, tâm lý học, y tế; có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ 12 tháng trở lên; có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy; là người làm việc toàn thời gian tại cơ sở cai nghiện.

 Cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, giáo viên dạy nghề làm việc tại cơ sở cai nghiện phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, thuộc chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm; có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy.

Đối với cơ sở thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện phục hồi, về cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất quy định đối với cơ sở hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khoẻ và cơ sở hoạt động giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện nêu trên.

Về nhân sự: Người đứng đầu cơ sở cai nghiện phải là người đã có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy.

Người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện là bác sỹ, được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc trong lĩnh vực điều trị hỗ trợ cai nghiện, có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 36 tháng trở lên, trong đó có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ 12 tháng trở lên.

Cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, giáo viên dạy nghề làm việc tại cơ sở cai nghiện phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, với chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm; có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy.

Nếu đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện nộp hoặc gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổ chức thẩm định và tổng hợp kết quả gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy cho cơ sở. Trường hợp chưa đủ điều kiện cấp phép thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét, cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở. Trường hợp chưa đủ điều kiện cấp phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thành phần hồ sơ: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện; Bản sao chứng thực giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở đề nghị cấp phép điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khoẻ hoặc thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện, phục hồi; Bản sao quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở cai nghiện tự nguyện do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở đề nghị cấp phép giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện; Tài liệu chứng minh bảo đảm đủ các điều kiện quy định,.

Thời hạn giải quyết không quá 40 ngày làm việc (kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ).

Sáng 26/5, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và các ban ngành liên quan TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở cai nghiện ma túy không có giấy phép hoạt động tại khu phố 5B, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa với 100 người đang cai nghiện trong điều kiện không đảm bảo an toàn.

Sáng 26/5, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và các ban ngành liên quan TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở cai nghiện ma túy không có giấy phép hoạt động tại khu phố 5B, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa với 100 người đang cai nghiện trong điều kiện không đảm bảo an toàn.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, cơ sở cai nghiện tự phát này có tên “Nhóm Phao Lo Hạnh” do ông Nguyễn Anh Khoa, ngụ thành phố Biên Hòa thành lập. Căn nhà này do ông Khoa thuê lại của ông Đỗ Việt Tuấn (54 tuổi, một người dân địa phương) với giá 20 triệu đồng/tháng.

Cơ sở này đã bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2019 đến nay dù chưa được cấp phép. Tại thời điểm kiểm tra, có 91 thanh niên đang nằm la liệt tại nhiều phòng khác nhau. Dù là nơi cai nghiện ma túy nhưng chủ cơ sở không có trang thiết bị y tế, không có bất kỳ một phác đồ cắt cơn theo quy định.

Học viên phải đóng học phí từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng rồi “tự cai”. Kiểm tra hệ thống tủ thuốc cá nhân tại đây, cơ quan chức năng xác định không có các loại thuốc nằm trong danh mục điều trị cai nghiện ma túy mà chỉ có thuốc cảm cúm và đau bụng thông thường.

Trước nhiều dấu hiệu vi phạm, đoàn kiểm tra đã lập biên bản để tiếp tục điều tra làm rõ. Đối với các học viên đang cai nghiện tại đây, Công an TP.Biên Hòa đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe và thử nhanh ma túy để có biện pháp xử lý.

Top