Tập trung dự báo tình hình dịch HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm

08/11/2019 09:00

Thời gian tới, Kon Tum sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tác hại của HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và tập trung dự báo đúng tình hình dịch HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đoàn công tác làm việc tại UBND tỉnh Kon Tum

Ngày 7/11, Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) do ông Đoàn Hữu Bẩy, Ủy viên Thư ký UBQG, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại UBND tỉnh Kon Tum về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Xuất hiện tụ điểm sản xuất ma túy do người nước ngoài tổ chức

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, tình hình tội phạm về ma tuý có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Tuyến biên giới, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y tiếp tục là tuyến trọng điểm về mua bán, vận chuyển ma túy. Trong 10 tháng năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 59 vụ và 79 đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 12 vụ so với cùng kì năm 2018; thu giữ hơn 60 g heroin, hơn 4 kg methamphetamine, 4 kg ma tuý tổng hợp.

Đáng lưu ý, Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá thành công tụ điểm sản xuất ma túy do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, thu giữ khoảng 13 tấn tiền chất, hóa chất và 20 tấn máy móc, thiết bị các loại liên quan.

Đối với tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh những năm gần đây diễn biến phức tạp, số ca mắc mới xu hướng tăng hơn so với năm trước, lây nhiễm HIV không chỉ ở nhóm nguy cơ mà đang có xu thế lây nhiễm ra các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tệ nạn nghiện chích ma túy và hoạt động mại dâm diễn biến phức tạp, tình trạng chích chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn trong lớp thanh niên trẻ tuổi góp phần vào xu thế lây nhiễm HIV/AIDS.

Số liệu thống kê cho thấy, lũy tích đến ngày 30/9/2019, toàn tỉnh phát hiện 495 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 282 trường hợp (đã tử vong 187 trường hợp); số bệnh nhân hiện còn sống đang quản lý 149/308 người (chiếm tỷ lệ 48,38%); nhóm tuổi nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở nhóm từ 20-39 tuổi (độ tuổi từ 20-29 chiếm tỷ lệ cao nhất là 50%). Tính đến nay, toàn tỉnh 65/102 xã, phường, thị trấn phát hiện người nhiễm HIV.

Đoàn công tác kiểm tra quy trình điều trị Methadone tại Cơ sở cấp phát thuốc Methadone

Về tình hình tệ nạn mại dâm, trong 9 tháng đầu năm, tiếp tục có những diễn biến khó lường, tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, gây ra nhiều hệ lụy xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Số người bán dâm giảm về bề nổi, nhưng có xu hướng gia tăng hoạt động theo phương thức khép kín, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để môi giới, mua bán dâm, lợi dụng khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage… để thực hiện hành vi mua bán dâm. Đồng thời, hình thành các đường dây môi giới, chủ chứa, gái gọi, gái bao, bảo kê, chăn dắt...gây khó khăn trong công tác đấu tranh, triệt phá và phòng ngừa tệ nạn mại dâm.

Các vụ việc phát hiện có quy mô nhỏ, số lượng đối tượng tham gia ít, mang tính chất nhỏ lẻ, phạm vi hoạt động tập trung chủ yếu tại một số địa bàn phức tạp như thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi... Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 112 đối tượng nghi vấn bán dâm.

Điều trị Methadone đạt 96% chỉ tiêu Chính phủ giao

Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu số người nhiễm mới HIV và xóa bỏ tệ nạn ma túy, mại dâm, thời gian qua Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động với nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án, trong đó bố trí, cân đối ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý người sử dụng, nghiện ma túy và cai nghiện ma túy trên địa bàn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS; nâng cao công tác chăm sóc, điều trị HIV; chú trọng công tác giám sát, kiểm tra liên ngành các cơ sở, dịch vụ nhạy cảm, dễ dẫn đến tệ nạn xã hội…

Tính đến tháng 10/2019, tổng số bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV, là 152 người. Trong số đó, có 7 trẻ em. Số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV là 129 người (trong đó 124 người lớn và 05 trẻ em), 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV đều có thẻ BHYT.

Đoàn công tác thăm bệnh nhân điều trị HIV tại cơ sở điều trị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum

Về kết quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đạt tỷ lệ 96%, theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ sở điều trị hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả; công tác tiếp nhận số đối tượng tham gia điều trị tăng dần qua các năm. Việc triển khai các cơ sở điều trị Methadone bước đầu đã mang lại một số hiệu quả nhất định…

Công tác cai nghiện trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng cai nghiện tự nguyện. Công tác tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để điều trị, cắt cơn và phân loại cũng được thực hiện tốt. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma túy, do đó các đối tượng nghiện ma túy sẽ được gửi vào cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai. Trong khi đó, người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn do những bất cập của quy định pháp luật, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác xác định tình trạng nghiện chưa đáp ứng yêu cầu, nên đa số người nghiện tự cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho địa phương trong về công tác phòng, chống HIV, ma túy, mại dâm thời gian tới. Cùng với đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; quan tâm hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy tại địa phương.

Kết luận buổi làm việc, ông Đoàn Hữu Bẩy đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Trước tình hình tội phạm ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, giáp hai nước Lào và Campuchia. Trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) còn 23,03%, do đó tệ nạn tội phạm diễn biến phức tạp.

Để hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS và xóa bỏ tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh, ông Đoàn Hữu Bẩy đề nghị địa phương chủ động, tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung dự báo đúng tình hình; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tác hại của HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phối hợp liên ngành; cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện nhằm bảo đảm chất lượng cai nghiện, giảm tỷ lệ người nghiện trên địa bàn…

Trong dịp này, Đoàn công tác đã đến thăm Cơ sở cấp phát thuốc Methadone, điều trị HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

Bài và ảnh: Thùy Chi

Top